08/01/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

508
Lễ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Chỉ Có Chúa Tôi

Chúa Cha chứng nhận Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu đẹp lòng Cha mọi đàng.
Chung thủy là không thay lòng đổi dạ, dù "đối tượng" khác xuất hiện.
Con rể tương lai đến nhà bố vợ để “đặt vấn đề” chính thức.
Ông bố khề khà hỏi:
- Anh đã gặp mẹ vợ tương lai của anh chưa?
- Dạ thưa bố, con gặp rồi ạ.
- Thế anh thấy thế nào?
- Thưa bố, con nói thế này không biết bố có tin con không, nhưng quả thực con vẫn thích con gái bố hơn.


Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Trong ba tuần lễ liên tiếp, chúng ta nghe Tin mừng nói về cách Chúa Giêsu được tỏ ra cho chúng ta biết. Chúa được tỏ ra qua cuộc thăm viếng của các nhà đạo sĩ từ phương đông. Tuần này Chúa được tỏ ra qua lời Chúa Cha phán từ trời. Tuần tới Ngài sẽ được tỏ ra qua việc làm cho nước hóa thành rượu trong tiệc cưới Cana. Mỗi lần trong các Chúa Nhật này cho chúng ta thấy sự có mặt và làm việc của Chúa Giêsu được tỏ ra qua những cách khác nhau – cho những người ngoại xa lạ, qua lời của Chúa Cha và qua việc làm phép lạ ngay trước mắt những người thân. Trường hợp của bài Tin mừng hôm nay xẩy ra ở lúc Chúa Giêsu cầu nguyện dưới sông Jordan và tầng trời đã mở ra, chim bồ câu đáp xuống trên đầu Ngài và Chúa Cha phán dạy. Đây phải nói là biến cố cầu nguyện thật uy lực. Trong lễ Giáng Sinh chúng ta mừng ơn cứu chuộc Chúa ban cho thế giới qua việc Chúa Giêsu sinh vào trần gian; còn trong dịp Chúa Chịu Phép Rửa chúng ta mừng vì chúng ta được chia sẻ trong phép Rửa của Chúa.

Thánh sử Gioan viết, “Vì Thiên Chúa qúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, nhờ đó những ai tin vào Ngài không thể bị hư mất nhưng có thể sống đời đời” (Ga 3:16). Trong Phép Rửa, chúng ta có được sự sống đời đời với Chúa Giêsu. Nhưng món qùa này của Thiên Chúa chỉ trở nên trọn do việc chúng ta đón nhận món qùa đó. Chúa ban cho thế giới một món qùa đặc biệt là một chuyện, còn việc chúng ta đón nhận món quà đó như thế nào lại là một chuyện khác.

Phép Rửa Của Chúng Ta

Mừng Lễ Chúa Chịu Phép Rửa là cơ hội tốt để chúng ta ôn lại phép Rửa của mỗi người chúng ta. Phép Rửa của Gioan thật đơn giản; nó chỉ rửa sạch tội lỗi. Phép Rửa nhân Danh Chúa Giêsu thì uy lực hơn. Nó làm cho chúng ta trở nên các chi thể của mầu nhiệm Thân Thể Chúa Kitô, trở nên phần tử trong Gia Đình của Thiên Chúa, và nhận trách nhiêm tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu trong thế giới. Một so sánh tương đồng quan trọng: Phép Rửa cho đời sống Kitô hữu cũng tương tự như lễ cưới cho đời sống hôn nhân. Trước khi cưới, mỗi người còn độc thân, sống cho mình, lo cho mình. Sau khi cưới thì có một người khác thêm vào cuộc đời. Căn diện tính không còn là cá nhân tôi, hay của tôi, nhưng là chúng tôi và của chúng tôi. Trách nhiệm và sứ vụ cũng thay đổi. Bây giờ vợ chồng cùng lo xây dựng một mái ấm. Của anh cũng là của em, và của em cũng là của anh. Tất cả là của chúng mình. Buồn cùng buồn và vui cùng vui; chia vui sẻ buồn với nhau suốt đời.

Phép Rửa cũng là một Bí Tích thay đổi nền tảng cho mục đích, sứ vụ, diện tính và cùng đích của cuộc đời. Mỗi ngày từ khi chịu phép Rửa chúng ta chọn một là sống sứ vụ của mình hai là từ chối. Sau khi Rửa tội mỗi người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và anh chị em với nhau. Những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội trở nên Kitô hữu trong gia đình Thiên Chúa. Là con trong gia đình, mỗi người đều có bổn phận đóng góp và chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Tôi nhớ bà cố hay nói, “Một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con không nuôi được một mẹ.” Thỉnh thoảng có người than phiền, “Con nào cũng là con. Nhà năm bảy anh chị em mà chỉ một đứa phải lo cho cha mẹ gìa. Những người khác chẳng ai chia sẻ trách nhiệm. Ai cũng viện cớ này lẽ kia.” Gia đình như thế sẽ không êm ấm vui tươi hạnh phúc. Trái lại có nhiều gia đình thì cuối tuần nào cũng tụ họp lại quây quần bên bố mẹ. Bố chết thì còn mẹ; mẹ chết thì còn bố. Tuần nào con cái cũng về. Không ở lâu thì ít là cũng ghé thăm. Mọi người đều chung vui chia sẻ. Con cháu thay nhau về thăm. Cha mẹ ốm đau cả nhà cùng lo. Gia đình như thế rất hạnh phúc.

