24/05/2017 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

629
Chúa Nhật lễ Chúa Lên Trời

Chúa nhật lễ Chúa Lên Trời-A

Ngày 25-05-2017

Làm cho muôn dân thành môn đệ

Mt 28, 16-20

              1.      Ngữ cảnh

Chúa phục sinh và hiện ra với các môn đệ nhiều lần và nhiều nơi khác nhau. Hôm nay Chúa hẹn các ông đến Galilê. Tại sao lại ở Galilê? Luca thì nói ở Grêrusalem, vì Thành Thánh là nơi quan trọng đối với Luca, tất cả đều được hoàn tất ở đó. Ngữ cảnh của Mt thì khác. Chúa hẹn các môn đệ đến Galilê, vừa là nơi đầu tiên Chúa gọi các môn đệ và rao giảng, vừa là nơi kết thúc cuộc đời tại thế của Đức Giêsu, cũng là nơi khởi đầu sứ vụ của các môn đệ.

Chúa và các môn đệ ở trên một ngọn núi tại miền Galilê. Lên một ngọn núi: núi vừa là biểu tượng của các cuộc thần hiện, vừa là bối cảnh trao sứ vụ cách long trọng. Chúa trao điều gì và các môn đệ đón nhận ra sao?

               2.      Nội dung

Các môn đệ chỉ còn có mười một: con số không hoàn hảo, vì thiếu một, nhưng cũng là cách nhắc đến sự phản bội của tất cả nhóm. Dù thiếu, dù phản bội nhưng Chúa đã tha thứ, Chúa gọi các ông là: “anh em của Thầy” đồng thời trao sứ vụ. Chúa không thất vọng về các ông, không trách móc (dù trước đó có một số tin Chúa phục sinh, số còn lại vẫn hoài nghi). Chúa tha thứ và các môn đệ cũng đón nhận sự tha thứ đó nên các ông đến nơi Chúa hẹn. Tại miền của dân ngoai, dân đang ngồi trong bóng tối sẽ thấy ánh sáng (x. Mt 4, 15-16). Ánh sáng phục sinh vừa mở lòng các môn đệ, vừa soi chiếu cho dân ngoại để nhận biết Thiên Chúa.  

Chúa hẹn các môn đệ đến một ngọn núi: Cựu Ước hay nói đến ngọn núi trong bối cảnh thần hiện, Chúa hiện ra với con người hay ban lệnh truyền (như Môsê lên núi Sinai để nhận Thập giới; Đức Giêsu ở trên núi để ban các mối phúc). Vấn đề địa lý không quan trọng mà là ý nghĩa thần học. Chúa dạy dỗ các môn đệ và dân chúng trên một ngọn núi: núi Bát Phúc.

Lênh truyền của Chúa là phải làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Trước hết lệnh truyền này không dành riêng cho một nhóm mà là cho tất cả. Tiếp đến, muôn dân sẽ trở thành môn đệ nghĩa là ơn cứu độ không chỉ được loan báo cho “con cái nhà Israel” mà còn cho mọi người. Chiều hướng phổ quát của ơn cứu độ cũng như lãnh thổ loan báo Tin Mừng được mở rộng đến mọi biên cương (trước đó, Chúa truyền cho các môn đệ chỉ đi đến với con chiên lạc nhà Israel (Mt 10). Có thể hiểu điều này theo các nghĩa sau:

-  Thời Mt viết Tin Mừng, đã có sự đoạn tuyệt giữa Giáo Hội và Hội đường Dothái. Trước kia, ơn cứu độ được hiểu cách hạn hẹp là dành riêng cho Dân riêng được tuyển chọn, thì nay ý niệm này được hiểu là cho muôn dân, tính phổ quát của ơn cứu độ được mở ra.

-  Điều khác là biên cương loan Tin Mừng không còn biên cương. Khi Đức Giêsu còn tại thế, Tin Mừng còn giới hạn, giờ Ngài Phục sinh, không còn giới hạn bởi không gian và thời gian, Tin Mừng được loan truyền khắp nơi. Một cộng đoàn phổ quát được hình thành, trong đó mỗi người có mối tương quan mật thiết với Đức Giêsu và với nhau.

-  Hoạt động của người môn đệ nối tiếp hoạt động của Thầy, đó là ra đi.

Có hai việc phải làm để “muôn dân thành môn đệ” đó là làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi và rao giảng Tin Mừng. Người nhận phép rửa có tương quan mới trong Thiên Chúa Cha-Con và Thánh Thần.

Giảng dạy: lệnh truyền giảng dạy Chúa đã ra cho các môn đệ trước kia, nhưng “di chúc” cuối cùng Chúa để lại cho các môn đệ hôm nay, như để nói lên tầm quan trọng. Các môn đệ không tự nói những gì các ông muốn mà là nói những điều Chúa đã dạy. Không làm phép rửa nhân danh chính mình mà là nhân danh Ba Ngôi. Điều này quan trọng vì:

-  Các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu. Cuộc đời tại thế của Chúa chấm dứt thì các môn đệ bắt đầu.

