25/06/2017 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

389
Chúa nhật XII thường niên-A (thơ - C)

Chúa nhật XII thường niên-A

Ngày 25-06-2017

Đừng sợ!

Mt 10, 26-33

             1.      Ngữ cảnh

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh chung là “các diễn từ truyền giáo” từ 9, 36-11,1. Bối cảnh riêng là Chúa sai Mười hai môn đệ đi rao giảng, và nói cách cụ thể về những khó khăn của người rao giảng Tin Mừng cùng những cách thức thắng vượt trở ngại (10, 16-42). Riêng những câu 26-33, Đức Giêsu trấn an các môn đệ “đừng sợ!”. Lý do là Thiên Chúa mới có quyền trên tất cả, con người có làm hại nhau cũng chỉ trong giới hạn, và nhất là tương quan với Chúa, gắn bó với Ngài là điều căn bản của người môn đệ và là cách thắng vượt mọi gian khổ, chống đối.

        2.      Nội dung

Sứ vụ của các tông đồ là loan báo Tin Mừng cách công khai như sứ điệp đã nhận từ Đức Giêsu: điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm hãy nói giữa ban ngày, điều nghe rỉ tai thì hãy rao giảng trên mái nhà... và kết thúc bằng: đừng sợ!

Đừng sợ! Đứng trước đau khổ, bách hại ai cũng sợ, nhưng Chúa trấn an đừng sợ! Đừng sợ vì những lý do sau:

-       không phải là không sợ con người vì họ không làm gì được ta (chắc chắn người môn đệ sẽ bị bách hại), nhưng đừng sợ đau khổ vì môn đệ không hơn Thầy, Thầy chịu đau khổ thì môn đệ cũng chung một số phận đó (c. 24-25). Đây là lời khích lệ và là lời loan báo. Vậy sợ hãi là chuyện đương nhiên, nhưng đừng vì sợ mà ngưng không làm chứng cho Tin Mừng, đừng vì sợ mà chối bỏ đức tin.

-       đừng sợ kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Những người đã làm hại Đức Giêsu cũng sẽ làm hại các môn đệ, nhưng họ luôn giới hạn, chỉ bách hại về mặt thân xác, còn linh hồn chúng ta họ không làm được gì. Bởi chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền trên tất cả.

-       đừng sợ vì Thiên Chúa quan phòng trên tất cả và chính Chúa ở với ta: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi”. ( Is 41, 10). Chúa không loại đau khổ ra khỏi số phận phàm nhân, nhưng con người luôn có Chúa là chỗ nương thân, trong đau khổ Chúa sẽ trợ giúp.

Nhưng hãy sợ Đấng có quyền tiêu diệt cả hồn và xác trong hỏa ngục. Câu trước Chúa nói “đừng sợ”, câu này “hãy sợ...Đấng có quyền tiêu diệt cả thân xác lẫn linh hồn trong hỏa ngục”. Hỏa ngục là gì và tại sao Chúa nhắc đến ở đây?

Trở về với Gr 7, 32 để hiểu điều Đức Giêsu nói ở đây. Hạn từ “hỏa ngục” muốn nói đến nơi ghê tởm và khốc hại (không theo quan niệm dân gian, tưởng tượng nơi lửa đang cháy bừng bừng!), được phiên âm từ tiếng Hipri “gê himnom”. Dân Giuđa đã giết trẻ con để hiến tế cho thần Môlếch tại thung lũng Hinmôn (gần cổng thành Griêrusalem về phía Nam). Giêrêmia tuyên sấm, chính tại nơi dân đã phạm tội, họ thiêu đốt con trẻ để hiến tế thì chính họ cũng sẽ bị trừng phạt với dầu và lửa. Cuộc trừng phạt thật khủng khiếp! Chúa nhắc lại điều này như một biểu tượng cho những ai không chịu đáp lại lời mời gọi của Chúa. Xa lìa Thiên Chúa là Đấng Hằng sống sẽ đi đến diệt vong. Bỏ Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thì sẽ chịu đau khổ, không những nơi thân xác mà còn trong tâm hồn.

Sau khi nói về vấn đề sợ và đừng sợ. Giờ đến phần tích cực đó là tín thác vào Thiên Chúa.

