Nazarét, ngày…tháng…năm…
Mẹ kính mến,
Ngàn đời ca tụng, vạn vạn người tán dương, cả vũ trụ bái phục Mẹ. Nhưng đọc lại tiểu sử của Mẹ, quả thật cuộc đời gian nan! Ngay cả khi mọi người tưởng đó là vinh dự nhất đời là được làm Mẹ Thiên Chúa, thì cũng là lúc mà nguy hiểm đang rình rập tính mạng của Mẹ.
Ngày thiên sứ truyền tin cho Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế, là ngày hạnh phúc và bất hạnh. Hạnh phúc vì Mẹ được diễm phúc lãnh nhận hồng ân mà không một phụ nữ nào có được. Ân sủng của Thiên Chúa bao trùm cả cuộc đời Mẹ, làm Mẹ Đấng Cứu Tinh nhân loại, một con người cả thế giới và vũ trụ đợi chờ. Nhưng sự bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Do vậy khi nghe sứ điệp của thiên thần: “Bà sẽ thụ thai và sinh một con trai… ” Mẹ bối rối (không sợ hãi như Dacaria) và hỏi lại: “Việc đó xảy đến thế nào được?” Đó là điều huyền diệu vượt quá sức tưởng tượng của con người. Một trinh nữ mang thai? Mẹ đã thành hôn như bản dịch TOB: “Một thiếu nữ đã thành hôn với một người nam” (une jeune fille accordée en mariage à un homme)[1], vậy Mẹ trong tình trạng của người đã thành hôn. Thời gian này, dù vẫn còn đang ở nhà cha mẹ ruột (chưa rước dâu) người đàn ông có quyền pháp lý trên người nữ và có thể gọi là “ vợ, ” việc cam kết này chỉ có thể hết hiệu lực khi ly dị. Do vậy, bất cứ hành vi nào của Mẹ vi phạm các quyền làm chồng của thánh Giuse đều bị coi là ngoại tình và có thể bị ném đá cho đến chết.
Mẹ mang thai trong thời điểm này, quả là là điều mạo hiểm! Tuy nhiên, thiên thần trấn an và nói “Đừng sợ! […] Mừng vui lên!” Mẹ như thiếu nữ Sion, nghĩa là dân Chúa, được kêu gọi vui lên vì Đức Chúa sẽ viếng thăm (x. Xp 3, 14). Mẹ có tên mới “Đấng Đầy Ân Sủng” vì hồng ân Thiên Chúa bao trùm toàn bộ con người, Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, người đắc sủng trước mặt Chúa, Ngài thi ân giáng phúc cách nhưng không cho Mẹ. Mẹ được giới thiệu là “trinh nữ” và thánh Giuse là vị hôn phu chứ không phải là chồng (x. Mt 1, 18-20), và như vậy con trẻ sinh ra là một “quà tặng” nhưng không của Thiên Chúa cho Mẹ và cả nhân loại. Vì “Đức Chúa ở cùng bà” đó là sự hiện hữu, sự trợ giúp thực sự của Thiên Chúa. Chúa không chỉ kêu gọi cộng tác với Ngài mà còn giúp khả năng chu toàn sứ mệnh.
Mẹ đã phản ứng lại lời chào của sứ thần vừa trên bình diện cảm xúc, vừa trên bình diện lý trí. Me ngạc nhiên (bối rối) và suy nghĩ (tự hỏi). Mẹ mở ra với sứ điệp và cố gắng hiểu sâu hơn ; sứ thần nói nhiệm vụ của Mẹ là “ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu ”. Trên nền tảng khả năng tự nhiên của Mẹ là phụ nữ, Mẹ được kêu gọi cưu mang sự sống, đón nhận con người của Đức Giêsu vào lòng. Nếu việc bà Elisabeth đã già mà mang thai cần một phép lạ, thì sự thành thai của Đức Giêsu cần phép lạ kỳ vĩ hơn bội phần vì đó là sự thụ thai do một trinh nữ. Sự can thiệp huyền bí của Thiên Chúa trên cuộc đời Mẹ trong việc thụ thai và sinh con, đưa tới kết quả là vai trò của Đức Giêsu trong dòng tộc Đavít và tư cách là Con Thiên Chúa.
Mẹ không hiểu hết điều Thiên sứ nói và điều Chúa muốn làm nơi Mẹ, nhưng đã cộng tác bằng tất cả con người, đó là kiểu mẫu cho người tín hữu, được loan báo là có phúc, là người cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi sứ thần gọi là “Đấng đầy ân sủng,” Chúa đã cho Mẹ biết tương quan của Ngài với Mẹ. Trong sự khiêm tốn, Mẹ nhận mình là “nữ tì của Chúa.” Mẹ diễn tả tương quan với Thiên Chúa, Mẹ là người muốn lắng nghe và làm theo ý định của Ngài. Chỉ mình Mẹ là phụ nữ duy nhất được làm “nữ tì của Chúa.”
Mẹ được ký thác một trách vụ đặc biệt, con vui với Mẹ, vì qua đó con nhận ra đặc tính tổng quát của ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa; ơn đó đến từ lòng nhân hậu, sủng ái của Thiên Chúa và kèm theo sự trợ giúp của Ngài. Tuy nhiên con người phải dấn thân trọn vẹn và tận dụng hết thời giờ, khả năng để phục vụ Thiên Chúa và chương trình của Ngài, khi đó ơn gọi sẽ đưa đến niềm vui và niềm vui phát xuất từ việc phục vụ đó.
Một người Mẹ,
Một ơn gọi,
Một mẫu gương,
Một lời xin vâng,
Một chương trình hoàn tất,
Một ơn cứu độ được ban tặng.
Xin cảm ơn Mẹ vì tất cả điều đó !
Con : Catarina Thùy Dung, OP.
[1] La traduction œcuménique de la Bible, 1975.