09/11/2019 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

306
Chúa nhật XXXII thường niên năm C

Chúa nhật ngày 10 tháng 11 năm 2019
Chúa nhật XXXII thường niên năm C

Lc 20,27.34-38
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
Dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima

Bối cảnh Tin Mừng

Bài Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện lý thú lôi cuốn người nghe. Nó như là một bộ phim mà khán giả không đoán được cái kết thế nào cho có hậu. Nó mở ra một câu hỏi lớn. Có hay không có sự sống lại? Sống lại rồi thì sẽ ra sao?

Ai trong đám đông hôm đó đứng với Đức Giê-su và phái Xa-đốc chắc hẳn cũng háo hức chờ đợi. Vì câu chuyện được những người Xa-đốc đặt ra là không tưởng, chả có cô nào đi lấy chồng mà lấy bảy anh em trai trong cùng một nhà, cứ anh này chết đi lại lấy anh khác. Một định mệnh nghiệt ngã, đám cưới gì mà buồn hơn cả đám ma. Anh nào lấy cô gái này xong cũng biết chắc chắn mình sẽ chết khi chưa có được mụn con. Nghe câu chuyện hư cấu thôi mà đã thấy buồn rồi, dù là câu chuyện cưới xin, bảy cái đám cưới chứ ít ỏi gì!

Phái Xa-đốc xây dựng niềm tin của mình vào bộ Ngũ Thư tức là năm quyển sách đầu tiên của của bộ Tân Ước là: Sáng Thế Ký, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật. Như bất cứ một người Do Thái nào, họ tin một Thiên Chúa duy nhất, nhưng việc Thiên Chúa có ban cho có sự sống lại hay không là tùy vào thẩm quyền của Người. Vì thế, họ đặt niềm tin của mình trên bộ Ngũ Thư, không tin vào sự sống mai sau, bởi vì không có bằng chứng nào về một niềm tin như thế được thấy trong bộ sách. Và cũng vì họ phái Xa-đốc loại bỏ các sách khác như các sách ngôn sứ, các sách về huấn giáo… (Lm. Hồ Thông). Và phái Xa-đốc cũng chưa từng nghe có kinh sư nào giải thích cho họ về sự sống lại.

Phái Xa-đốc sắp sẵn một cái bẫy, giăng sẵn và chờ đợi Đức Giê-su sa lưới… và khán giả hồi hộp đợi chờ, tưởng chừng như con muỗi bay ngang qua cũng nghe thấy.

Thường thì trong những lần biết mình bị “gài bẫy” như thế Đức Giê-su thường trả lời bằng một câu hỏi. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện đóng thuế của Chúa Giê-su. “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”, nhưng đó là cái bẫy rất nguy hiểm: Nếu trả lời được phép, Đức Giê-su sẽ bị lên án là tay sai cho ngoại bang, là phản quốc. Nếu trả lời không, Ngài sẽ bị lên án là chống lại người Roma. Đức Giê-su đã mượn đồng tiền, giơ lên và hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?”. Và câu trả lời của họ là một nửa câu trả lời của Đức Giê-su: “Của Xê-da trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Hoặc bẫy Người khi hỏi: Ai là người thân cận? Và một câu chuyện được kể ra. Kết luận cuối cùng Đức Giê-su bắt họ nói ra và đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi giương bẫy của họ.

Nhưng lần này, Đức Giê-su giảng giải tỏ tường. Người không dùng dụ ngôn, không dùng câu hỏi, không khó chịu. Người giải thích rõ ràng, chi tiết, trước sau và lấy cả Cựu Ước mà chứng minh cho họ nữa. Rằng: sự sống đời sau là có thật nhưng không phải như cuộc sống trần thế, không cưới vợ gả chồng, một cuộc sống như các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.

Có bao giờ chúng ta băn khoăn về cuộc đời chúng ta khi chấm dứt? Sau cái chết thì điều gì chờ đón chúng ta? Ta tự khẳng định mình tin tưởng hoàn toàn rằng: sau khi chết thì cánh cổng thiên đàng mở lối cho ta vào? Hay ta mơ hồ nghĩ: sau khi chết, không biết mình sẽ như thế nào, sẽ vào cõi vô minh chăng? Hoặc ta nghĩ sau khi chết ta sẽ đi về đâu? Tháng 11, Giáo Hội dành cho ta nhớ đến các linh hồn, chúng ta cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và những người thân yêu đi trước chúng ta. Và chúng ta cũng suy gẫm đến cuộc sống mai hậu của mình.

Bài Phúc Âm này cũng vào những ngày cuối năm phụng vụ. Một cuối năm thường dành để người ta dọn dẹp nhà cửa đón mùa xuân mới, một cuối năm để trả nợ nần, một cuối năm để tính toán sổ sách, một cuối năm để nhìn lại một năm qua.

Ta tin chắc rằng sau cuộc sống trần gian này là một cuộc sống mới đang chờ đón chúng ta. Cuộc sống này chỉ là lữ hành, đang đi tới đích. Do vậy trên mọi nẻo ta đi dù có chông chênh, vất vả nhọc nhằn hay khó khăn và đau khổ… đó là những điều không thể tránh và ta biết kết hợp với Chúa Giê-su chịu khổ nạn để thánh hóa những giờ khắc đó cầu nguyện cho các linh hồn và những người đang cần lời cầu nguyện của chúng ta. Thiên Chúa không cất đi những khổ đau chúng ta đang phải chịu, nhưng Ngài cùng chịu đau khổ với ta.

Và cuộc sống có những hạnh phúc, niềm vui, những lúc chứa chan tình mến… cũng hãy dâng lên Thiên Chúa và tạ ơn Người.

Sống vui, hạnh phúc và bình an đó là dấu chỉ thiên đàng mai sau. Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được rằng sau cuộc trần này mới là đời sống thực, đời sống viên mãn trong Chúa Phục Sinh.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2795

Biểu tượng “trời” nhắc chúng ta nhớ đến mầu nhiệm Giao Ước chúng ta đang sống khi đọc kinh “Lạy Cha”. Trời là nơi thiên Chúa ngự, là Nhà Cha, nên là “quê hương” của ta. Vì tội lỗi, chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao Ước; nhờ hoán cải tâm hồn, chúng ta được về “trời”, về cùng Cha, trong đức Ki-tô, trời đất được giao hòa, vì chỉ Chúa Con là Đấng”từ trời xuống thế” và đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con tin rằng sau cõi đời này chúng con sẽ được về cùng Cha hưởng hạnh phúc cùng các thánh. Xin cho chúng con sống ở đời này sao cho mọi người nhận thấy cuộc sống của chúng con là hình ảnh cho cuộc sống mai hậu, hầu nhiều người nhận biết Chúa hơn. Amen






 
114.864864865135.135135135250