17/12/2023 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

850
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III mùa Vọng - B (Sr Thùy Dung)

Mở đầu câu chuyện là cảnh tòa án mà Gioan là người bị thẩm vấn. Hôm nay người ta đặt rất nhiều câu hỏi, tất cả đều bắt đầu: “Ông là ai?” và câu trả lời: “Tôi không phải. ” Sao Gioan không trả lời thẳng một câu “tôi là…” lại phải khẳng định nhiều lần “tôi không phải” để làm vấn đề thêm rắc rối?

Giới lãnh đạo Dothái gởi phái đoàn gồm tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi xem Gioan là ai, như một kiểu kiểm tra lý lịch. Câu hỏi xem ra đơn giản, nhưng câu trả lời có tính trang trọng, thay vì nói mình là ai thì Gioan lại trả lời như một lời thề : “Tôi không phải… ”

- “Không phải là ngôn sứ,” đây là dung mạo ngôn sứ mà Đức Chúa hứa với Môsê trong Đnl 18, 18 “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng ”. Ngoặc ngôn sứ nổi tiếng là Êlia, Gioan tuyên bố “không, ” không phải là Êlia. Gioan không mượn danh ngôn sứ nổi tiếng để tô điểm cho danh tánh của mình mặc dù trọng trách là một ngôn sứ.

- “Không phải là Đấng Kitô.” Đấng Messia mà muôn dân mong đợi, Gioan khẳng định ông không phải là Đấng ấy. Hình ảnh này rất quen thuộc tại Palestine vào thế kỉ I, thời điểm mà người ta đang chờ mong một số gương mặt quan trọng trở lại. Và ta thấy người ta rất tín nhiệm Gioan, nên có tin đồn ông chính là Đấng Messia phải đến. Nhưng ông khẳng định: “Tôi không phải là Đấng Kitô, ” hàm ý là Đấng Kitô đã xuất hiện, nhưng ấn đâu đây. Tuy còn ẩn danh, nhưng Ngài rất vĩ đại, nên Gioan phải đến để làm chứng về Ngài.

Phái đoàn ép ông phải cho biết lý lịch chính thức: “Thế ông là ai ?. ” Gioan trả lời bằng cách trích Isaia 40,3: “Tôi là tiếng người hô trong hoan địa : hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Sau khi trả lời những câu hỏi bằng cách phủ định, giờ cho biết ông là: “Tiếng người hô.” Nếu là tiếng nói thì ông nói gì ? Nói về việc sám hối. Sám hối như thế nào ? Dọn đường, dọn tâm hồn cho ngay thẳng để đón chờ Đức Chúa đến, việc làm cụ thể là chịu phép rửa. Ông là chứng nhân, nhưng chứng nhân ra sao ? Ông không phải là đặc sứ toàn quyền, mà chỉ là người được sai đến với mục tiêu rõ ràng “làm chứng về ánh sáng,” về Đấng Cứu Độ sẽ đến, sứ mạng của ông phải được nhìn trong viễn tượng vũ trụ, siêu lịch sử, nhưng vai trò của ông là chứng nhân và chỉ thế thôi. Nhiệm vụ của ông là làm cho dân Israel nhận biết Đức Giêsu là ai. Gioan là người được Chúa sai đến, đối lại các tư tế và thầy Lêvi là những người được người Dothái gởi đến. Cuộc thẩm vấn là có thật và là cuộc đụng chạm giữa hai đoàn tiến quân.

Sứ mạng của Gioan là làm chứng cho Đức Giêsu, vậy ông là chứng nhân, tên của ông là “Gioan Tiền Hô,” ông có hai sứ mạng là làm phép rửa và làm chứng:

Tại sao làm phép rửa, lấy quyền nào mà làm ? Gioan chỉ xác nhận ông làm phép rửa trong nước và loan báo người đến sau sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Vậy phép rửa của Gioan là hình thức sám hối để xin ơn tha tội, phép rửa này đi kèm với nghi thức thống hối và việc xưng thú tội lỗi (x. Mt 3, 6). Gioan không có quyền tha tội, và cũng chẳng ai được cứu độ nhờ phép rửa này. Nhưng lại là quan trọng vì diễn tả lòng sám hối và xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm.

Làm chứng nhân: ông là người tận mắt được nhìn và hưởng ơn cứu độ ngay khi còn trong lòng mẹ. Ông làm chứng về điều đó và nhắn nhủ dân Israel sám hối vì tội không tin, không nhìn nhận Đức Giêsu chính là Đấng họ mong chờ đã đến.

Câu hỏi "ông là ai ?” hay “tôi là ai ?” mỗi người tự trả lời cho chính mình và cho những người chất vấn. Cũng như Gioan, lời chứng của ta vừa nói ta là ai, là môn đệ Đức Giêsu là chắc chắn, nhưng còn làm gì? Làm chứng về Đức Giêsu, chứng đó như thế nào? Không ai trả lời được ngoại trừ chính mỗi người.

Nt. Catarina Thùy Dung, OP.




 
114.864864865135.135135135250