04/09/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

155
Đánh đổi - Chúa nhật 23 năm C
 

Đây là một giáo huấn thật khó nghe, thoạt đầu dường như Chúa Giêsu bảo các môn đệ “ghét” những người thân. Đây là một giáo huấn đánh đổi đầy thứ thách.

Một điếm quan trọng chúng ta cần để ý là thánh Luca nói có nhiều đám đông theo Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là có nhiều loại người khác nhau đi theo Chúa Giêsu - những người quyết dấn thân, những người thấy hâm mộ, và những người đi theo vì tò mò. Tất cả cùng trên đường đi với Chúa lên Jerusalem. Chúa Giêsu cho họ một lời cảnh tỉnh. Làm môn đệ nghe có vẻ hay, nhưng nó có nghĩa là đến một lúc nào đó họ phải làm sự lựa chọn Chúa Giêsu và người khác và những ưu tiên trong đời sống. Đến thời điểm đó thì thử thách làm môn đệ sẽ trở nên thực tế. Môn đệ thực thụ không phải là vấn đề tiện hay không tiện nhưng là sự thâm tín mạnh mẽ trong việc quyết định dấn thân cho Chúa Giêsu Kitô. Nó sẽ đòi hỏi hy sinh lớn lao để trung thành với Chúa Giêsu cho đến cùng. Nhiều người sẽ không thể vững bền vượt qua các thử thách và khó khăn không tránh được chỉ vì họ không được chuẩn bị để làm những hy sinh cần thiết hầu Chúa Giêsu có thể là mối ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ.

Ghét

Thử thách thứ nhất Chúa Giêsu mang lại là “ghét” cha mẹ, anh chị em và ngay cả vợ hay chồng vì danh Ngài. Đây là lời nói rất mạnh. Từ ngữ “ghét” ở đây ám chỉ cho hành động hơn là cảm xúc. Cách tốt nhất để giải thích đoạn văn này là hãy nghĩ đến những lần mà chúng ta được mời gọi để làm việc gì đó mà những người khác không thích hay trái với ước nguyện của họ. Khi làm xong đôi khi chúng ta có thể bị họ cho là chúng ta ‘ghét’ họ vì đã làm nghịch lại với yêu cầu và sự mong đợi của họ. Nhiều bậc cha mẹ từng nghe con cái nói “bố mẹ ghét con” chỉ vì họ bắt con cái phải đi ngủ vào giờ nhất định. Yêu mến Chúa và tha nhân không có nghĩa là chúng ta luôn luôn phải làm theo ý muốn của người khác. Đôi khi tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa có thể thực sự thách đố chúng ta làm điều mà người khác không thích. Kitô hữu, vì tinh thần môn đệ, đôi khi phải sẵn sàng đối diện với việc bị gia đình hay chính người phối ngẫu từ bỏ.  Theo Chúa Giêsu có nghĩa là đặt Chúa lên hàng đầu và trên hết mọi mối quan hệ  khác trong đời sống của chúng ta. Điều này không dễ dàng.

Vác

Chúa Giêsu đòi hỏi những ai đi theo Ngài phải vác thánh giá. Hiểu theo lòng đạo đức của Kito hữu ngày nay, chúng ta dùng diễn tả “vác thánh giá” để nói đến bất cứ tình trạng đau khổ của con người, yếu đuối hay lo âu. Tuy nhiên, giải thích như thế có nghĩa phổ quát hơn là ý Chúa Giêsu muốn nói. Vác thánh giá không phải là việc chấp nhận tình trạng chung chung của con người nhưng đúng hơn là tự nguyện đón nhận một khó khăn thử thách như là kết qủa của việc dấn thân theo Chúa Giêsu – ý thức tự nguyện hy sinh, chấp nhận rủi ro và khinh chê. “Thánh giá” là đau khổ chúng ta chủ tâm đón nhận như một kết qủa trong quyết định của chúng ta để làm người môn đệ trung tín.

