05/12/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

675
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Vọng - B (Lm. Gioan Trần Khả)
 
Sơn Sửa Lại

Hai anh em Zake và Clem cùng mở dịch vụ sơn nhà làm việc chung với nhau. Tuần lễ đầu tiên họ nhận được một hợp đồng sơn phết lại một căn nhà khá lớn. Công việc sơn nhà tiến hành tốt đẹp cho đến khi họ sơn được ¾ căn nhà thì nhận ra là họ không còn đủ sơn, thay vì mua thêm sơn, hai người quyết định dùng chất pha loãng sơn ra để tiết kiệm và sơn cho xong. Chẳng thấy ai phàn nàn và không ai biết họ đã pha loãng sơn. Họ tiếp tục pha loãng sơn để có thêm lợi nhuận. Công việc làm của họ tiến hành tốt cho đến một hôm họ nhận thầu công việc sơn tháp chuông nhà thờ. Tháp chuông nhà thờ cao và to nên phải tốn nhiều sơn và vài ngày mới có thể sơn xong. Như thói quen, họ pha loãng để tiết kiệm sơn và kiếm thêm lời.

Sáng hôm sau khi Zake đến tiếp tục sơn tháp nhà thờ, mặt anh tái xanh.

Clem hỏi, “Chuyện gì xẩy ra cho chú mày mà sao mặt chú mày tái xanh tái lè như vậy?”

Zake trả lời, “Đêm qua tao có ác mộng. Tao nhìn thấy một hình hài trắng xóa không biết là thiên thần hay quỉ thần hiện ra đứng phía chân giường, giơ bàn tay gầy guộc và ngón dài móng nhọn chỉ vào mặt tao và nói, “Sơn quét lại, không được pha loãng thêm ra.”


Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta không pha loãng sứ vụ, nhưng dùng sơn thứ thiệt để sơn quét lại đời sống Ki-tô hữu của chúng ta trong tinh thần dọn lòng đón Chúa.

Thánh Marco kể lại việc Gioan xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối. Khi nghe Gioan rao giảng dân tuốn đến “thú tội” và “chịu phép rửa” xin ơn tha thứ.

Sám Hối

Một trong những cái vui của đời linh mục là gặp gỡ những tâm hồn chân thành thống hối. Khi một người người đến gặp nói về chuyện tâm hồn của họ liên quan đến cuộc sống trong tình liên hệ tương quan với Thiên Chúa thì đó là một phần thưởng cho người linh mục. Chắc chắn Chúa Giê-su đã rất vui khi Madalena đến xức dầu và khóc rồi lấy tóc lau chân Chúa để tỏ lòng thống hối của bà. Chúa cũng rất vui khi ông Gia-kiêu muốn gặp Chúa và hài lòng khi nghe ông nói sẽ đền trả gấp hai gấp ba hay gấp bốn cho những người ông đã làm cho họ bị thiệt hại. Madalena đến với Chúa vì bà cảm thấy cần Chúa. Gia-kieu đến với Chúa vì ông cũng cảm thấy cần Chúa. Người phong cùi đến với Chúa xin chữa lành vì họ cần Chúa cứu chữa họ. Xưng thú tội lỗi ý nghĩa nhất và vui nhất đối với linh mục khi ngồi tòa là gặp những người có tâm hồn thống hối chân thành. Việc xưng thú tội lỗi xin ơn tha thứ của chúng ta cũng thú vị nhất khi chúng ta thấy cần phải thống hối để được tha thứ.
 
Làm thế nào để chúng ta tìm thấy được lòng thống hối chân thành như thế? Đa số chúng ta không làm những điều quá xấu xa tội lỗi đến nỗi phải lo buồn thống hối. Chúng ta không ăn trộm, không ăn cướp; không giết người, không ngoại tình, không ăn gian nói dối, không cố tình hại ai. Chúng ta vẫn sống đàng hoàng tử tể, chu toàn trách nhiệm, lịch sự và tôn trọng quyền lợi của người khác. Dĩ nhiên là con người thì “nhân vô thập toàn”, là người chẳng có ai hoàn hảo. Chúng ta biết mình cũng có vài cái bất toàn nho nhỏ; lâu lâu cáu kỉnh bẳn gắt với vợ với chồng, nhưng vẫn thương chứ đâu có ghét; đi nhà thờ tham dự Thánh lễ thì chúng ta vẫn đi; đọc kinh cũng có đọc. Thỉnh thoảng có chia lòng chia trí tí thôi. Tựu trung chúng ta là người tốt. Như vậy chúng ta chẳng cảm thấy có nhu cầu ăn năn sám hối, thì làm thế nào để chúng ta có lòng thống hối? Đi phạm thêm trọng tội chăng? Phạm bao nhiêu thì mới cảm thấy thống hối hay càng phạm càng chai ra?

