PHÉP THUẬT HAY THỰC TẠI?
Ngày nay trên truyền hình, các trang mạng xã hội, người ta làm phép thuật biến hóa người này thành người kia, lúc ẩn lúc hiện, cưa đôi người mà vẫn cười nói rộn rã. Còn Đức Giêsu, hôm nay biến hình trước mặt các đồ đệ yêu dấu, Ngài tạm thời từ bỏ hình dạng cũ mà các môn đệ vẫn thấy hằng ngày để mặc lấy một hình dạng khác. Các nhà ảo thuật ngày nay cũng làm được, cũng biến thái hình dạng. Vậy điều Đức Giêsu làm là phép thuật hay thực tại ? Câu hỏi đặt ra làm cho những người đạo đức thấy chói tai vì như "lung lạc đức tin." Nhưng đó lại là câu hỏi để con người của thế kỉ XXI cần tìm để hiểu, để biện phân và tin vào Chúa cách xác tín, vững vàng hơn.
Đức Giêsu biến đổi hình dang, điều này đã được chuẩn bị và tất cả Tin Mừng nhất lãm đều kể chi tiết, Ngài mang y phục sáng chói mà không thợ giặt nào có thể làm, đó là màu của thiên giới, y phục nơi những người đã chiến đấu và chiến thắng sẽ được mặc như sách Khải Huyền nói. Phần Đức Giêsu, đã ẩn mình từ lâu, hôm nay tỏ hiện chút vinh quang thiên giới, báo trước vinh quang của ngày Phục sinh. Môsê xưa kia ở trên núi, sau khi gặp Chúa thì mặt ông sáng chói, sáng đến độ con cái Israel không ai dám nhìn, đó là ông được hưởng ánh sáng của Chúa, còn Đức Giêsu hôm nay, ánh sáng đó từ trong chính Ngài bởi là "sự sáng" đây là ánh sáng chói lọi, là màu sắc của thực tại thiên quốc và cánh chung. Không có kinh nghiệm nào có thể so sánh với việc Chúa biến hình hôm nay, dù là kinh nghiệm của Môsê! Điều đặc biệt là Đức Giêsu ở trong vinh quang thiên quốc, các môn đệ vẫn nhận ra Ngài. Y phục trắng đến nỗi không thợ giặt nào trên trần gian có thể tẩy trắng được, bởi là con Chiên tinh tuyền không tỳ vết, người không có tội nên trinh trắng vẹn toàn. Hình ảnh màu trắng đó vừa diễn tả đời sống thiên giới: "một đoàn người đông đảo…mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế" (Kh 7, 9), vừa diễn tả người đã chiến thắng, niềm vui và đó là phần thưởng: "ai chiến thắng…Ta sẽ cho một viên sỏi trắng" (Kh 2, 17).
Marcô mô tả cuộc hiển dung này cho thấy Đức Giêsu ở trong trạng thái bị động, Ngài được biến đổi, vậy đó là hành động của Thiên Chúa chứ không phải sự cố gắng của con người như các nhà ảo thuật. Điều quan trọng nữa đó là các chứng nhân là các môn đệ hiện tại và của Cựu Ước: Môsê và ngôn sứ Elia xuất hiện; theo truyền thống, hai vị này có vai trò quan trọng trong lịch sử dân Chúa, Môsê là hiện thân của lề luật, còn Elia đại diện cho các ngôn sứ. Đức Giêsu là hiện thân cụ thể của cả hai điều quan trọng đó. Ngài là Lề Luật, là người loan báo ơn cứu độ và chính là ơn cứu độ.
Cũng có chứng nhân khác là đám mây, để từ đó Môsê và Elia xuất hiện, cũng từ đám mây đó mà tiếng Chúa Cha phán ra, xác nhận Đức Giêsu là "Con yêu dấu" và lời nhắn nhủ "hãy vâng nghe lời Người". Các chứng nhân làm chứng điều đó là hiện thực; Chúa Cha tôn vinh Ngài trong vinh quang của Thiên Chúa, điều con người làm chỉ trong chốc lát còn nơi Thiên Chúa là vĩnh cửu, hai hình ảnh đó không thể so sánh được, nhưng chỉ gợi lên sự giới hạn của con người khi muốn giải thích và hiểu về Thiên Chúa.
Khi Cựu Ước nói về những đám mây như sự hiện diện của Thiên Chúa, thì cũng là tấm màn ngăn cách con người với Thiên Chúa, để rồi hôm nay, trong vinh quang của ngày hiển dung, Đức Giêsu xé bỏ tấm màn đó, để nối kết con người với Chúa, nối trời với đất, đưa lời cầu nguyện của con người lên và mang ơn lành của Thiên Chúa xuống. Và cũng trên đám mây vào thời tận thế, Đức Giêsu sẽ xuất hiện để qui tụ những người được tuyển chọn, hay đúng hơn những người đã theo làm môn đệ, chứng tá cho Ngài.
Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín đến một nơi riêng, trên một ngọn núi, tách biệt với những ồn ào trần gian để đi vào thế giới của Thiên Chúa. Chúa không muốn biến đổi trước đám đông để gợi lên sự tò mò hay ngưỡng mộ nhất thời của họ, nhưng chỉ với ba môn đệ thân tín và các chứng nhân thiên giới để biến đổi mấy môn đệ cách sâu xa và bền vững, để các ông sẽ là những chứng nhân sau này. Chỉ ở nơi cô tịch và đến gần Thiên Chúa, con người mới có môi trường thuận lợi để có thể hiểu về mầu nhiệm của Ngài.
Ngày Chúa hiển dung là ngày Ngài bày tỏ vinh quang chính mình cho con người và cũng cho họ được chung hưởng vinh quang ấy trong ngày sau.
Nt : Catarina Thùy Dung, OP.