23/10/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

623
Chúa Nhật XXX thường niên - C

Chúa nhật XXX TN-C

Ngày 23-10-2016

 

Người Pharisêu và người thu thuế

Lc 18, 9-14

1.   Ngữ cảnh

Liền ngay trước đó Chúa kể dụ ngôn ông quan tòa bất chính và người phụ nữ quấy rầy, để nhấn mạnh đến việc kiên trì cầu nguyện, Chúa sẽ nhận lời mọi kẻ kêu cầu Ngài. Tin Mừng hôm nay tiếp theo tuần trước cũng có một phần nói về việc cầu nguyện, nhưng câu kết lại dạy bài học khác.

Chúa kể dụ ngôn này với mục đích rõ ràng là dạy bài học về sự khiêm tốn và công chính đích thực là do Chúa ban, chứ không phải công trạng con người làm được và bắt Chúa “tính công”, đồng thời dạy con người cầu nguyện thế nào là đúng nhất.

2.   Nội dung

Đức Giêsu kể dụ ngôn

-  tác giả muốn mượn hình ảnh để nói lên thực tại, muốn dùng cái hữu hình để nói điều vô hình, dùng cái bên ngoài để diễn tả điều sâu thẳm bên trong.

-  Chúa nhắm đến khán giả trực tiếp là những người tự cao tự đại, coi mình là đạo đức, tốt lành và khinh chê người khác.

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: đi cầu nguyện, giả thiết là để lập mối tương quan với Thiên Chúa trong tâm tình chúc tụng, tạ ơn, xin ơn...người ta có thể cầu nguyện ở đền thờ vào bất cứ giờ nào, nhưng hai giờ chung là giờ ba (9h sáng) và giờ chín (15h). Hai nhân vật chính được nói đến nơi đây có hai thái độ khác nhau:

         Một người thuộc nhóm Pharisiêu:

Pharisiêu: tạm dịch là “tách biệt” hay “biệt phái”, đây là tên mà những người khác gọi nhóm này vì họ có ý tách mình khỏi người khác (người không thuộc nhóm của họ), là những người “đạo đức”, tránh giao tiếp với những người không nghiêm chỉnh giữ luật (hay không giữ theo kiểu của họ). Họ rất chú trọng luật Môsê, không những luật thành văn mà cả truyền thống của tiền nhân (Mc 7,3). Họ tin có sự sống lại, thiên thần và ma quỷ. Nói chung đời sống của họ xét về mặt lý thuyết rất tốt và cũng có những người Pharisiêu được Chúa khen ngợi: “ông không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu nữa”; tuy nhiên người Pharisiêu hôm nay lại khác:

-  Thái độ đứng thẳng: thông thường thì đây là thái độ của người cầu nguyện, nhưng chỗ này Chúa lại cho thấy thái độ ngạo mạn, thách thức, tự tin vì sự “tốt lành” của riêng mình.

-  Cầu nguyện thầm: đây là điều đáng khen, bởi lời cầu âm thầm phát xuất từ đáy lòng dâng lên Chúa. Nhưng âm thầm sao người khác nghe thấy và biết được nội dung? Có lẽ nói thì thầm thành tiếng nhỏ mà người bên cạnh có thể nghe.

-  Lay Chúa con xin tạ ơn Chúa vì con không như những người khác: trộm cắp, bất chính hay như người thu thuế kia: người Pharisiêu nêu ra cả một danh mục với  những gì ông làm được, dựa vào đó ông tự đánh giá mình là công chính thánh thiện và lấy mình làm thước đo để kết án kẻ khác: con không như... Con người có được cứu độ là nhờ ân sủng, tình thương của Chúa chứ không phải vì việc giữ luật cách triệt để. Sự công chính triệt để chỉ có thể do Chúa ban: được kết hợp với Chúa không phải nhờ sự công chính do luật Môsê mang lại, nhưng nhờ tin vào Đức Ki tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin (Pl 3, 9).

-  Con ăn chay một tuần hai lần dâng lễ vật như luật định: lấy luật quy định để bảo đảm cho ơn cứu độ của mình. Xét về kỷ luật thì không ai chê trách được vì giữ luật cách cặn kẽ, về điểm này rất đáng khen, nhưng ngay cả việc có ý chí và lòng muốn mà giữ luật cũng là ân huệ Chúa ban, vì có gì lãnh nhận mà không do Chúa đâu? Vậy không những ông ngạo nghễ với người đồng loại mà còn phủ nhận luôn cả ơn Chúa, vì tưởng rằng việc giữ luật cách triệt để là do sự cố gắng của bản thân. Tội ở đây không những là kiêu ngạo khinh rẻ con người mà còn khinh cả Chúa, phủ nhận chỗ đứng của Chúa trong công việc tạo dựng và cứu chuộc; vì nếu con người làm được tất cả, tự cứu mình, thì cần gì đến Chúa và ơn cứu độ? Hơn nữa ông ta còn kể công đức để Chúa phải thưởng công. Như vậy cách nào đó coi Chúa là người “trao đổi hàng hóa”, tôi đưa cho anh món này, tôi phải nhận được điều kia tương xứng.

