Thế quyền và thần quyền
Hành Khất Kitô
Lời mở
Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về quyền lực của thế giới và quyền lực của Thiên Chúa, hay nói khác đi, về thế quyền và thần quyền. Ý hướng này biểu lộ qua việc nhắc đến tên vua Kyrô trong bài đọc I (x. Is 45,1.4-6) hay tên hoàng đế Xêda (Caesar) trong bài Tin Mừng (x. Mt 22,15-21), nhất là nguyên tắc của Chúa Giêsu: “Trả cho Caesar những gì của Caesar, trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt 22,21).
1. Thế quyền
1.1. Vài tên gọi lịch sử
Trước hết, chúng ta lưu ý một vài tên gọi trong lịch sử: Kyrô là tên vị vua Ba Tư, ông không biết gì về Đức Giavê của người Do Thái (x. Is 45,4.5), nhưng lại được Thiên Chúa chọn lựa, được Thiên Chúa xức dầu. Chính ông đã ra lệnh cho phép người Do Thái, sau khi bị vua Nabucodonosor phá huỷ đất nước và thành Giêrusalem vào năm 587 trước Công nguyên, được trở về đất nước xây dựng lại thành Giêrusalem vào năm 539.
Caesar là tên của một dòng tộc danh tiếng người Rôma, sau đó trở thành tước hiệu chỉ các hoàng đế Rôma. Thí dụ: Augustus Caesar trị vì lúc Chúa Giêsu giáng sinh (x. Lc 2,1), Tiberius Caesar cai trị từ năm 14-37 (x. Lc 3,1), Claudius Caesar (x. Cv 11,28; 28.2) và Nêrô, cai trị từ năm 54-68 (x. Ph 4,22) đã ra lệnh chém đầu thánh Phêrô và Phaolô. Caesar trong bài Phúc Âm hôm nay trực tiếp nói đến Tiberius là người đang cầm quyền trong đế quốc Rôma và theo nghĩa bóng: chỉ quyền lực thế giới hay thế quyền.
1.2. Thế quyền bắt nguồn từ đâu?
Quyền lực của thế giới, hay đúng hơn là quyền lực của người đứng đầu một bộ lạc, dân tộc hay một đế quốc, bắt nguồn từ sức mạnh thể lý của con người. Người nào có sức khoẻ, đánh thắng kẻ yếu sẽ trở thành tù trưởng đứng đầu bộ lạc. Khi những bộ lạc được quy tụ thành một dân tộc thì việc tổ chức dân tộc ấy cần đến sức mạnh quân đội và tài tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao… Vì thế, người đứng đầu không những phải chỉ có sức mạnh thể lý mà còn phải có nhiều tài năng tinh thần.
Từ thế kỷ 15 trước Công nguyên, các bộ tộc quy tụ thành những dân tộc và tổ chức nhà nước có người chủ là một ông vua, chế độ ấy gọi là chế độ quân chủ. Nhà vua, với quyền lực của mình, có thể tác động đến con người, đến những gì thuộc về con người. Dù ông không dựng nên sự sống con người nhưng ông có quyền tàn sát con người; dù ông không làm ra một tấc đất, nhưng ông có quyền chiếm hữu đất đai tạo nên một lãnh thổ. Bất cứ người nào sống trên lãnh thổ ấy phải phục tùng ông. Nhưng quyền lực của nhà vua, ngoài sức mạnh thể chất và tinh thần, như một lý do chính đáng để nắm giữ quyền lực, còn có thể bắt nguồn từ những thủ đoạn chính trị hay quân sự, qua đó dòng họ này lật đổ dòng họ khác để chiếm được quyền lực cai trị đất nước.
Khi nắm được quyền lực rồi, người ta còn muốn cho quyền lực của mình mang tính tuyệt đối, người khác không thể xâm phạm được, nên mặc cho nó tấm áo thần linh vì chỉ có thần linh hay chỉ có Trời mới có quyền lực tối thượng đối với con người. Chỉ có Trời dựng nên con người mới có quyền cho con người sống hay chết, hay dựng nên trời đất nên mới có quyền chi phối vạn vật. Khi mặc cho quyền lực của mình tấm áo thần linh, các vị vua xưng mình là thiên tử (con trời) để có quyền bắt người khác phải chết, có quyền tịch thu đất đai và những tài sản, sở hữu của con người. Vua bắt bầy tôi phải chết mà bầy tôi không chết là bất trung. Đó là những nguyên tắc mà cha ông chúng ta trong bao nhiêu thế kỷ đã phải tuân theo: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.
1.3. Mục đích của thế quyền
Thật sự, quyền lực trần thế được lập nên là để phục vụ con người. Nhìn vào lịch sử Do Thái, từ khi Abraham bỏ quê hương để đi vào miền đất Canaan vào thế kỷ 18 trước Công nguyên, cho đến khi 12 chi tộc xin tiên tri Samuel bầu cho dân tộc mình 1 vị vua đầu tiên, vua Saolê (x. 1Sm 8,5; 10,18-19); tiếp theo là vua David (x. 1Sm 16,1-13) lên ngôi năm 1010 trước Công nguyên, những vị vua ấy vẫn ở dưới lề luật, phải tuân thủ Mười Điều Răn và bảo vệ luật lệ Chúa trao phó.
Trong khi các vua có quyền chiếm đoạt mọi phụ nữ trong đất nước, thì nhà vua Do Thái không có quyền ấy. Khi vua David chiếm đoạt nàng Bathsheba, giết chồng của bà để cưới bà làm vợ thì vua đã phạm tội và đứa con sinh ra từ người phụ nữ đó phải chết (x. 2Sm 11,1–12,24). Quyền lực trần thế được Thiên Chúa trao phó cho con người để con người tạo nên hạnh phúc, bình an, thịnh vượng chứ không phải đàn áp và chiếm đoạt nhau (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 377-378).