Khi Chúa Giêssu bước xuống sông Jordan để chịu phép Rửa thì không phải là Ngài có tội, nhưng phép Rửa của Chúa làm cho nước trở thành nước thánh để chúng ta được tẩy rửa khỏi tội lỗi bằng nước thánh ấy, và Ngài mở lối tạo phương tiện cho chúng ta đến sự sống đời đời.

Một trong những thử thách cho những người trưởng thành là ý thức đón nhận ơn phép Rửa nhờ đó chúng ta có thể nhận ra đầy đủ căn diện tính của chúng ta trong Đức Kitô. Phép Rửa cho chúng ta dồi dào ơn thánh nhưng chúng ta không nhận ra những hồng phúc cao trọng ấy cho đến khi chúng ta thưa “vâng” đối với sự sống thần linh của Thiên Chúa được tỏ hiện ra ngay trong đời sống của chúng ta. Một số người hiểu phép Rửa giống như một trò ảo thuật – như một việc đạo đức tôn giáo, chu toàn để có thể đánh dấu lấy điểm là đã chu tròn bổn phận của bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên chúng ta cần nhận thức Phép Rửa chính là cho Đời Sống Kitô Giáo giống như lễ cưói là cho đời sống hôn nhân. Lễ cưới là khởi điểm cho đời sống hôn nhân. Đời sống vợ chồng sẽ như thế nào còn tùy thuộc cánh hai người sống và cư xử với nhau. Hai vợ chồng cưới nhau và cùng đồng hành xây dựng mái ấm gia đình. Phép Rửa là khởi điểm cho một cuộc hành trình suốt đời của chúng ta với Thiên Chúa. Phép Rửa là khởi điểm đưa chúng ta đến với Thiên Chúa trong cõi đời đời và thay đổi căn diện tính của chúng ta. Ngày chịu Phép Rửa là chúng ta cử hành việc nhận qùa của Thiên Chúa. Nhận qùa là một chuyện, nhưng làm cho món qùa đó trở thành là của mình lại là chuyện khác. Phép Rửa cần cho sự sống đời đời, nhưng phép Rửa có đưa chúng ta đến sự sống đời đời với Thiên Chúa hay không còn tùy thuộc cách chúng ta có sống có như là con cái của Thiên Chúa hay không. Khi nhận một món qùa người ta có thể quí và xử dụng. Người ta cũng có thể cất nó đi rồi quên luôn. Người ta cũng có thể đem đi cho người khác.

Chỉ Có Vợ Tôi

Chuyện xảy ra tại một trường đại học. Sắp hết giờ giảng, giáo sư bỗng đề nghị với các sinh viên,"Tôi cùng mọi người thử một trắc nghiệm nhỏ, ai muốn cùng tôi thử nào?" 
Một nam sinh bước lên.

 Giáo sư nói, "Em hãy viết lên bảng tên của 20 người mà em khó có thể dời bỏ". Chàng trai làm theo. Trong số tên đó có tên của hàng xóm, bạn bè, và người thân...
Giáo sư nói: "Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất!" Chàng trai liền xoá tên của người hàng xóm.
Giáo sư lại nói: "Em hãy xoá thêm một người nữa!". Chàng trai xoá tiếp tên của một đồng nghiệp.
  Giáo sư nói tiếp:"Em xoá thêm tên một người nữa đi". Một người không quan trọng nhất trong cuộc đời. chàng trai lại xoá tiếp..... 
Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba cái tên, bố mẹ, vợ, và con. Cả giảng đường im phăng phắc, mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư, cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi!! 

Giáo sư bình tĩnh nói tiếp: "Em hãy xóa thêm một tên nữa!" chàng trai chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn....anh đưa viên phấn lên..... và gạch đi tên của bố mẹ! 
"Hãy gạch đi một cái tên nữa đi!", tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai. chàng trai sững lại, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai...

Và anh bật khóc thành tiếng, dáng điệu vô cũng đau khổ.
Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi: "Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó dời xa nhất?"
Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời. 
Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói:"Theo thời gian, cha mẹ sẽ là dời bỏ tôi mà đi, con cái khi trưởng thành,cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi, người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi!"


Đứng trước mọi chọn lựa ở đời, Kitô hữu cũng phải biết nhìn nhận và nói, “Chỉ có Chúa tôi.”

LM John Trần Khả

 
114.864864865135.135135135250