              Một người thu thuế:

-  Có nhiều loại thuế mà đế quốc Roma quy định, trong đó có thuế nhập khẩu, do vậy mà thường có các trạm quan thuế ở các nơi giao dịch lớn như Capharnaum (Mc 2, 14); Giêrikhô (Lc 19, 2). Người thu thuế nơi đây thường là giàu có, vừa do lương bổng, vừa gian lận, vừa hối lộ...và như thế được coi là hạng tội lỗi.

-  Thái độ là đứng đàng xa. Ông tự tách mình ra khỏi đám đông, có thể vì mặc cảm tội lỗi, thấy mình không xứng đáng; nhưng cũng có thể muốn giữ không để lây nhiễm sự ô uế cho người khác. Người thu thuế bị coi là ô uế và cần phải tránh, xét về hai phương diện: chính trị và tôn giáo. Về chính trị, họ thu thuế cho đế quốc, vừa bóc lột dân vì hối lộ và lạm thu, vừa tiếp tay với đế quốc để thống trị dân nên bị ghét bỏ và loại trừ. Về mặt tôn giáo, họ bị loại trừ khỏi ơn cứu độ vì đồng tiền của họ là tiền ô uế, tiền đó không thể bỏ vào đền thờ, và việc họ dâng cúng cũng không được chấp nhận vì sự gian ác đã có tận gốc. Một lý do nữa là khi thu thuế ở các hải cảng, họ thường tiếp xúc với những người ngoại, người không “thánh thiện” theo luật định, nghĩa là ô uế (người ngoại hay những người không thanh sạch). Họ không được làm thẩm phán hay chứng nhân, người ô uế làm lây nhiễm cho người khác. Nhắc đến người “thu thuế” là bị đồng hóa với người “tội lỗi công khai” (x. Mt 9, 10-11)

-  Không dám ngước mắt lên: thái độ của người khiêm tốn: lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi, đường cao vọng chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu (Tv 131,1). Nhưng chính vì việc không dám nhìn lên mà Chúa nhìn xuống và đưa ông lên, như việc Chúa nhìn thấy sự đau khổ của con cái Israel bên Aicap, Ngài xuống giải thoát và đưa họ đi lên (x. Xh 3, 7-8). Việc người thu thuế không dám làm thì Chúa làm cho ông, đó là đưa ông lên.

-  Xin thương xót con là kẻ tội lỗi: cũng như ý nguyện của Tv 51 khi tác giả xin Chúa lấy lòng nhân hậu xót thương. Hối nhân chưa kể tội của mình mà là tuyên xưng lòng nhân hậu của Chúa trước. Vì nhờ lòng nhân hậu vô bờ đó mà hối nhân mới được tha, vì: nếu Chúa chấp hòai sự lỗi, nào ai đứng vững được chăng?

Khi trở về nhà, số phận của hai người thay đổi: người tội lỗi thì được nên công chính và ngược lại người tự cho mình là công chính sẽ là tội lỗi.

Ai nâng  mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Cách nói trống này cho hiểu người bị hạ và được nâng lên đều ở thế thụ động, vậy người làm hành động này là chính Chúa.

Điều này không chỉ nhắm khán giả đương thời mà còn cho tất cả mọi người và mọi nơi; bởi chuyện được nâng lên hay hạ xuống là do Chúa.

Chúa cho chúng ta hai kiểu sống nội tâm (cầu nguyện). Cần chân thành và trong sáng trước mặt Chúa, bởi Ngài dò thấu tâm can con người và không xét đoán theo kiểu người phàm. Hơn nữa không lấy mình làm chuẩn để đánh giá hay so sánh với người khác, nhưng chỉ có Chúa mới là mẫu gương để ta noi theo: hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mt 11, 29).

3.   Suy niệm

-  Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con! Mỗi ngày chúng ta mở miệng để đọc kinh chúc tụng Chúa, chúng ta đều xin điều này vì chúng ta sống được là nhờ lòng thương xót của Chúa. Chỉ có lượng hải hà của Chúa thì ta mới được cứu. Học bài học của lòng nhân hậu, để không những chúng ta xin lòng thương xót của Chúa mà cả xin anh chị em nhân hậu với chúng ta nữa. Ý thức mình là người đi xin “lòng thương xót” để chúng ta cũng biết thương xót anh chị em.

-  Con không như anh A chị B: chúng ta vẫn nhìn nhận mình giới hạn, nhưng trong thực tế lại thường lấy mình làm chuẩn (tôi như thế này...). Ý thức mình giới hạn để xin Chúa tha thứ, xin anh chị em tha thứ và nhất là chỉ có Chúa là mẫu mực để chúng ta noi theo. Vậy từ nay không kết án, không xét đoán...mà theo lời mời của Chúa: hãy nên thánh vì Chúa là Đấng Thánh;  đó là chuẩn mực đời mình.

-  Hãy để ơn tha thứ và sự giải thoát của Chúa cứu chúng ta. Một khi đã ý thức mình là người được cứu, chúng ta không có lý do để kiêu ngạo, ngược lại sống bằng con tim, bằng tình yêu của Chúa. Xin Chúa cho chúng ta mỗi ngày “bớt tự ái mà thêm bác ái, bớt tự tín mà thêm tin Chúa”.

 

Nt. Catarina Thùy Dung, OP.

 

 

 

114.864864865135.135135135250