11/09/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

202
Điều Thiên Chúa yêu thích

Cha Mark Link kể một câu truyện rằng: Ngày xưa có một người đàn bà rất xinh đẹp, tài giỏi và lanh lợi tháo vát. Không may vì tai nạn, bị qua đời lúc còn khá trẻ. Lên đến cửa Thiên đàng, thánh Phêrô không cho vào vì thấy chị lắm tài, và còn trẻ nên đáng lý phải tiếp tục sống ở trần gian để hoạt động. Chị nài nỉ mãi thì thánh Phêrô ra điều kiện: “Ta đồng ý cho chị vào, nhưng chị phải trở về trần gian để tìm một món qùa nào mà Chúa thích nhất. Sau đó đem trở lại đây thì ta sẽ cho vào gặp Chúa.”

Chị quay trở về trần gian và dùng sự khôn ngoan của mình suy nghĩ xem qùa gì Chúa vui thích nhất. Chị đang đi thì thấy một chàng thanh niên trẻ tuổi hăng hái xưng đức tin sẵn sàng đổ máu mình ra để minh chứng lòng tin trung thành sắt son. Chị nghĩ: “Đây chính là món qùa cao qúy sẽ làm vui lòng Thiên Chúa nhất.” Nghĩ như thế rồi chị hứng lấy những giọt máu đào tươi đổ ra vì đức tin của nguời thanh niên đó và hối hả mang đến cửa thiên đàng. Khi đưa trình thánh Phêrô thì ngài nói với chị: “Máu các thánh tử đạo cũng qúy, nhưng còn có cái khác làm Thiên Chúa vui thích hơn.”

Chị lại trở về trần gian đi tìm món qùa Chúa thích nhất. Lần này chị nhìn thấy một nhà truyền giáo cao niên, suốt đời đã dấn thân đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó. Chị lại thầm nghĩ: “Mồ hôi và sự vất vả nhọc nhằn vì nước trời, và vì Phúc âm của Chúa mà nhà truyền giáo đã hy sinh cho sự cứu rỗi của giới dân nghèo qủa sẽ là món qùa qúy gía mà Thiên Chúa yêu thích nhất. Món qùa này không phải là chỉ chịu đau đớn trong giây lát như người chết vì đạo, nhưng là cả một cuộc đời trường kỳ hy sinh tận tụy vì danh Chúa.”

Khi chị đem về và vừa nhìn thấy, thánh Phêrô lại trả lời: “Những hy sinh nhọc nhằn và tinh thần dấn thân tận tụy của nhà truyền giáo cũng rất tốt và đáng qúy, nhưng chưa phải là món qùa Thiên Chúa vui thích nhất.”

Chị lại quay trở về trần gian đi tìm, nhưng lần nào trở về cũng bị từ chối chưa phải là món qùa Chúa vui thích nhất. Lần sau cùng, vì nhiều ngày tìm kiếm chị đã mỏi mệt và hầu như muốn thất vọng. Chị tự nghĩ không hiểu thánh Phêrô có lẩm cẩm không mà đưa cái gì lên cũng không chịu chấp nhận. Chị đang đi thì gặp một em bé vô tư chơi bên bờ suối mát. Rồi chị thấy một chàng thanh niên cưỡi ngựa đi tới. Anh dừng bước, xuống ngựa và đi đến bờ suối để uống nước. Nhìn thấy em bé xinh đẹp và ngây thơ trong trắng. Anh nhớ đến tuổi thơ của anh... Cùng lúc đó anh cúi mình xuống suối để uống nước. Bỗng anh chợt nhận ra khuôn mặt hung dữ, xấu xí của anh phản chiếu dưới dòng suối trong. Anh chợt nhận ra những tội lỗi, và những hành động xấu xa anh đã làm trong suốt nhiều năm qua. Anh đã đánh mất đi tất cả sự trong trắng ngây thơ xinh đẹp nơi con người anh. Nghĩ như thế rồi nước mắt anh tự nhiên tuôn trào trên khuôn mặt đầy phong sương bụi trần.

Người phụ nữ đứng đó chứng kiến lòng thống hối của người thanh niên. Chị đã vội hứng lấy những giọt nước mắt thống hối đó và vội vàng đem về trình thánh Phêrô. Khi vừa đến nơi chị thấy các thiên thần và các thánh đang đứng đón chờ và hân hoan ca hát.  Thánh Phêrô bước ra đón nhận những giọt nước mắt thống hối và nói với chị: “Đây chính là món qùa Thiên Chúa vui thích nhất.”

Thiên Chúa của tình thương

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ kính yêu là Thiên Chúa của tình thương xót. Bài đọc thứ nhất của sách Xuất Hành đã nhấn mạnh điều đó trong lời cầu khẩn của Maisen. Maisen đã phải sửng sốt khi thấy dân chúng quên và bỏ Thiên Chúa để đi thờ bò vàng do chính tay họ đắp dựng nên. Nhưng khi ông nghe biết rằng Thiên Chúa thịnh nộ và muốn hủy diệt dân của Ngài, thì Maisen đã khẩn nài Thiên Chúa xin Ngài hãy nguôi cơn thịnh nộ, và nhớ đến tình liên hệ của Chúa đối với dân của Ngài là tình liên hệ cứu độ chứ không phải tình liên hệ trong thịnh nộ và tiêu diệt. Thiên Chúa là Chúa của tình thương, đã nghe lời cầu khẩn của Maisen. Ngài đã nguôi cơn giận không thực hiện lời đe dọa trừng phạt dân của Ngài nữa.

