16/10/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

648
Chúa Nhật XXIX thường niên năm C (Sr Thùy Dung)

Chúa nhật 29 Thường niên-C

Ngày 16-10-2016

Phải cầu nguyện luôn!

Lc 18, 1-8

1.     Ngữ cảnh

Bài Tin Mừng nằm trong giai đoạn cuối của hành trình Đức Giêsu lên Giêrusalem. Những người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu về ngày cánh chung, Chúa trả lời cho họ và dạy các môn đệ về ngày Chúa đến, ngày đó bất ngờ nên phải tỉnh thức; tỉnh thức trong công việc và trong cầu nguyện. Để củng cố thêm những gì đã dạy trước, hôm nay Đức Giêsu nói về dụ ngôn người quan tòa bất chính và bà góa, để dạy phải cầu nguyện luôn, đó là cách tỉnh thức đón chờ Chúa.

2.     Nội dung

Trong thành kia có một ông quan tòa...bất chính. Dụ ngôn không để tên người và nơi chốn; đó cũng là cách thức Đức Giêsu thường xuyên dùng, nhưng ở đây phải chăng thánh sử muốn mỗi người đóng vai của mình? Ông này không kính sợ Chúa cũng chẳng kiêng nể con người, nghĩa là ông không hề giữ luật (phải yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình. Mc 12, 31); hạng quan tòa này không phải là ít ở đời thường và Kinh Thánh cũng nói đến (x. Tv 58, 2-3). Nhưng điều quan trọng không phải là ông quan tòa bất chính (vì ông chẳng kiêng nể ai, lẽ nào lại để tâm đến người đàn bà góa!) nhưng là bài học mà Chúa muốn dạy:

-   Phải cầu nguyện luôn! Nghĩa là trong mọi tình huống, mọi nơi, mọi lúc, đó là sự cần thiết như hơi thở, không thở là không sống được. Chính vì sự cần thiết này mà Chúa đã làm và dạy chúng ta.

-   Đừng nản chí! Chúa đưa ra hình ảnh bà góa làm ví dụ. Trong Kinh Thánh nói chung và cụ thể dụ ngôn này nói riêng, người đàn bà đã là điều thua kém, còn là bà góa thì quả thật đáng tội nghiệp. Cựu Ước nói nhiều vụ sử bất công đối với các bà, Chúa lên án điều đó và Ngài đứng về phía họ: Chúa đòi công bằng cho các bà góa con côi (x. Xh 22, 22-24); và Ngài là Đấng phân xử công minh cho cô nhi quả phụ (x. Đnl 10,18)...

-   Vượt qua thử thách: bà góa đã nhiều lần kêu oan nhưng không được phân xử; dù không được phân xử công minh, bà vẫn kiên nhẫn đệ đơn khiếu nại, cho đến khi đạt mục đích. Bà đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, chỉ còn một con đường là sự kiên nhẫn. Điều hay nơi bà là chỉ xin phân xử công minh chứ không đòi trừng phạt kẻ đã làm hại bà. Giả thiết trong cầu nguyện phải hàm ý ngay lành, chỉ xin điều công bằng cho mình chứ không được xin điều hại đến người khác (có thể họ xứng đáng chịu hình phạt đó!).

Có ông quan tòa bất chính: thật đáng tiếc thay, đúng ra đó là người liêm chính để công lý hiển trị, giờ Chúa đưa ra hình ảnh người quan tòa bất chính như là một ví dụ, điều này không là một scandan sao?

-   Ông này bất chính trước kia, nghĩa là không phân xử công minh, không bênh vực người yếu thế, nhưng trong trường hợp xử cho bà góa này lại là một quyết định chính đáng.

-   Chúa sử dụng hình ảnh tiêu cực để dạy bài học tích cực. Con người đối xử với nhau cách gian ác, bất chính...vậy mà cuối cùng cũng phải xử công minh cho người bị hàm oan, không phải ông bất chính này thay lòng đổi dạ, nhưng là sự kiên nhẫn của người đàn bà đã đưa đến kết quả như bà mong đợi.

