31/03/2024 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

767
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh - B (Sr Thùy Dung)
 
Giêrusalem, ngày…tháng…năm…


Có ai đây không ?
Sao l nh! Không có tiếng tr li mà như có du vết người nào đó hin din !
Bác Phêrô và các chú hôm trước đã chôn Thy và lp ca m bng tng đã ln, ai đã lăn đá ra?
Trm mà đến đây thì đến vi mc đích gì? Ai ly xác Thy và đ đâu ?
Câu hi thì nhiu mà câu tr li thì chưa !!!

Ch Maria Magdala,

Em nghe chị thì thầm tự hỏi chuyện gì đó, nhưng em cũng không có câu trả lời ! Có điều là câu chuyện này rất nhiều mâu thuẫn: Gioan nói chị đi ra mộ lúc trời còn tối, đó là canh cuối theo cách chia của người Roma, khoảng từ 3 đến 6h sáng. Trời còn tối đến độ không thể nhận ra bạn cố tri dù khoảng cách chỉ bằng ném một hòn đá. Nhưng Luca lại nói trời tảng sáng, vậy sáng hay tối? Sáng hay tối không chỉ tùy thuộc vào thời gian ban ngày hay ban đêm, nhưng còn vào tâm trạng con người. Chị nhìn thấy Thầy phục sinh mà tưởng là người làm vườn, vậy lúc đó là ngày nhưng lòng chị vẫn còn trong đêm vì không nhận ra người chị từng mến mộ và đi theo làm môn đệ. Trời tối, vì Thầy là Ánh Sáng mà Thầy đã chết nên áng sáng đã tắt, khi trời tảng sáng như dấu hiệu cho biết Thầy sẽ sống lại và chị sẽ gặp Thầy. Chỉ khi có sự hiện diện của Thầy lúc đó mới có ngày và có ánh sáng.

Câu hỏi khác: Chị đi ra mộ một mình hay đi với ai? Gioan nói chỉ có mình chị, Mátthêu nói có chị và hai bà, Marcô nêu ra ba bà và Luca thì nhiều bà, đã nêu tên ba bà và thêm “cùng với các phụ nữ khác”. Có mình chị ra mộ hay nhiều đồng nghiệp cùng đi? Hình như Gioan muốn dành cho chị vị trí đặc biệt nên chỉ nêu tên chị, bởi chị đã yêu mến nhiều nên được hãnh diện thấy dấu hiệu sự phục sinh. Nhưng em tin truyền thống Tin Mừng Nhất lãm hơn, chị là phụ nữ có thể đi một mình khi trời còn đêm tối sao? Hơn nữa nơi hành hình Thầy ở ngoài thành, điều nguy hiểm mà một phụ nữ không thể hay khó thực hiện một mình!  Mặt khác chị nói “chúng tôi chẳng biết người ta để Người ở đâu”; nếu có mình chị sao lại nói “chúng tôi”? Nhưng thôi chuyện một người hay nhiều người để sang một bên, bây giờ nói chuyện chị thấy gì và kể gì?

Chị ra mộ để làm gì? Gioan không nói nhưng các tác giả khác nói chị ra “để tẩm liệm”, nhưng hôm thứ sáu đã tẩm liệm rồi! Mátthêu nói “ra để xem mộ”. Phải chăng lòng mến nhiều, tình yêu bao la dành cho Thầy nên chị muốn được ở gần, chia sẻ tất cả những gì vừa trải qua trong cuộc khổ nạn! Chị thấy gì? Ga chỉ nói chị nhìn thấy tảng đá lăn ra, vậy cái nhìn của chị chỉ là nhìn bằng cặp mắt thể lý và như thế chẳng có gì lạ! Nhưng cũng có thể cái nhìn kèm sự hiểu biết đích thực đưa tới đức tin, hoặc nhìn chiêm ngưỡng và hiểu, nhưng ở đây chị lại chưa hiểu nên đặt câu hỏi về việc “ai lấy xác Người?”. Thực ra, đức tin là ân huệ Chúa ban, về phía con người cần được học hỏi, cảm nghiệm và sống. Điều này chị đã làm và quả thật chị trở thành người “Môn đệ đầu tiên loan báo về mầu nhiệm Phục sinh”. Chị nhìn vào mộ và phát hiện thi hài không còn ở đó.

