ĐỀN THỜ HAY CỬA HÀNG TẠP HÓA?
Nơi chốn : Đền thờ Giêrusalem hay còn gọi « Thành Thánh »
"Đền thờ Thiên Chúa," "Đền Sion"…
Mục đích : Nơi thờ phương.
Trách nhiệm chính : Thượng tế
Gioan nói Đức Giêsu lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua ba lần, đây là chuyến hành hương đầu tiên khi bắt đầu sứ vụ cách công khai. Chuẩn bị lễ Vượt Qua, người ta mua bán chiên cừu, đổi trác tiền bạc và các thứ khác để chuẩn bị lễ vật cho cuộc lễ long trọng này. Đây cũng là cơ hội cho các nhà lãnh đạo Dothái thời đó có cách bắt bẻ, làm hại và giết Đức Giêsu, vì Ngài đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Nhưng sao có chuyện buôn bán ở đó ? Nơi thờ phượng phải được dành riêng cho chính tên của nhà ấy!"Đền thờ Thiên Chúa," "Đền Sion"…
Mục đích : Nơi thờ phương.
Trách nhiệm chính : Thượng tế
Thực ra, việc buôn bán trao đổi này có nhiều lý do:
- Lễ Vượt Qua là lễ quan trọng nhất trong năm, mọi người quy tụ về Giêrusalem để tưởng niệm việc họ được giải phóng khỏi nô lệ Aicập và tạ ơn Chúa, vì từ đó Ngài đã làm cho họ thành một dân tộc. Các tín hữu ở xa về đây dự lễ và cần phải có lễ vật, người giàu thì chiên, bò, nghèo thì cặp chim gáy hay bồ câu…Người ở xa không thể mang xúc vật từ quê lên vì đường xa, nắng nóng sẽ làm con vật chết hoặc trầy sát, sẽ không thể làm lễ vật ; do vậy họ lên đền thờ mua sẽ thuận tiện hơn. Tiền trao đổi hằng ngày sẽ không được dùng trong đền thờ vì ô uế, nên phải đổi ra tiền sihlos, tiền chỉ để dùng trong việc phụng tự, để đóng thuế đền thờ.
- Việc buôn bán cũng không phải trong chính đền thờ nhưng thực ra là nơi tiền đường, sân dành cho dân ngoại, phần ít cao quý nhưng là nơi duy nhất người ngoại có thể dừng chân, gần nơi gian thánh và gian cực thánh, có thể gọi là « cung thánh ». Dù là tiền đình dân ngoại nhưng truyền thống vẫn yêu cầu phải trân trọng vì là nơi tôn nghiêm. Buôn bán ở đây với những tiếng người trao đổi, cãi cọ, tiếng xúc vật kêu rống…thì quả là bất kính!
- Hơn nữa, nếu việc buôn bán công bằng thì không nói, nhưng buôn gian bán lận, đổi tiền với giá thách thức. Bản văn nói "người Dothái" nhưng thực tế là giới lãnh đạo đền thờ như các tư tế, các thầy lêvi và các vệ binh. Không những họ trục lợi trên những món hàng dành cho việc phụng tự, được xem là việc đạo đức mà còn đưa cả dòng họ con cháu vào cùng làm, và như vậy đã nhân danh tôn giáo để trục lợi và biến việc linh thánh thành chốn phàm tục, tội lỗi, gian lận.
Đức Giêsu không chấp nhận biến đền thánh thành cửa hàng tạp hóa và chợ động vật; vì việc làm sai trái này nên Ngài đánh đuổi hết những kẻ buôn bán trao đổi ra khỏi đó và nói: "đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán !». Hành động mạnh mẽ này Ngài đã phải trả bằng chính mạng sống sau đó: "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi sẽ phải thiệt thân." Ngài trích lời Thánh Vịnh 69, 10 nhưng để động từ ở thể tương lai, như lời loan báo rồi đây Ngài phải chết vì việc bảo vệ nhà Chúa của ngày hôm nay. Biết vậy Ngài vẫn bảo vệ cho công lý, nơi của Thiên Chúa, trả về cho Ngài "đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán!" Con người của Đức Giêsu cũng hoàn toàn đổi khác: từ một người nhu mì, thì nay lại làm náo loạn khung cảnh đại lễ ; từ tốn, chuyên cứu chữa, hòa giải thì nay lại cầm dây đánh đuổi những người buôn bán khỏi đền thờ. Khuôn mặt khác lạ của Ngài, vì muốn trả lại cho nhà Chúa đúng danh, nên Đức Giêsu đã thịnh nộ mà bảo vệ quyền lợi cho Chúa Cha, trong khi vẫn là chính mình. Đấng « có lòng hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng » cũng nổi giận khi cần vì vinh quang Thiên Chúa!
Hơn nữa, Đức Giêsu không chỉ vào đền thánh như một khách hàng hương, mà còn là người quản lý và là chủ nhân. Nhà của Đức Chúa sẽ là nơi Ngài xuất hiện và lúc đó: "Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim…Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi" (Ml 3, 1-3). Còn quan trọng hơn, nhà đó còn được ví như đền thờ của Chúa Thánh Thần, là tâm hồn mỗi người, vậy ta tự cho phép làm dơ bẩn chính đền thờ của mình sao ? Nếu đã làm ô uế thì cần Thiên Chúa thanh tẩy, đó là gạt bỏ những tham lam, hối lộ, gian xảo…khỏi nơi đó ! Và khi ấy "nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân" (Is 56, 7). Nhà của Chúa, nơi Ngài đang hiện diện, phải suy nghĩ và hành động tương ứng với chân lý đó!
Cũng bằng cử chỉ này, các tế phẩm của con người đã được dẹp bỏ và thay bằng hiến lễ tinh tuyền của Đức Giêsu, con người không phải dâng hy lễ mỗi năm, nhưng Ngài dâng một lần thay cho tất cả, của lễ bằng thú vật sẽ được thay bằng của lễ tinh tuyền như lời ngôn sứ Malakhi "Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi…và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta" (Ml 1, 10-11) và giờ đó đã đến nơi chính con người Đức Giêsu!
Xin Chúa cho con ý thức ngôi thánh đường thường cử hành phụng tự và nhất là đền thờ tâm hồn của con để kính trọng, giữ gìn cho xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.