14/08/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

562
Chúa nhật XX thường niên năm C

Chúa nhật 20 Thường niên-C

Ngày 14-08-2016

Can đảm để chiến đấu

Lc 12, 49-53

1.  Ngữ cảnh

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong khung cảnh Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem. Nói lễ thái độ của Chúa trước cuộc Thương khó. Những diễn từ trước, Chúa nhắc đến các hạn từ: “ông chủ về”, “người trộm lẻn vào nhà trong đêm” và “Con Người đến”, có lẽ đó cũng là lời nói ám chỉ chính Ngài sẽ đến.

Bài diễn từ của Chúa hôm nay nói về việc Ngài đến ném lửa vào trần gian, Chúa nói cách rõ ràng nguyện vọng của Ngài, đồng thời cũng cho thấy những hậu quả ngày Ngài đến.

2.  Nội dung

Luca gộp các ngôn từ của Chúa liên quan đến sứ mệnh của Ngài ở nơi đây và chuẩn bị cho phần tiếp theo là việc nhận biết sự thay đổi của thời gian, đồng thời kêu gọi hối cải, vì đó là việc làm cấp bách, cần chọn lựa theo hay không theo Đức Giêsu. Và bây giờ Ngài nói lên ý định của Ngài:

Thầy đến ném lửa vào mặt đất

“Lửa” theo quan niệm Cựu Ước

-   Đó là cuộc phán xét trong ngày Chúa đến: Đức Chúa đến trong lửa...Chúa sẽ dùng lửa và lưỡi kiếm mà xét xử mọi người phàm (Is 66, 15-16).

-   Lửa để biện phân hay tách biệt, Chúa tỏ quyền năng chống lại kẻ ác, Người phân biệt người lành kẻ dữ bằng cách để cho kẻ dữ tự nhận biết mình: bọn bất lương kinh hoàng run rẩy, chúng rằng: ai trong chúng ta ở gần được lửa thiêu...( Is 33, 14)

-   Lửa để thanh luyện : tất cả những gì chịu được lửa, phải cho qua lửa để các vật ấy được sạch...(Ds 31, 23; Lv 13, 52)

“Lửa” theo cách nhìn của Luca

-   Lửa của Ngày lễ Ngũ Tuần: khi Chúa Thánh Thần xuống trên các tín hữu, ánh lửa soi sáng, ban sức mạnh, giúp hiểu mặc khải về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và sai đi làm chứng cho những điều đó  (x. Cv 2,3).

-   Lửa là các thử thách đang chờ các môn đệ,

-   Lửa là công trình thanh luyện và canh tân của Đức Giêsu ở trần gian .

Chúa đến ném lửa vào mặt đất. Có nhiều cách hiểu:

-   Lửa này đã được Đức Giêsu đốt lên và mang đến cho trần gian đó là Chúa Thánh Thần, Ngài ước mong cho mọi người được đầy Thánh Thần, nhận biết và tin vào Ngài.

-   Cũng có thể hiểu về việc Chúa đến để phán xét và phần tiếp theo nói lên điều đó. Chúa đưa ra những kiểu mẫu tốt và xấu, người lành kẻ dữ và mọi người chịu phán xét trước mặt Chúa, tùy vào những việc họ làm

Lửa ấy bùng cháy lên: lửa bùng cháy theo các nghĩa đã giải thích trên, nếu là cuộc thanh tẩy thì con người cần hoán cải, lửa của Thánh Thần giúp soi sáng, thanh luyện, biện phân...

Thầy còn một phép rửa phải chịu: đối với Mc 10, 38 thì phép rửa này đi đôi với chén, chén trong Thánh Vịnh có nhiều nghĩa, tạm chia làm hai: đó là chén hồng ân cứu độ và chén đau khổ. Phải chăng Mc muốn nói đến chén đau khổ, gợi ý việc tử đạo?

Còn theo Luca, lửa mà Chúa mang đến là Thánh Thần ở trong Ngài, một người đầy sức mạnh, lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, Chúa muốn truyền lửa nhiệt thành đó cho người tín hữu; và ngọn lửa bao trùm, xuyên thấu, đốt cháy con người, Chúa muốn đi vào cõi sâu thẳm của lòng người, nơi Chúa, không có chỗ cho sự dối trá, sự dửng dưng, sự nguội lạnh...Ngài muốn thanh luyện con người để họ trở nên tinh tuyền, muốn đốt cháy lòng chúng ta để trở thành những sứ giải loan báo Tin Mừng và là những người hăng say nhiệt thành như ngọn lửa bùng cháy để làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống của họ.

Bài Tin mừng còn nói đến phép rửa, phép rửa đi đôi với lửa trong bối cảnh cuộc phán xét, nhưng điều lạ là cuộc phán xét chính Đức Giêsu phải chịu, đó là gì? Đó là Chúa phải lên Giêrusalem, chịu đau khổ và chết.

Lòng Thầy còn khắc khoải:

-   Nỗi mong chờ cho chương trình cứu độ được hoàn tất, để con người được giải thoát khỏi những đau khổ nhờ cuộc thương khó của Chúa.

