Có tiếng rao đâu đây: "Ai mua trăng tôi bán trăng cho"
- Sao lại mua bán trăng nhỉ? Chuyện không thể xảy ra, ai lên trời lấy trăng mà bán? Trăng ra sao và để làm gì mà mua?
- Trên đời có nhiều thứ mua bán kì lạ!
Người khác lại rao: "Ai có Nước trời, giá bao nhiêu cũng mua."
- Nước trời là gì mà sao mua bằng mọi giá?
- Nước ấy ở đâu và như thế nào? Mua rồi để làm gì, cho ai ở?
Chẳng ai nói được Nước trời "là" mà chỉ biết nước ấy "giống như" mà thôi: giống kho báu, giống thương gia đi tìm ngọc quý, giống chiếc lưới thả xuống biển và giống nhiều thứ…
Thông báo : Ở đây có Nước trời, nước ấy giống như một kho tàng chôn trong ruộng, có người tìm được, liền chôn giấu như cũ rồi về bán hết tài sản mà mua cho bằng được miếng ruộng đó.
Vì đang tìm mua Nước trời nên xem ra thông tin này đáng lưu ý, nhưng quảng cáo này có nhiều mâu thuẫn và nhiều câu hỏi đặt ra :
- Sao ai đó không gởi vàng bạc, châu báu trong ngân hàng vừa bảo đảm vừa có lời mà lại chôn trong ruộng để rồi quên và tài sản đó vào tay người khác?
- Người tìm được kho báu là ai? Thái độ của anh cũng không chân thật, vậy điều đó không đặt thành vấn đề sao?
Thời thượng cổ chưa có hay rất ít ngân hàng, hơn nữa câu chuyện được kể trong hoàn cảnh đất Palestine, lãnh thổ nằm giữa Aicập và Môsôpôtamia, nơi đó thường xảy ra chiến tranh, để ở ngân hàng sợ mất hoặc phá sản, chỉ còn cách đào đất cho vàng, đá quý vào cái chum, cái hộp và chôn trong vườn nhà.
Người tìm được kho tàng có lẽ là một người thợ đi cày thuê, bất chợt anh cày lên một vật, mở ra và thấy toàn châu báu. Đúng ra anh phải báo cho chủ vì của ai trả người đó, đằng này anh cũng tham lam, muốn tài sản đó về mình nên chôn xuống và tìm cách mua cho bằng được, và như vậy danh chính ngôn thuận khối tài sản này về tay anh. Cách xử của người này không lương thiện về mặt luân lý, anh muốn chiếm hữu bằng mọi cách, hy sinh mọi dự phóng, mọi lo toan để thủ đắc cho được miếng ruộng chôn châu báu.
Đúng, anh này thủ đoạn, nhưng người kể chuyện không quan tâm vấn đề luân lý. Điều ông nhắm đó là khám phá kho tàng vô giá và tuyệt mỹ nên hy sinh tất cả, vận dụng tất cả để có được. Nước trời là thế đó, nước đó cao trọng hơn bất cứ tài sản nào khác. Hơn nữa kho báu đó, nước đó không phải là phần thưởng mà ai muốn thủ đắc phải vận dụng tất cả năng lực.
Vậy, không phải cứ để tự nhiên là thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Nước trời, bởi nước đó vừa là một ân ban vừa là sự nỗ của con người. Trên tất cả mọi sự cần quy hướng về Chúa, liên kết với Ngài và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Tất cả các giá trị khác như gia đình, vật chất, tài năng, địa vị…không phải là những giá trị tối hậu, nhưng phải được đưa vào mối dây liên kết với Chúa và đặt tất cả dưới cái nhìn của Ngài. Càng ý thức thuộc về Chúa, càng hiểu giá trị của việc thuộc về Ngài, càng sống vui, càng nỗ lực và điều đó cũng đòi hỏi phải từ bỏ rất nhiều.
Chuyện mua-bán kết thúc ở đây phần còn lại là tìm sao cho đúng kho tàng, mua sao cho đúng giá và bằng cách nào giữ được kho tàng ấy.
Catarina Thùy Dung