Mâu thuẫn kế tiếp : các môn đệ đã đóng cửa mồ của Thầy rất kỹ, vậy mà không ai lăn nhưng sao tảng đá khổng lồ lại có thể tự động di chuyển sang một bên từ sáng sớm? Chị nói “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ!” Chị có thấy tận mắt việc người ta đem Chúa đi không mà dám khẳng định điều này?

Bác Phêrô và người môn đệ kia cũng đi ra mồ, “người kia” là ai? Tin Mừng Gioan nhắc đến năm lần “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Phải chăng khi không nhắc tên là chính tên mình? Không biết rõ là ai, nhưng hình như có dung mạo giống Giuse, con yêu quý của Giacop? Có người cho rằng môn đệ đó là “em bé” đã tặng năm chiếc bánh và hai con cá. Đó là những giả thiết, còn điều chắc chắn là người đó thuộc nhóm Mười Hai, cùng với Anrê đến với Thầy Giêsu bên bờ sông Giođan, có vị trí ưu tiên trong bữa tiệc ly, người thân thiết với Thầy và là người được Thầy trao Mẹ Maria trước khi lìa thế. Không xác định vừa để đặt câu hỏi, tìm hiểu, vừa để ta có thể đồng hóa với chính mình. Chị, em và mỗi chúng ta ít nhiều đều có nét của người môn đệ được Chúa thương mến : ai cũng là người được Chúa thương mến, ai cũng có nhiệm vụ sống và loan truyền đức tin, ai cũng có nhiệm vụ đón tiếp và chăm sóc người đồng loại và cuối cùng ai cũng là người được Chúa yêu thương và tỏ tình yêu cứu độ của Ngài.

Bác Phêrô và người môn đệ kia cùng chạy. Tưởng tượng hai người chạy như ma đuổi, sao lại vội vàng vậy? Chuyện đâu còn đấy! Nhưng chạy cho nhanh đến nơi lại không vào trong mộ mà chỉ đứng ở ngoài. Phải chăng người ấy sợ ma hay kính trọng bác Phêrô nên để bác ấy vào trước? Hay sợ nhiễm uế theo nghi thức Dothai vì đụng chạm vào xác chết? Có lẽ chị cũng chẳng biết trả lời sao ; nhưng có lẽ tác giả muốn ghi lại chi tiết vì đó là quan trọng, muốn diễn tả khởi đầu của mầu nhiệm Phục sinh là quý giá đến độ một chi tiết nhỏ cũng không bỏ xót, ghi lại cách trung thực nhất có thể và cũng để cho độc giả tự do đặt câu hỏi và suy nghĩ!

Câu cuối cùng rất hay “ông đã thấy và đã tin”. Một cái nhìn đưa tới đức tin, nhìn bằng thể lý và tin bằng cặp mắt thần linh, vì nhớ lại trước kia Thầy đã nói nhiều lần về việc này.

Chạy ra mộ, thấy và tin. Nhưng thấy gì? Chỉ thấy các băng vải, khăn liệm và ngôi mộ trống vậy mà tin. Tin gì? Tin rằng Thầy Giêsu đã sống lại; nhưng dựa vào đâu để tin? Môn đệ “kia” đã tin vì nhớ lại đã nhiều lần Thầy loan báo về việc sẽ sống lại. Môn đệ “vô danh” này có sứ mệnh làm chứng, còn Phêrô có sứ mệnh lãnh đạo cộng đoàn, còn chị là người loan báo Tin Mừng phục sinh.

Ngày Chúa phục sinh là ngày của niềm vui, của ơn cứu độ, của hòa bình. Chị sẽ dần dần nhận ra Thầy, nhất là khi được gọi chính tên mình.

Đêm qua đi, ngày đang đến. Dù có đi trong đêm tối đức tin như chị khi Thầy chết, sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp từ đêm sang ngày để đến lúc rạng sáng chị nhìn thấy dấu hiệu sự sống của Đấng Phục sinh. Có lẽ cuộc đời con người cũng thế, khi còn khóc, khi còn đi trong đêm tối là còn chôn Thầy Giêsu trong mồ, trong khi đó Ngài đã phục sinh, vậy trong đêm đen của bóng tối, cái chết và niềm đau, yếu đuối và chán nản đều có ánh sáng Phục sinh, niềm vui của Đấng “là ánh sáng” soi chiếu và mời gọi. Cùng lắng nghe, chiêm ngắm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng tiến bước để gặp được Đấng là niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu!

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.






 
114.864864865135.135135135250