Capharnaum, ngày…tháng…năm…
Bác Phêrô kính mến,
Bác rất quảng đại, cao thượng! Bác hỏi cho rõ việc tha thứ, tha bao nhiêu lần là đủ? Các Rabbi nói có thể tha đến ba lần và đưa ra số bốn là con số tối đa, Bác đưa ra số bảy, tưởng hợp ý Thầy và sẽ được khen là tâm độ lượng như tâm Phật. Tuy nhiên Thầy lại đưa ra tiêu chuẩn vượt trội « bảy mươi lần bảy », nếu lấy 70 nhân 7 sẽ ra 490 lần. Không lẽ phải đếm đến 490 rồi sau đó ngưng ? Đó là cách tính của con, còn Thầy không muốn nêu ra một khối lượng các trường hợp đo lường, nhưng nhằm khẳng định bổn phận tha thứ không giới hạn.
Công việc này quá khó, và không thể ! Ai nói lời xúc phạm thì ghim cho đến chết vì “lời đau nhớ đời !”, vậy mà giờ phải tha liên tục không giới hạn. Làm sao đây?
Thầy Giêsu thường nói về sự cần thiết phải tha thứ cho người xúc phạm, cứ mỗi lần Ngài lại lưu ý rằng việc tha thứ của Thiên Chúa mà ta muốn nhận tùy thuộc thái độ sẵn sàng tha thứ của ta. Mối phúc thứ năm đề cập đến lòng từ bi khi tha thứ và loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tha cho ai biết thứ tha[1].
Nguyên tắc tha không giới hạn : đối với Bác, đã rõ là các môn đệ của Thầy phải tha thứ, nhưng muốn biết xem phải chăng bổn phận này cũng có giới hạn, do vậy Bác hỏi để xác định điều đó. Thầy cho biết không bao giờ đạt mức “tôi tha thứ đã đủ và không buộc phải tha nữa”, bởi tha thứ như một sự biết ơn[2].
Thầy không nói cách mông lung mà cho ví dụ như người đầy tớ mắc nợ không có lòng thương. Thầy cho biết lý do tại sao phải tha thứ, đó là vì tôi muốn được tha thứ và yêu thương. Trong câu hỏi của Bác và cách xử của người mắc nợ chỉ thu hẹp và nhắm đến quan hệ giữa người mắc nợ và bản thân : tại sao tôi cứ phải chịu liên tục những thiệt thòi? Thầy nhắc đến sự tha thứ mà ta nhận được từ nơi Ngài. Thầy muốn nói ta mắc nợ Ngài bao nhiêu và được tha thứ như thế nào, để từ đó làm bảng đối chiếu trong cách đối xử với tha nhân.
Thiên Chúa sẽ xử như tên đầy tớ không biết thương xót với những ai không thật lòng tha thứ. Ở đây ta gặp lại ý tưởng của bài giảng trên núi[3] về sự tha thứ và xét đoán. Chỉ khi tha thứ mới khám phá ra chiều sâu của lời kinh Lạy Cha: “xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”[4], đồng thời nhận ra được chân lý mối phúc “phúc cho ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót”[5].
Bác Phêrô đặt câu hỏi thay cho mọi người và Thầy Giêsu có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát và mặc khải lòng thương vô bờ của Thiên Chúa. Mỗi người mắc nợ chồng chất như người đầy tớ thứ nhất. Nếu Thiên chúa tha nợ, ta vẫn là người đầy tớ sống nhờ lòng độ lượng của Ngài. Cảm ơn Bác đã đặt đúng câu hỏi cho đúng người, đúng việc, để từ đó con cũng có khung hình cho đời sống “vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”[6].
Kính chào Bác,
Con: Catarina Thùy Dung.