04/09/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

589
SN Tin Mừng Chúa Nhật XXIII TN - A (Sr Thùy Dung)

Ai cũng có lỗi, có tội, bởi thánh Gioan nói: “nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta”[1]. Vậy có lỗi thì phải sửa, nhưng sửa ra sao?

Trước khi sửa ai phải xác định người đó là anh em của mình “nếu người anh em trót phạm tội ”. Hạn từ “anh em” dùng để nói mối quan hệ huyết thống trong một gia đình, nhưng cũng mở rộng ra với bạn bè, láng giềng, một cộng đoàn thiêng liêng như “con cái Israel.” Vậy mọi người là anh chị em, và việc sửa này gọi là sửa lỗi “huynh đệ.”

Đây không phải là sáng kiến của Thầy Giêsu mà đã có nền tảng từ Cựu Ướ : “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách nó, như thế ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó”
[2]. Không chỉ sửa để người anh khác nên tốt mà còn là một trách nhiệm, nếu không sửa mà để người đó hư mất, ta cũng không khỏi tội. Không chỉ những môn đệ của Thầy Giêsu mới làm điều này mà ngay cả cộng đoàn Êxêni ở Qumran cũng làm như vậy : “không được nói với anh em với sự giận dữ hoặc hiềm khích, hoặc trịch thượng, hoặc với trái tim cứng rắn, hoặc tâm trí gian tà ”[3]. Lời nói quan trọng, cách sửa lỗi cho người khác quan trọng và là trách nhiệm của mỗi người. Vì tầm quan trọng đó mà Thầy Giêsu dạy ba bước để sửa lỗi

Sửa riêng: nếu biết được ai đó phạm tội, gọi họ ra riêng mà nhắc nhở “một mình anh với nó,” nghĩa là sửa lỗi cách kín đáo, tế nhị, bằng tình bác ái chứ không do hờn oán hay tự kiêu mà coi người khác lỗi hơn mình. Đây vừa là bác ái vừa là bổn phận : bác ái vì người đó là anh chị em, sửa để họ nên tốt, để sống đúng đường lối Chúa và tương quan tốt với tha nhân. Bổn phận vì nếu biết họ phạm tội mà không sửa, nếu người đó hư đi thì ta sẽ phải chịu trách nhiệm trên họ.

Sửa với nhân chứng: Đức Giêsu rât thực tế, bởi ai cũng có tự ái riêng, có khi không nhận ra lỗi mình, có khi cố tình phủ nhận, trong trường hợp này cần hai-ba người làm nhân chứng để cho biết lỗi đó là nặng cần sửa đổi; và cũng nhờ nhân chứng khuyên nhủ thêm trong tình huynh đệ để cứu người anh em. Cách sửa này cũng mang tính khách quan hơn, vì không phải chỉ do cách nhìn của một người mà còn người khác. Nếu tội nhân vẫn ngoan cố không nghe nhân chứng, không chịu nhận lỗi, không sửa đổi thì cần biệt pháp mạnh hơn

Đưa ra trước cộng đoàn: đây là biện pháp cuối cùng; đưa ra trước cộng đoàn nghĩa là đưa ra trước Hội Thánh và mọi chuyện là công khai; người có thẩm quyền pháp lý cần áp dụng lề luật mà sửa dạy. Người hữu trách sử dụng luật lệ mà bắt buộc phải làm hay phải loại trừ, nhưng tất cả đều phải được đặt nền trên đức ái. Hội Thánh đây cũng hiểu là mỗi người, bởi Chúa không chỉ ban quyền tha thứ và cầm buộc cho Phêrô mà cho cả nhóm Mười Hai: “anh em cầm buộc/tháo cởi, trên trời cũng cầm buộc và tháo cởi như vậy.” “Anh em ” ở số nhiều nghĩa là mọi người thuộc Giáo Hội, trong đó có người đặc cách làm đầu, từ Phêrô, các môn đệ và những người lãnh đạo sau này.

Tóm lại

Sửa ai cũng được, sửa gì cũng được, sửa cách nào cũng được, nhưng điều kiện tiên quyết và duy nhất là vì đc mến, vì yêu thương người anh chị em mà sửa dạy. Nếu vì đức mến thì: “vui khi thấy điều chân thật […], tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”
[4].

Xin Chúa dạy con luôn đặt tiêu chuẩn này khi đối xử với người anh chị em. Amen.

Catarina Thùy Dung

 
 
[1] 1 Ga 1, 8.
[2] Lv 19, 17.
[3] Thủ bản kỷ luật 5, 25.
[4] 1 Cr 13, 6-7.
114.864864865135.135135135250