Nhận Thức Để Sám Hối

Mười gia đình tham dự cuộc thi trò chơi ném chuyển đồ vật cho nhau. Mỗi gia đình được trao cho một chiếc bình sứ.  Họ đứng xếp hình vòng tròn và ném chuyền chiếc bình sứ cho nhau. Gia đình nào cũng làm được cách dễ dàng. Nhưng sau đó thì các đồ vật khác được thêm vào: một cái tách trà, một cái đĩa, một cây thánh giá, một chiếc nhẫn cưới, và một con búp bê. Đến lúc này thì mọi người vừa lo ném chuyển đồ đi, lại vừa lo nhận bắt đồ từ tay người khác chuyền sang cho mình nên nhiều cái đã bị rơi xuống đất, lạc mất, bể tan hoặc gẫy nát. Thoạt đầu còn có tiếng cười vui vẻ nhưng sau đó lại có những tiếng kêu la vì nhiều người dẫm lên những miếng mảnh vỡ của các đồ vật rơi bể trên đất.

Đời sống của nhiều người chúng ta cũng giống như trò chơi này. Theo dòng thời gian, mỗi năm, mỗi tháng chúng ta đưa thêm đồ vật và sinh hoạt vào trong cuộc sống của mình và của gia đình. Đến một lúc nào đó chúng ta cảm thấy mình vừa ném, vừa chuyển, vừa bắt rối lung tung beng và nhiều thứ bị trượt khỏi tầm tay rơi xuống đất bể tan. Cái bị rơi có thể là cây thánh giá biểu tượng cho sự nguội lạnh trong tình liên hệ của chúng ta đối với Đức Kitô và Thiên Chúa. Cái bị rơi có thể là chiếc nhẫn cưới biểu tượng cho sự sứt mẻ hay đổ bể trong tình liên hệ vợ chồng. Cái bị rơi đó cũng có thể là con búp bê biểu tượng cho những đứa con bị bơ vơ vì cha mẹ ly dị v.v. Đây là lý do giúp chúng ta tỉnh ngộ và ăn năn sám hối.

Có một gia đình thắng cuộc thi đua. Họ đã làm sự lựa chọn ngay từ đầu. Họ biết là họ không thể giữ lại được tất cả mọi thứ. Do đó họ chọn loại bỏ chiếc bình sứ, cái tách trà và cái đĩa để giữ lại cây thánh giá, chiếc nhẫn cưới và con búp bê. Họ đã được mọi người vỗ tay tán thưởng. Còn bạn bạn chọn giữ lại những thứ gì cho mình và cho gia đình?

Dẫn Đến Sám Hối

Thánh Marco giới thiệu thông điệp Tin mừng tới mọi người với lời tuyên bố “khởi đầu Phúc âm của Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa.” Lời giới thiệu này là chủ đề cho toàn thông điệp thống hối mà thánh Marco muốn công bố để dọn lòng đón Chúa Cứu Thế.
 
Khởi đầu: Sách Sáng Thế Ký đã mở đề với chữ “Khởi đầu” khi Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, thì bây giờ thánh Marco cũng có ý công bố nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa cũng khởi đầu lại một sáng tạo mới, một thế hệ mới, một trật tự mới, một mạc khải mới, và một công trình cứu chuộc mới. Chúa Giê-su là mốc điểm thời gian cho thế giới mới này. Tin vào Đức Giê-su là qui luật mới để cân đo đức tin và tinh thần môn đệ của con người trong mọi thời đại. Các vua chúa trần gian không phải là thiên tử hay con trời. Chỉ có Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa mà thôi.