Cân

Ai là người hăng say trung tín vác thánh gía làm môn đệ? Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn về các trường hợp đòi sự dấn thân hoàn toàn - một người xây tháp và một ông vua mang quân đi đánh trận. Cả hai dụ ngôn, thông điệp rất rõ ràng: Tính toán cái giá phải trả bởi vì nó sẽ đòi hỏi cả cuộc đời để trở nên người môn đệ. Nếu bạn không muốn nhận lấy hậu qủa của việc làm môn đệ thì đừng giả đò làm môn đệ. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn này là có lý do của Ngài. Ngài không muốn tuyển những môn đệ hời hợt. Ngài muốn tuyển mộ những người hoàn toàn dấn thân nếu họ muốn đi theo Ngài. Hãy nghĩ xem sự tai hại lớn như thế nào cho Kito giáo khi một người nói họ là môn đệ của Chúa mà không sống chứng nhân. Làm môn đệ không phải dễ.

Chúa Giêsu kết thúc với một lời tuyên bố đơn giản về việc quyến luyến của cải. Ngài nói, “Nếu ngươi không từ bỏ mọi của cải, thì không xứng đáng làm môn đệ của Ta.” Không phải là các môn đệ được kêu gọi để từ chối xử dụng của cải đúng cách, nhưng họ được kêu gọi để từ chối không để của cải làm chủ họ. Trong thời bị bách hại, các Kito hữu đôi khi bị tịch thu tài sản chỉ vì đức tin của họ. Nếu các Kitô hữu đó không chấp nhận bỏ hết họ sẽ không thể tiếp tục trung thành với Chúa Giêsu. Ngày nay chúng ta không phải đối diện với bách hại như các Kitô hữu thời Tin mừng được thánh Luca ghi chép. Thách đố cho chúng ta là những người qủan lý tốt sẵn sàng tự do và khôn ngoan dùng của cải vào việc truyền bá Tin mừng.

Truyện kể khoảng 100 năm về trước một nhà quí phái giầu có bên Âu Châu tự hỏi ông có thể làm gì để lưu lại cho những người trong khu phố của ông. Ông làm một quyết định rất hay. Ông sẽ xây cho dân làng một ngôi nhà thờ. Không ai được phép xem chương trình kiến thiết và không ai được vào xem bên trong khi còn đang thi công. Khi hoàn tất và đến ngày khánh thành, mọi người trong làng được mời đến chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ mới. Mọi cái đều đã được tính toán sắp xếp xây dựng thành một công trình tuyệt đẹp.

Nhưng rồi một người nói, “Từ từ đã, chưa khen vội. Đèn nhà thờ đâu? Trong nhà thờ không có đèn nên rất tối. Nhà thờ sẽ lấy ánh sáng ở đâu?” Người quí phái giầu có xây nhà thờ liề chỉ vào những cái móc trên tường, và trao cho mỗi gia đình một cây đèn để mỗi lần họ đến nhà thờ thì mang theo cây đèn của họ để treo trong nhà thờ.

Người quí phái giầu có nói, “Mỗi lần quí vị đến đây, ngay chỗ quí vị ngồi sẽ được chiếu sáng. Mỗi khi qúi vị không đến, thì chỗ đó sẽ tối. Điều này sẽ nhắc nhở cho qúi vị biết khi quí vị vắng mặt thì một chỗ trong nhà của Chúa sẽ không có ánh sáng chiếu tỏ.

Dấn thân đóng góp tham gia vào các công việc của nhà thờ, của Giáo Hội cách trung tín là điều quan trọng cho mọi Kito hữu.

Có người suy tư bài thơ:

 
Tôi chỉ là một người
Nhưng là người như mọi người
Tôi không thể làm hết cho mọi người
Nhưng tôi vẫn có thể làm với mọi người
Và không vì tôi không thể làm hết cho mọi người
Không có nghĩa là tôi không cộng tác với mọi người.

Cái giá làm môn đệ là hiến dâng hoàn toàn tất cả cho Nước Trời.
Lm Giuse Trần J. Khả
 
 
114.864864865135.135135135250