Bài đọc hai kể lại cảm nghiệm ơn gọi trở lại của thánh Phaolô. Phaolô vì cuồng tín, đã từng là người thù ghét các Kitô hữu, và ông đã là người đi bắt các Kitô hữu để bỏ giam. Thiên Chúa đã không để ông bị lầm lạc trong sự cuồng tín đó. Ngài đã gọi Phao lô qua một cảm nghiệm trở lại cách đặc biệt, và sai Phaolô đi trong sứ vụ làm tông đồ dân ngoại và thiết lập giáo hội ở các xứ sở dân ngoại. Phaolô kể lại cho Timothy cảm nghiệm của Ngài về tình yêu thương của Thiên Chúa như là chứng tích cho biết rằng Thiên Chúa không muốn để cho người tội lỗi phải chết trong tội và trong lầm lạc của họ, nhưng Ngài muốn cứu họ và sai họ ra đi để làm chứng cho tình thương xót của Ngài và để xây dựng nước trời.

Thất lạc

Bài Phúc âm nói về ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng bạc bị mất, và người con trai hoang đàng. Cả ba dụ ngôn đều nói đến một sự thất lạc hay mất mát. Mất chiên, mất tiền và mất con. Con chiên vì khờ dại nên bị lạc đàn. Khi đi lạc, nó bơ vơ không biết lối về. Đồng bạc bị rơi mất; nó đang nằm thất lạc ở một nơi mà không phải ý chủ nó muốn. Chiên lạc và đồng bạc bị mất không phải vì chúng cố ý muốn rời xa đàn, nhưng vì một hoàn cảnh hay sự vô ý nào đó của chủ và của người chăn. Còn người con trai kia lạc xa nhà, xa cha không phải vì vô tình, nhưng phần nào vì tính ích kỷ, anh đã có ý muốn rời cha và xa nhà. Cha anh không thể đi tìm và bắt anh trở về vì ông tôn trọng sự tự do của anh. Ông chỉ đêm ngày mở cửa trông mong đón chờ.

Trong tình liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, thì thất lạc cũng có nghĩa  là tình trạng cố tình sống xa lìa Thiên Chúa. Khi một người chủ tâm sống xa Thiên Chúa, hay sống không quan tâm tới Thiên Chúa; không quan tâm đến lề luật của Thiên Chúa; không quan tâm đến phần rỗi linh hồn của mình tức là con người đó đang ở trong tình trạng thất lạc. Thiên Chúa cũng không thể tìm và bắt con người đó trở về với Ngài. Thiên Chúa giống như người cha già trong dụ ngôn, vẫn luôn trông mong và đón chờ nhìn thấy bóng người tội lỗi trở về với Ngài.  Cả ba dụ ngôn đều kết luận rằng: “Trên trời sẽ vui mừng và Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi trở lại.”

Nhận ra tình chúa thương ta

Các dụ ngôn và câu truyện trên đây nói lên tình thương yêu của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Nhưng trong thực tế, ít có ai trong chúng ta thực sự cảm nghiệm được là Chúa thương mình. Chúng ta mới chỉ cố gắng tin là Chúa thương mình. Chúng ta không cảm nghiệm được Chúa thương mình có lẽ vì chúng ta chưa cảm nghiệm thấy rằng mình là nguời có tội đáng được xót thương. Giống như người con trai lớn trong câu truyện. Anh đã nghĩ anh là người con đàng hoàng, không ăn chơi trác táng như đứa em. Anh không có lỗi và không có tội. Anh đã hãnh diện tự mãn vì anh đã sống trung thành với cha. Anh không cần tình thương của Cha, nhưng anh coi như là cha anh mắc nợ anh vì anh đã trung thành làm tròn bổn phận của anh. Anh đã lên án em anh là đứa tội lỗi trác táng. Anh lại còn trách móc phàn nàn với cha anh là ông đã không nhận ra sự trung thành của anh để ban thưởng cho anh. Chính vì sự tự mãn đó nên anh đã không cảm thấy việc sống bên cha anh là hạnh phúc. Anh đã không nhận ra được rằng mọi sự của Cha là của anh. Và vì thế nên tình thương yêu tha thứ của Thiên Chúa đã không vào được lòng anh. Anh đã không cảm nhận ra được rằng cha anh thương anh.

Trong đời sống tinh thần, chúng ta sẽ không trưởng thành lên được cho tới khi chúng ta cảm nhận được rằng Chúa thực sự thương yêu chúng ta. Khi người con trai hoang đàng nhận ra được lầm lỗi của mình và quyết định quay trở về để tìm lại tình thương của người cha, anh đã nhận ra được tình thương của người cha. Thiên Chúa cũng vui mừng và cả thiên đàng sẽ ca hát khi chúng ta nhận ra được mình là nguời tội lỗi, và muốn quay trở về sống gần gũi với Thiên Chúa là Cha chúng ta.

L.m  Gioan Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250