Bêtania, ngày…tháng…năm…
Hai chú kính mến,
Bác Gioan khổ công huấn luyện hai Chú, cho đến hôm nay bác ấy đã trắng tay. Hai Chú chỉ nghe "Đây là Chiên Thiên Chúa" mà đã bỏ thầy mình để theo một người Giêsu lạ hoắc nào đó! Mà thầy Gioan của các Chú cũng có phản ứng lạ thường: có đồ đệ thì giữ họ lại và chiêu mộ thêm, vừa được phục vụ vừa trở thành nổi tiếng, sao lại để hai Chú đi theo người khác không lời từ biệt? Hai Chú có thấy mình phụ bạc không, hay “có mới nới cũ,” hoặc vì lý do nào khác? Thầy Giêsu hấp dẫn hơn bác Gioan sao, hoặc tại lời giới thiệu hay mà cuốn hút hai Chú để rồi các Chú bỏ Gioan mà theo thầy mới Giêsu này?
Lời giới thiệu cũng rất lạ, một con người mà lại nói “Chiên Thiên Chúa?” Người là người, chiên là chiên, sao lẫn lộn được? Hơn nữa Thiên Chúa có chiên riêng sao? Nếu có thì là dân Israel chứ sao là Thầy Giêsu?
Con trở về đọc lại Kinh Thánh thì thấy hình ảnh con chiên là biểu tượng cho người hiền lành, đạo đức: dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa tách chiên khỏi dê, chiên bên phải và dê bên trái. Và còn nghĩa khác mà có lẽ Gioan dùng ở đây: hàng năm vào lễ Vượt Qua, người Dothái giết chiên, lấy máu bôi lên khung cửa, nhà nào có máu chiên thì được cứu; con chiên đó phải là chiên non, không tì vết. Làm nghi thức này, người Dothái đã nhớ đến con chiên bị chết để họ được cứu sống (x. Xh 12, 3-7). Vậy "Chiên Thiên Chúa" được nối kết ở đây với việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua vì Thầy Giêsu tử nạn vào dịp lễ này, Thầy chính là con chiên sát tế để cứu nhân loại. “Chiên Thiên Chúa- Đấng gánh tội trần gian”. Thầy Giêsu đã nhập cuộc, gánh lấy tội lỗi con người; như con chiên hiến tế trong ngày lễ xá tội thay cho toàn dân như thế nào thì Thầy Giêsu vô tội cũng chịu khổ hình, gánh tội nhân loại như vậy. Như “con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Thầy là Thiên Chúa mà trở nên người phàm để ta được làm con Chúa, trở nên nghèo cho ta được giàu có, trở nên nô lệ để ta được lên hàng nghĩa tử, vui lòng chết để ta được sự sống muôn đời.
Sau khi nghe giới thiệu về “Chiên Thiên Chúa”, các Chú đã đi theo Thầy, nhưng có lẽ các Chú cũng chẳng biết thực sự người đó là ai, theo để làm gì. Hiểu được tâm tư đó nên Thầy hỏi “Các anh tìm gì?” Hai Chú đã bỏ quên hay bị thất lạc gì mà phải tìm? Câu hỏi đó hàm chứa điều đặc biệt, không phải dành để tìm vật dụng đã mất mà bản Bảy Mươi dùng để nói về việc tìm kiếm Thiên Chúa, đặc biệt là sự khôn ngoan của Ngài “Tôi đi khắp ngả, tìm cách lấy đức khôn ngoan cho riêng mình” (Kn 8, 18). Hoặc tìm cách giải nghĩa sách Torah, nghĩa là tìm để hiểu Kinh Thánh. Các Chú tìm để xem Thầy ở đâu; ở trước mặt các Chú, ở trong lòng và đang đồng hành với các Chú. Tìm sự khôn ngoan của Ngài, sự khôn ngoan đó là “Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 45).
Còn bác Gioan, cựu sư phụ của các Chú đã nhường bước cho “Đấng đến sau” mà đã nhiều lần loan báo và tự xưng là “không đáng cởi quai dép cho Người”. Bác Gioan đã “đứng lại”, bác ở trong thế bị động như để nói thời gian đã mãn và bác hoàn tất sứ mệnh; còn Thầy Giêsu thì “đi ngang qua”, nghĩa là Thầy trong tư thế hành động, là người đang tiến bước.
Sau thời gian tìm kiếm và đã thấy, các Chú “ở lại với Người”. Đây là cuộc gặp gỡ và chung sống đầu tiên đưa tới sự hiệp thông sâu xa nhất, các Chú ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các Chú, và Chúa Cha ở lại đó (x. Ga 15, 4). Kết thúc một buổi chiều thật thơ mộng, khi đó là giờ thứ mười, mặt trời xế bóng, các Chú có lẽ nghe được tiếng nói vọng từ tâm “ở lại trong tình yêu của Thầy” và như vậy các Chú có một buổi chiều đáng nhớ mở đầu cho đời sống đức tin tròn đầy. Các Chú có niềm vui bùng phát từ cuộc gặp gỡ đó, niềm vui thiêng liêng mà không ai lấy được, niềm vui của người đi tìm ngọc quý, một khi tìm được thì bán tất cả để mua viên ngọc đó (x. Mt 13, 44). Để từ nay các Chú giới thiệu cho những người xung quanh, các Chú trở thành môn đệ đích thực, được thúc đẩy bởi ý tưởng làm môn đệ đến độ tìm và đưa anh của mình đến gặp Thầy Giêsu. Cuộc hội ngộ thật đẹp giữa thầy-trò và giữa các hiền huynh đến độ phải reo lên “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia!” Một niềm vui thiêng liêng bùng phát. Một ơn cứu độ được ban tặng, một đức tin tròn đầy trong một cuộc gặp gỡ trọn vẹn!
Xin kính chào các Chú và cũng dắt con đi đến gặp “Chiên Thiên Chúa”, để con được “ở lại” và được “sai đi”.
Nt. Catarina Thùy Dung, OP.