11/12/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

203
Cứ nhìn thì biết
 
Một nhóm học trò gặp cha giáo và phàn nàn về sự sự xấu xa đang xẩy ra trên khắp thế giới. Muốn đuổi xua sự xấu để làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn, họ xin cha giáo chỉ cho họ cách thực hiện.
Cha giáo đề nghị mỗi người cầm cây chổi và quét dọn bóng tối ra khỏi căn nhà hầm ẩm thấp tối tăm.
Họ cố gắng cả ngày quét dọn bóng tối ra mà tối vẫn cứ tối.

Cha giáo lại bảo họ chổi không quét được bóng tối ra thì mỗi người lấy một cây gậy đập đánh vào bóng tối cho nó thật đau để nó chạy đi. Họ cố gắng vung tay đáng đập mệt đừ mà bóng tối vẫn chẳng hết.
Cha giáo lại bảo họ “Vậy thì hãy túm lại cùng la thật to bảo bóng tối hãy cút ra khỏi đây.”
Họ làm theo lời cha giáo hò lớn tiếng la hét xua đuổi, đả đảo bóng tối. La hét đả đảo hoài hết hơi mệt sức mà chẳng được gì. Bóng tối vẫn ở đó.

Sau cùng cha giáo nói, “Các trò thân mến, mỗi người chúng con hãy đối đầu với bóng tối sự dữ bằng cách đốt lên một ngọn nến.”
Các học trò làm theo lời cha giáo. Mỗi người thắp lên một ngọn nến cầm trong tay và bóng tối trong căn phòng bỗng tan biến. Cha giáo kết luận, “Cách tốt nhất để loại bỏ bóng tối của sự dữ ra khỏi thế gian là mỗi người hãy là một ngọn nến sáng.”

Hai loại mong đợi

Thánh Gioan Tiền hô đã làm hết sức trong khả năng để dọn đường cho Chúa Giêsu. Tuy vậy, Gioan lại mong đợi một Đấng Cứu Thế đến để trừng phạt, phá hủy và trả thù khi dùng các hình ảnh như lửa đốt và rìu chém chặt. Thông điệp của Gioan là thông điệp lửa diêm sinh thiêu rụi. Chúa Giêsu, ngược lại, đã đến như một người hoà giải, cải cách, chữa lành và cứu chuộc. Những việc làm này rất khác biệt với mong đợi của Gioan. Mong đợi lẫn lộn và rối rắm này giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Gioan muốn phái người đến hỏi để cho sáng tỏ về sứ vụ và diện tính của Chúa Giêsu.

Cảm nghiệm của Gioan dạy cho chúng ta biết các tốt nhất một người môn đệ có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Chúa theo cách Chúa muốn tỏ hiện về chính Ngài. Mặc dù những mong đợi của Gioan không chính xác; ông nghĩ Đấng Cứu Thể phải là người trừng phạt kẻ gian ác và bênh vực người công chính, Gioan vẫn bị Herod bắt bỏ tù oan trái. Có thể nỗi khổ trong hoàn cảnh riêng của ông đã khiến ông khó nhận ra tình thương của Thiên Chúa trong đời sống của người khác khi Chúa chữa làn cho người đui mù, người què, người điếc . . . mà lại không cứu ông nhưng để ông bị bắt bỏ tù oan trái.

Là môn đệ của Chúa, một phần trong Mùa Vọng của chúng ta là kiểm điểm lại những mong đợi không chuẩn của chúng ta đối với Thiên Chúa khiến chúng ta mù quáng không nhận ra việc làm của Chúa trong thế giới. Chúng ta cần khiêm tốn để Thiên Chúa là Thiên Chúa. Sự khiêm tốn này  đòi chúng ta học biết về việc làm của Chúa trong lịch sử cứu độ để chúng ta có thể nhận ra cách hành động bất ngờ và khác thường của Chúa.