Thánh Marco cũng dùng ý nghĩa “Khởi đầu” cho thông điệp Tin mừng bởi vì nhiều lần ngài tường thuật Chúa Giê-su bắt đầu làm một công việc gì đó, nhưng không bao giờ thánh Marco nói là Chúa đã làm xong hay kết thúc cái Ngài đã khởi sự . . . và như thế, ngài có ý nói Giáo Hội có trách nhiệm tiếp tục công việc mà Chúa Giê-su đã khởi sự. Do đó Tin mừng Marco không phải chỉ là câu truyện về những việc mà Chúa Giê-su đã làm, nhưng cũng trình bày công việc mà các môn đệ cần tiếp tục làm sứ vụ của Chúa ở trần gian.

Thánh Marco cũng muốn chúng ta xác tín về nguồn gốc của Thế giới. Văn hóa Hy lạp thời đó tranh luận về khởi nguồn của thế giới. Nhiều triết gia đồng thời đã nghĩ đến vai trò của bốn yếu tố căn bản tự nhiên là: gió, lửa, trái đất và nước trong tiến trình sáng tạo vũ trụ. Ho tin những nguyên tố thiên nhiên đó là khởi đầu của vũ trụ hữu hình. Khi dùng từ ngữ “khởi đầu” để nói về Chúa Giê-su Ki-tô và phúc âm của Ngài, thánh Marco có ý công bố rằng nguồn gốc chân thật của tất cả công trình sáng tạo không phải là sự phối hợp các yếu tố thiên nhiên đó, nhưng là ở chính Ngôi Vị Đức Giê-su Ki-tô. Ngài là khởi đầu và là nguồn gốc của chúng ta. Chúa Giê-su bày tỏ cho chúng ta biết Dung Nhan Thiên Chúa, và qua việc thiết lập Vương Quốc, Ngài tỏ cho chúng ta một trật tự mới, một tạo vật mới được khởi đầu cho một thế hệ mới. Giáo huấn và gương lành của Chúa Giê-su là hướng dẫn bất biến cho các Ki-tô hữu của mọi thời đại. Câu truyện về Chúa Giê-su là thách đố cho với chúng ta khi chúng ta nhận biết trách nhiệm tiếp tục những gì mà Chúa Giê-su đã khởi sự.

Tin Mừng: Từ ngữ quan trọng thứ hai mà thánh Marco dùng là “Phúc âm” hay “Tin mừng.” Tin mừng cho thế giới chỉ đến từ Chúa Giê-su. Thánh Marco nói Chúa Giê-su, chứ không phải Đế quốc hay đế vương Roma, là nguồn gốc và là căn nguyên của mọi “Tin Mừng.” Lời công bố này có ý nghĩa nặng kí ở cả hai lãnh vực tôn giáo và chính trị. Chúa Giê-su đem lại ơn cứu chuộc, chữa lành, phục hồi và giải phóng cho thế giới. Tất cả chúng ta đều là những người đang sống trong lưu đầy bởi vì tội lỗi có thể làm chúng ta xa cách Thiên Chúa và cản trở không cho chúng ta trở nên con người mà Thiên Chúa có ý tạo dựng chúng ta để trở nên. Chúa Giê-su có thể dẫn chúng ta ra khỏi cảnh lưu đầy, lưu lạc và đưa chúng ta trở về trong tình liên hệ với Thiên Chúa và phục hồi căn diện tính mà Thiên Chúa muốn thấy nơi chúng ta. Đó chính là Tin mừng! Chúa Giê-su đã đạt chiến thắng trên tất cả quyền lực của tội lỗi và sự chết và cả các lực lượng của Đế quốc Roma. Đây cũng là Tin mừng.

Mọi người cần sám hối để quay về với Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng là khởi sự, là nguồn gốc, và là Tin Mừng của nhân loại. Ki-tô hữu chúng ta được ủy thác trách nhiệm tiếp tục loan báo Tin mừng và cộng tác làm công việc cứu chuộc nhân loại mà Chúa Giê-su đã khởi sự. Nếu chúng ta đã để cho các việc của thế gian và tinh thần thế gian pha trộn làm loãng sứ vụ Ki-tô hữu của mình thì chúng ta cần sám hối, sơn quét lại tinh thần Ki-tô hữu của mình trong lòng thế giới.

L. M. Gioan Trần Khả




 
114.864864865135.135135135250