“Dù không đồng ý với sự cầm quyền, đàn áp và chuyên chế của các nhà lãnh đạo quốc gia (x. Mc 10,42), cũng như phản đối tham vọng của họ là muốn mọi người coi mình là ân nhân (x. Lc 22,25), nhưng Đức Giêsu cũng không trực tiếp chống đối các nhà cầm quyền đương thời” (Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 379), dù Israel đang ở dưới chế độ đô hộ của người Rôma.
Khi đưa ra ý kiến về việc nộp thuế cho hoàng đế (x. Mc 12,13-17; Mt 22,15-22; Lc 20,20-26), Người cũng khẳng định rằng phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi mọi sự từ phía con người bởi vì Ngài dựng nên con người, ban sự sống cho con người, dựng nên trời đất và ban tất cả cho gia đình nhân loại để mọi người chia sẻ hạnh phúc, bình an, thịnh vượng cho nhau (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 451). Nhưng đồng thời, quyền bính trần gian cũng được quyền đòi hỏi những gì thuộc về mình: Đức Giêsu không coi việc nộp thuế cho hoàng đế là chuyện bất công (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 379).
2. Tương quan giữa thế quyền và thần quyền
2.1. Lời mời gọi của Chúa Giêsu
Khi những người biệt phái định gài bẫy Chúa Giêsu, họ hỏi Người có nên nộp thuế cho Caesar không. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ rất khó trả lời. Nếu trả lời là nên nộp thuế cho Caesar thì Chúa Giêsu đứng về phía chính quyền đô hộ Rôma và chắc chắn sẽ bị dân chúng tẩy chay vì đã phản bội dân tộc. Nếu trả lời không nên nộp thuế cho Caesar thì Chúa Giêsu lại tỏ thái độ chống đối quyền lực đương thời và chắc chắn sẽ bị phe Hêrôđê tố cáo và bắt giam. Nhưng Chúa Giêsu đã tìm được câu trả lời ngoài sự tưởng tượng của họ khi Người hỏi hình và danh hiệu trên đồng bạc nộp thuế là của ai. Sau khi họ trả lời “của Caesar”, Người nói: “Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.
Qua câu trả lời đó, không phải Chúa Giêsu chỉ thoát khỏi cạm bẫy mà thôi, nhưng Người muốn mời gọi chúng ta suy nghĩ về vai trò và nhiệm vụ của chúng ta, những con người vừa tôn kính Thiên Chúa vừa sống trong trần thế này. Chúng ta chịu áp lực của thế quyền trong các nước ở trần gian, nhưng đồng thời lại là công dân Nước Trời ở dưới quyền lực của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thực hiện sự tương hợp giữa hai quyền lực ấy như thế nào?
2.2. Sự tương hợp giữa nước trần và Nước Trời
Là con người sống trong gia đình nhân loại, chúng ta đang có Thiên Chúa ở trong và ở giữa chúng ta. Ngài ban sự thật, sự sống, tình yêu và tất cả những gì tốt đẹp cho chúng ta nên chúng ta có nhiệm vụ phải xây dựng Nước Trời, là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, hoà bình và tình thương” ngay giữa trần thế hôm nay. Đồng thời chúng ta cũng đang sống trong một đất nước cụ thể là nước Việt Nam với dân tộc Việt, có chính quyền và luật pháp rõ ràng, có nền văn hoá đặc trưng, có những khó khăn cũng như thuận lợi về lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự đang phải đối đầu. Chúng ta được mời gọi để trở thành công dân tốt, xây dựng chính quyền của nước mình.
Sau thời kỳ người ta trao tất cả quyền lực cho nhà vua dẫn đến những nền quân chủ chuyên chế độc tài, người ta đã hiểu rằng vua chỉ là người đại diện cao cả của Thiên Chúa và của toàn thể dân tộc. Chính nhân dân mới có toàn quyền trên đất nước và từ đó xuất hiện ý thức dân chủ. Năm 1789, khi những người Pháp phá ngục Bastille tượng trưng cho quyền lực nhà vua và công bố nền dân chủ đầu tiên trên thế giới, ý thức nhân dân làm chủ đã dần dần lan ra khắp nơi để lập nên những chế độ mới nắm giữ quyền lực trần thế.
“Nhưng nhân dân không có nghĩa là một đám đông không hình thù, một quần chúng thụ động dễ dàng bị điều khiển và lợi dụng. Đó là tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có những ý kiến riêng về những vấn đề chung, được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình; đồng thời tận dụng những ý kiến và những quan điểm ấy để phục vụ công ích” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 385). Vì thế, chính chúng ta là những người xây dựng và hình thành quyền lực của đất nước. Một đất nước có công dân tốt thì mới hy vọng tạo nên quyền lực chính đáng để xây dựng đất nước phát triển trong hoà bình và thịnh vượng.
Kết luận
Hôm nay, ngoài việc cầu nguyện cho những vị lãnh đạo các quốc gia, chúng ta cũng nên nhìn lại chính con người của mình, để xem mình đã mang tình yêu, công lý, sự thật, sự thánh thiện của Thiên Chúa vào đời sống hay chưa. Từ đó chúng ta mới tạo nên những con người yêu chuộng công lý, sự thật, sự thiện, hình thành nên một nhân dân tốt đẹp và một chính quyền vững mạnh. Như vậy, thế quyền và thần quyền không phải là hai lực lượng đối kháng nhau, nhưng tương hợp với nhau trong chính con người vừa là công dân của Nước Trời và cũng là công dân của nước trần thế này.