-   Tc lại không minh xét cho những ai kêu cầu Người sao? Nếu con người gian ác còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Thiên Chúa lại không làm nhiều hơn thế sao? Cũng cùng một kết luận: con người vốn gian xảo mà còn xử công minh cho người bị áp bức, không lẽ Thiên Chúa là Đấng công bằng, yêu thương, luôn bênh vực người yếu thế, cô nhi quả phụ, lại không nghe lời chúng ta kêu cầu sao? Câu hỏi cũng là câu trả lời: Chúa luôn đáp lời chúng ta, đó là điều hiển nhiên. Thiên Chúa nhân từ lẽ nào lại không thấu nỗi khổ của con người khi họ kêu cầu sao?

Nhưng khi Con Người đến, liệu có còn niềm tin trên mặt đất chăng? Chúa vừa đưa ra lời khích lệ là phải cầu nguyện luôn, câu tiếp này vừa mang tính oán trách, vừa xót xa, vừa thách thức. Sao Chúa không nói: liệu khi Ta đến...mà lại dùng “Con Người” đến? Hạn từ này cần hiểu trong ngữ cảnh Cựu Ước, như khi Con Người ngự trên mây trời mà đến, nghĩa là Thiên Chúa đến để xét xử trong ngày cánh chung. Liệu ngày Chúa đến, chúng ta còn cầu nguyện không? Còn tin ở Thiên Chúa và những giáo huấn của Ngài không, hay những thứ khác đã chiếm chỗ của Ngài rồi? Và còn thêm nữa là còn tin vào lời cầu nguyện sẽ được đáp lời không?

Còn niềm tìn, còn hy vọng và sống cho niềm tin đó là làm tròn thiên ý. Chúa biết điều này khó, vì chính Ngài cũng phải đối diện với thách thức này khi chọn theo thánh ý Chúa Cha và kiên tâm đến cùng để thực hiện thánh ý Cha.

Kiên tâm cầu nguyện: là lời mời gọi khẩn thiết cho con người. Câu kết luận và câu mở đầu đóng khung cho bài Tin Mừng: phải cầu nguyện luôn!

3.     Suy niệm

-        Quan tòa là ai? Câu trả lời trước hết là tôi. Không những thường xuyên là quan tòa mà còn là bất chính, nghĩa là xử người khác không theo quy tắc, không theo luật lệ nào. Khi tôi đưa người anh chị em ra để chỉ trích, khi đó tôi đang đóng vai quan tòa bất chính. Ngoài tất cả những nghĩa mà tác giả Tin mừng muốn nói, xin thêm một nghĩa đó là tự đóng vai. Mỗi người chúng ta được mời gọi suy nghĩ về chính mình, và đừng để mình ở trong tình trạng là người quan tòa chuyên xét xử người khác cách bất chính.

-        Người đàn bà góa là ai? Cũng chính là tôi ; vừa đóng vai quan tòa lại vừa là bà góa. Cuộc sống muôn mặt và chúng ta cũng đóng nhiều vai. Nếu ở trong tình cảnh người đàn bà góa. Chúng ta có Chúa bên cạnh để phân xử và cho ta điều mong muốn. Quan trọng là nuôi dưỡng niềm tin, lòng trông cậy. Lời cầu nguyện của người thành tâm thiện trí sẽ được Thiên Chúa lắng nghe.

-        Khi Con Người đến liệu còn niềm tin hay không ? Câu hỏi xoáy vào tâm khảm mỗi người và mỗi ngày chúng ta đặt lại câu hỏi đó. Mong sao câu trả lời luôn là có, dù có trong sự do dự, chính trong cầu nguyện Thiên Chúa sẽ thêm đức tin cho ta, để chờ đợi ngày Ngài đến.  

 

Nt. Catarina Thùy Dung, OP.

114.864864865135.135135135250