Một ví dụ cụ thể để cho thấy việc Thiên Chúa quan phòng: hai con chim sẻ chẳng là gì, vậy mà Chúa còn để ý chăm nom, huống chi là con người quý giá biết bao, lẽ nào Chúa lại bỏ quên (điều khẳng định này được nói rõ trong Mt 6, 24-34 về việc Chúa quan phòng).

Hai con chim sẻ chỉ đáng giá có hai đồng xu, xét về giá trị vật chất, chúng chẳng là gì. Nhưng trước mặt Chúa, Ngài vẫn chăm sóc và coi trọng từng con. Loài vật nhỏ bé mà Chúa còn chăm lo, huống chi là con người, cao quý biết bao “chỉ kém thiên thần một chút” (Tv 8). Ở đây, Chúa khẳng định là con người đáng quý, không lẽ nào Chúa để ta bị chìm vào quên lãng. Chúa chăm lo kỹ lưỡng đến độ một sợi tóc rụng xuống cũng không ngoài ý Chúa và “tóc trên đầu cũng đã được đếm cả rồi”.

Lời bảo đảm cho những ai theo Chúa, phần còn lại là do thái độ của người môn đệ. Có người nghe rồi bỏ đó, có người đem ra thực hành. Ở đây Chúa nói cách công khai, những ai tuyên xưng đức tin sẽ là người được chung hưởng hạnh phúc bên Ngài.

Ai tuyên bố Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ nhận nó trước mặt Chúa Cha, và ngược lại. duy trì sự hiệp nhất với Đức Giêsu để có sự hiệp thông với Thiên Chúa và được sống. Đức tin cần được thể hiện trong cuộc sống, tuyên xưng Thiên Chúa và nhận Ngài trước mặt con người không sợ hãi. Một khi tách khỏi Thiên Chúa, nghĩa là chối từ Ngài, là tự để mình sống trong nỗi bất hạnh.

 Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ chối nó trước mặt Chúa Cha. Đó là cách nói cần chọn lựa rõ ràng, chọn Chúa và tuyên xưng đức tin vào Ngài phải được tôn trọng hơn tất cả. Chọn Chúa có khi phải hy sinh ngay cả gia đình và bản thân. Nhưng đó là điều quan trọng nhất, vì chỉ người nào mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được (10, 39). Vấn đề chính là tin, bởi Chúa là Đấng Hằng Sống, tin vào Chúa dù bị người đời giết chết vẫn sống lại trong Thiên Chúa.

Việc chọn Chúa phải khẳng định luôn, phải chứng tỏ mình thuộc về Chúa và tin vào sứ điệp của Ngài. Chúng ta không thấy Chúa Cha, do vậy  Mt sử dụng hạn từ “Chúa Cha, Đấng ngự trên trời”, để diễn tả một thực tại siêu việt, vượt trên sự hiểu biết của con người, nhưng lại rất gần, ở bên cạnh, ở trong lòng chúng ta, cụ thể nơi Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa. Chúng ta không cần tìm kiếm Thiên Chúa ở đâu xa, chỉ cần tin là đang ở trong Ngài.

               3.      Suy niệm

-       Đừng sợ! Lời của Chúa luôn là “bảo hiểm nhân thọ” chắc chắn nhất cho chúng ta. Người làm chứng cho Tin Mừng sẽ gặp chống đối, nhưng đừng vì sợ mà bỏ cuộc, bởi chính Chúa đã chịu những chống đối thì người môn đệ cũng cần bước theo Thầy trong hoàn cảnh này. Làm chứng cho Chúa bằng đời sống ngay thẳng, có khi phải trả giá đắt, nhưng có Chúa bên cạnh và Ngài chấn an: đừng sợ!

-       Làm chứng cho Chúa dù bị thiệt thòi. Suy nghĩ về các vị tử đạo, là người làm chứng cho Chúa phải hy sinh mạng sống. Không phải Chúa muốn con người phải chết, nhưng Ngài muốn Tin Mừng được loan báo. Vấn đề không phải nơi Chúa mà là sự chống đối từ nơi con người. Bởi họ không chấp nhận sứ điệp cứu độ của Chúa nên từ chối người chứng nhân. Xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để sống đức tin trước mặt con người, dù phải thiệt thòi về vật chất và có khi chính mạng sống của mình cùng gia đình.

Nt. Catarina Thùy Dung, OP.

114.864864865135.135135135250