-   Sự khắc khoải cũng có thể cảm nhận được khi Đức Giêsu trong vườn Giệtsimanie, mồ hôi và máu đổ ra nhỏ xuống đất. Khắc khoải lo âu trước cuộc thương khó.

-   Và cuối cùng đó là khát vọng mãnh liệt cho công cuộc cứu độ của Ngài đạt tới mức thập toàn.

Sau khi nói xong việc Chúa đến đem lửa và ước vọng của Ngài cho lửa đó cháy lên. Chúa nói về chính Ngài sẽ phải chịu một “phép rửa” là cuộc khổ nạn, và giờ đây những việc liên quan đến thái độ con người có đón nhận Chúa hay không.

Thầy đến không phải là đem hòa bình mà đem chia rẽ

Khi Đức Giêsu giáng sinh, thiên thần ca hát: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Bình an là quà tặng của Thiên Chúa, Ngài đến đem bình an. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Chúa cũng phán, đi đến đâu hãy nói: bình an cho nhà này. Nhưng ở đây xem ra lại là một nghịch lý khi Đức Giêsu khẳng định: Thầy đến không phải đem hòa bình mà là đem gươm giáo. Câu nói có vẻ nghịch lý này muốn diễn tả:

-   hòa bình do Chúa mang đến không phải là hòa bình của trần thế, không phải điều con người mong chờ theo ý của họ, hay hòa bình dễ dãi như các ngôn sứ vẫn mong ước (x. Gr 6, 14; Ed 13, 10).

-   Chúa đem chia rẽ, hiểu theo truyền thống các ngôn sứ đó là sự đau khổ trong thời sau hết (x. Mk 7, 6; Ml 3, 24). Lc 21, 16 Chúa cũng nhắc lại điều đó.

-   Chúa thương người tội lỗi nhưng không chấp  nhận tội. Ngài không thỏa hiệp cách dễ dãi với điều xấu. Mục tiêu của Chúa đến không phải là sự yên tĩnh, “bình an”, chấp nhận sự ác mà là phân biệt, triệt tiêu sự xấu.

-   Đức Giêsu chính là hòa bình, ai đón tiếp Ngài là đón tiếp sự bình an: bình an sẽ ở lại với người ấy, còn ai không đón tiếp Chúa là kết án chính mình; sự từ khước này là lời kết tội kẻ không đón tiếp đó. Vậy sự hiện diện của Chúa là sự đối lập, đối lập ở chỗ con người phải lựa chọn: hạnh phúc hay bất hạnh, bình an thật hay bình an giả, hợp nhất hay phân tán. Nếu chọn Chúa, tất cả ở trong trật tự và bình an, ở ngoài Chúa chỉ còn lại là sự xáo trộn, chiến tranh...

-   Ai gặp gỡ Thiên Chúa sẽ có sự tương phản và chống đối nơi chính người đó. Bản tính tự nhiên của con người thích dễ dãi, chiều theo “tham sân si” của mình. Chúa đem lửa đến chiếu soi, thanh luyện và chúng ta phải chọn lựa. Theo Chúa phải có những cuộc chiến đấu chống lại chính bản thân, thế gian và ma quỷ. Chọn Chúa là Chân Thiên Mỹ thì phải bỏ điều xấu, ác và tội. Chúa Giêsu cũng phải chiến đấu để chọn thi hành thánh ý Chúa Cha khi ở trong vườn Giệtsimanie, điều đó không nói lên sự tương phản sao?

            3.     Suy niệm

-   Nếu lửa có ý nghĩa thanh tẩy, thì đó là Chúa muốn thanh luyện chúng ta khỏi những ý tưởng xấu, hành động xấu và ban lửa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, đốt nóng. Ý thức lại ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm sức, để cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra giới hạn, lầm lỗi để hoán cải và sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày.

-   Chúa Giêsu đang trên đường đi Giêrusalem để chịu khổ nạn. Ngài còn một phép rửa phải chịu đó là chịu đau khổ và chết để cứu nhân loại. Mỗi khi gặp khó khăn, gian khổ, chúng ta nghĩ đến “phép rửa” Chúa phải chịu, để chúng ta cùng hiệp thông với Ngài. Đi xa hơn nữa đó là mỗi ngày làm những việc hy sinh nho nhỏ, để học sống trao dâng như Chúa đã trao ban chính Ngài cho chúng ta.

-   Chúa đòi hỏi chúng ta thảo kính cha mẹ, yêu thương anh chị em. Bài Tin Mừng hôm nay nói lên sự chống đối giữa những thành viên trong gia đình, đó là chúng ta phải chọn Chúa là trên hết, những giá trị khác rất tốt đẹp, cao quý, nhưng không được đặt trên Chúa. Vậy chọn Chúa có khi phải hy sinh nhưng giá trị khác. Xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để thực thi ý Ngài.

 

Nt. Catarina Thùy Dung

114.864864865135.135135135250