-  Như Đức Giêsu nhận sứ vụ từ Chúa Cha, các môn đệ cũng nhận trách vụ từ nguồn đó.

-  Đề tài giảng dạy đã có sẵn: nói những gì Thầy truyền cho anh em. (không phải như trước kia là “chu toàn Lề Luật và các ngôn sứ”, nhưng là toàn bộ). Lời giảng bây giờ tóm tắt cả Tin Mừng Lời và Tin Mừng cuộc sống của Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ còn một điều là những gì lãnh nhận thì trao ban. Tuy nhiên Thầy Giêsu bây giờ là Đấng Phục Sinh, là Đức Chúa, không chỉ đơn giản là một con người lịch sử mà các môn đệ đã cùng sống, cùng ăn, cùng  uống...Chính vì vậy phải được dạy dỗ, được củng cố, được nhận lãnh đức tin và có trải nghiệm với Đấng Phục Sinh mới có thể rao giảng và làm chứng.

Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

-  Đến tận thế: đây là kiểu nói Sêmít, không phải chỉ đến ngày tận thế mà thôi, nhưng là mãi mãi, vĩnh viễn.

-  Chúa ở cùng: bằng cách đã lập Bí Tích Thánh Thể, là phương tiện để ở lại. Cách khác là Lời Chúa, được ghi chép, lưu truyền và giảng dạy qua Hội Thánh.

-  Đấng Emmanule: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây là lời mở đầu cho Tin Mừng, giờ khép lại cũng một lời đó trong sự viên mãn của Đấng Phục Sinh. Đây chính là lời của Đức Chúa đã tỏ cho Môsê: Ta là Đấng Hằng Hữu, Đấng có từ đời đời, Đấng tỏ lòng thương xót và cứu độ. Đức Giêsu phục sinh chính là Thiên Chúa, cùng một bảo đảm như YHWH đã làm cho dân.

Chúa lên trời nhưng vẫn còn ở lại. Các môn đệ từ nay sẽ không còn thấy Chúa cách trực diện, bằng xương bằng thịt như trước kia, nhưng bằng sự hiện diện huyền nhiệm, không sống bằng trực giác nhưng bằng đức tin, không sống bằng tình cảm, nhưng bằng niềm hy vọng. Chúa còn ở lại mãi, Ngài không làm thay các môn đệ, nhưng nâng đỡ họ bằng sức mạnh, bằng ân sủng và quyền năng ban cho môn đệ.

Đức Kitô trên núi miền Galilê, là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa Cha, những gì nhận lãnh từ Chúa Cha, hôm nay Ngài cũng trao ban cho các môn đệ. Giáo Hội nhận lãnh quyền năng, sức mạnh từ Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu chuộc của Ngài, cho đến ngày cánh chung.

Di chúc cuối cùng của Đức Giêsu với các đồ đệ không đượm vẻ buồn rầu của buổi chia ly, nhưng là niềm vui, niềm an ủi và nhất là sứ vụ cần thi hành, bởi ơn cứu độ nhận lãnh rồi phải trao ban. Niềm vui đã có cần được chia sẻ, kinh nghiệm về Chúa Phục sinh cần được rao truyền và nhận những lời giáo huấn giờ cần giảng dạy cho người khác.  

                  3.      Suy niệm

-  Anh em hãy làm cho muôn dân thành môn đệ: lệnh truyền này được áp dụng cho hết mọi người. Ai cũng có sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Bằng cách nào? Đơn giản, bằng lời nói, nghĩa là đọc và nói lời Chúa; bằng cuộc sống, điều này ai cũng làm được, vì sống tốt, ngay thẳng, thương người...đó là những luật căn bản mà ai cũng phải sống; bằng lời cầu nguyện, đó là phương thức rất hữu hiệu cho sứ vụ này. Loan Tin Mừng khi nào? Bất cứ khi nào có thể, ngay khi ăn, khi ngủ, khi làm việc, khi đi chơi, khi gặp gỡ, khi đau khổ, khi vui sướng… Cuộc sống người Kitô hữu cần bộc lộ được niềm vui của người sống niềm hy vọng, niềm vui của Chúa Phục sinh.

-  Thầy ở cùng anh em: Lời bảo đảm cho chúng ta đó là có Chúa ở cùng. Mỗi phút trong cuộc sống của ta cần xác tín điều đó. Sống bằng sự hiện diện của Chúa vừa là niềm vui cho ta, vừa là bằng chứng cho trần gian rằng Thiên Chúa hiện hữu.

-  Chúa lên trời, nhưng Ngài còn ở mãi bên mỗi người như lời khẳng định: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Xin Chúa giúp chúng ta xác tín và tuyên xưng đức tin này.

Nt. Catarina Thùy Dung, OP.

114.864864865135.135135135250