Con người sống như một vòng xoay: sinh ra, lớn lên, lấy vợ lấy chồng, sinh con, già và chết đi. Nói là vậy nhưng cuộc sống lại không đơn giản, nhất là chuyện hôn nhân. Sống ở trên đời phải chọn lựa: ở giá, xuất gia tu tập hay lập gia đình ? Các người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu về việc ly dị, có được phép không ? Chúa đặt ngược lại câu hỏi : «Luật Môsê truyền dạy điều gì?». Đức Giêsu hỏi về tất cả luật Môsê, nhưng các ông Pharisiêu chỉ trích một khoản cho phép, cách « lách luật » rất khéo ! Câu hỏi đề cập đến tính pháp lý của li dị chứ không phải lý do đưa đến ly dị, người ta áp dụng Đnl 24, 1-4 về các lý do ly dị như ngoại tình, mắc bệnh truyền nhiễm, tâm thần, không thể truyền sinh…và chỉ cần người đàn ông bất bình với vợ vì một trong những lý do trên cũng có thể ly dị và đàn ông luôn có ưu thế quyết định. Vậy câu hỏi của người Pharisêu không chính đáng ở ba điểm :
- Việc hỏi không phải để biết mà là để «gài bẫy Người». Họ muốn ép Chúa phải đưa ra quan điểm cách minh bạch và như vậy Chúa trở thành tâm điểm cho người khác chống đối loại trừ vì Ngài giới hạn tự do của họ, vì Chúa muốn «cả hai nên một» và chắc chắn câu trả lời là «không». Vừa giới hạn tự do của họ vừa «tước quyền» của người chồng có thể ly dị vì những lý do không chính đáng. Hệ thống luật thời đó cho người chồng một tự do rất lớn, làm cho những người vợ phải trả giá đắt cho việc này, vị trí của người vợ mong manh, hoàn toàn lệ thuộc vào sự quyết đoán của chồng, đặt câu hỏi này để đưa Chúa vào cuộc tranh luận về những «quyền lợi» của người đàn ông. Và như vậy, Chúa không đi vào tranh luận nhưng muốn các ông trở về với nguồn gốc Kinh Thánh.
- Thứ hai, Chúa hỏi về tất cả luật Môsê muốn nói gì, nếu không phải là luật một vợ một chồng và luật bất khả phân ly từ ban đầu tạo dựng, vì «sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly», nhưng họ lại trích một luật trừ để trả lời, luật trừ đó chỉ vì «lòng chai dạ đá» của họ. Họ lấy luật trừ làm luật chính và đưa đến sai lầm!
- Thứ ba: việc ly dị trong Dothái giáo xưa, ly dị không phải là hành vi pháp lý công khai tại tòa án, nhưng là việc riêng tư, người chồng chỉ cần viết một tờ giấy và đưa cho vợ, xác nhận anh ta đã ly dị là đủ. Người Pharisêu nói về phép tắc, trong khi Chúa hỏi về lệnh truyền. Phép mà Môsê cho chỉ là để bảo vệ người phụ nữ, bởi không cho thì người chồng cũng bỏ, vậy làm một tờ giấy, ít ra người vợ được tự do lấy người khác. Việc làm đó chỉ là sự nhượng bộ do sự yếu đuối của con người và miễn chuẩn cho chương trình nguyên thủy Thiên Chúa tác thành. Việc cho phép của Môsê chỉ là miễn chuẩn mà điều chuẩn thì không hủy bỏ được luật căn bản, hơn nữa Đức Giêsu còn ra luật triệt để hơn.
Khởi đầu Thiên Chúa tác thành hôn nhân, cho một người nam và một người nữ thành vợ chồng và họ nên «một xương một thịt», họ không còn là hai «nhưng đã nên một» nên không thể tách rời, không thể ly dị. Còn Đnl 24, 1-4 mà Môsê cho phép chỉ là sự nhượng bộ vì giới hạn của con người ; hôm nay Chúa tái lập chương trình của Thiên Chúa từ khi tạo dựng, do vậy không có vấn đề đối lập.
Chính vì nhóm Pharisiêu hỏi Chúa khi trích dẫn luật Môsê trong Cựu Ước nên các môn đệ cũng bối rối, nếu là Kinh Thánh, tại sao có quyền sửa đổi và những người áp dụng luật Môsê mà ly dị thì không sai? Về nhà các ông hỏi lại Chúa về việc này. Ngài đưa ra quan điểm triệt để, nói đúng hơn là giải thích luật Chúa từ nguyên thủy cách đúng đắn: «ai rẫy vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình. Ai bỏ chồng và lấy chồng khác cũng là tội ngoại tình». Luật Dothái không chỗ nào nói người vợ được phép ly dị mà chỉ có người chồng tiến hành thủ tục ly dị, vậy phải chăng Chúa nói câu này là vì áp dụng luật Roma và Hylạp? Đây là một thách đố cho những ai muốn theo Chúa, cho những người gia nhập Giáo Hội, bởi trong đó luật hôn nhân là bất khả phân ly. Tương quan vợ-chồng không phải là điều con người định liệu, không phát xuất từ họ nhưng từ Thiên Chúa trong tư cách là Đấng Tạo Hóa, Ngài muốn tạo lập họ nên «một xương một thịt», họ là hai con người với những tính cách, trách nhiệm khác nhau, nhưng không còn độc lập, tách biệt và riêng rẽ, việc kết hôn của họ là một đơn vị mới chuyên biệt và thực hữu, một mối dây liên lệ thường hằng. Phá đổ chương trình này là gạt bỏ Thiên Chúa, chống lại ý muốn của Ngài, vậy nên cấm ly dị và tái kết hôn. Hơn nữa, người phụ nữ trước kia bị coi nhẹ thì nay trước mặt Chúa họ là những nhân vị, được Thiên Chúa sáng tạo và chiếu cố đặc biệt, là những người bé mọn nên nước Thiên Chúa dành riêng cho họ.
Có lẽ điều chính không phải là được phép di lỵ hay không mà là sống hôn nhân như thế nào để hai người thực sự nên một và đó là dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa cho Giáo Hội.
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.