Dấu về Đấng Cứu Thế

Các môn đệ của Gioan đến gặp Chúa Giêsu để hỏi cho sáng tỏ xem Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế hay không. Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời. Thay vào đó, ngài bảo họ nhìn vào những việc Ngài làm và yêu cầu họ tự nghĩ về những công việc đó có nghĩa gì đối với họ. Chúa Giêsu đã chữa cho người mù xem thấy; người qùe đi được, người điếc được nghe, và người chết sống lại. Ngài giảng dạy cho người nghèo. Một số chỗ trong Cựu ước đã nhìn nhận những việc làm này là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ làm. Thiên Chúa cũng không trả lời nhiều thắc mắc của chúng ta. Đôi khi chúng ta phải quan sát để thấy những việc tốt lành Thiên Chúa làm như dấu chỉ cho sự hiện diện của Ngài. Với một người có đức tin, dấu chứng tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa rất rõ ràng. Đối với người không có đức tin, đời sống không là gì ngoài những tình cờ và may mắn hay rủi ro. Dù là thế nào, Chúa Giêsu không làm quyết định về đức tin thay cho chúng ta. Khá nhất là Ngài chỉ vẽ rồi để chúng ta quyết định về đức tin của mình. Quyết định tin trước đã; sau đó thì tin nhiều hay tin ít, tin mạnh hay tin yếu là chuyện khác. Khi chúng ta tin thì mắt sẽ mở ra để nhìn thấy sự hiện diện huy hoàng của Chúa trong những cách mà chúng ta chưa hề nghĩ đến. Chân chúng ta sẽ đi đến những chỗ chúng ta không nghĩ là mình sẽ đến hay không đến. Chúa Giêsu không bảo các môn đệ của Gioan hãy chỉ nhìn Ngài ở những lúc vinh quang khi Ngài làm các phép lạ giữa dân chúng hay khi Ngài đi trên nước hoặc khi Ngài dùng 5 chiếc bánh và vài con cá nuôi cho hơn 5 ngàn người ăn. Thay vào đó, Ngài bảo là họ sẽ nhận biết Ngài qua công việc Ngài làm cho những người đau khổ và bị coi thường lãng quên.

Chắc chắn là có những bối cảnh chúng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nhanh và mạnh hơn những bối cảnh khác. Những bối cảnh này được gọi là những nơi gặp gỡ đặc biệt. Chúa Giêsu nhận diện Ngài nơi những người nghèo khổ khi Ngài nói, “Ai giúp những người nhỏ hèn nhất này là làm cho chính Ta.” (Mt 25L40). Khi chúng ta gần gũi với những người nghèo khổ là chúng ta gần gũi với chính Chúa và chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của Chúa rõ hơn. Những môn đệ không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ sẽ gặp khó khăn hơn để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu trên Thánh Giá ở đồi Canvêrio.

Đáp lại cho đúng

Sau cùng là lời Chúa Giêsu thách thức dân các môn đệ của Gioan và những người ở đó khi Ngài hỏi, “Các ngươi đã thấy gì?” Ngài dùng thí dụ của cây sậy bị ngả theo chiều gió và người ăn mặc lụa là. Cây sậy ngả theo chiều gió có lẽ là ám chỉ người thay đổi quan điểm theo tiện ích lợi lộc theo thời. Người ăn mặc lụa là là hình ảnh người thích đua đòi sa hoa sang trọng hào nhoáng và háo danh ở đời. Herod có lễ là hình ảnh của cả hai loại người này. Chúa Giêsu thách thức đám đông dân chúng quan niệm cho rõ lý do tại sao họ đi đến sa mạc để đáp lại cho đúng đối với người họ gặp và nghe. Nếu họ tìm đến để nghe quan điểm chính trị sốt dẻo nhất hay ý kiến mới nhất về tôn giáo, thì đó là vấn đề họ thích thú, hay các tranh luận bàn thảo; nhưng nếu họ tìm đến để nghe một tiên tri thì họ cần phải tin lời Gioan rao giảng là đến từ Thiên Chúa. Nếu họ chỉ đến để nghe về vấn đề thời trang, thì đó là sự cạnh tranh của nghệ thuật và văn hóa tiêu thụ. Nhưng nếu họ đến để nghe một tiên tri thì họ nên chấp nhận hy sinh khó khăn cần phải làm để thay đổi đời sống và tái lập tình nghĩa với Thiên Chúa và tha nhân cho đúng đường đúng cách.

Chúa Giêsu cũng nêu ra thử thách này cho mỗi người chúng ta mỗi lần chúng ta đến nhà thờ cầu nguyện và nghe lời Chúa. Học hỏi Thánh Kinh và những nguồn mạc khải khác từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể đứng trung lập trước một cảm nghiệm tôn giáo. Một là chúng ta đáp lại hay lạ từ chối và hững hờ. Thách đố này rất thích hợp trong Mùa Vọng khi chúng ta được khuyến khích tìm đến gặp gỡ Thiên Chúa cách sâu đậm tha thiết hơn. Chúng ta không phải là chỉ nhắm đi tìm cảm nghiệm nhưng cảm nghiệm để đáp theo Chúa khăng khít thân tình hơn.

LM Giuse Trần J. Khả
114.864864865135.135135135250