Giêrusalem, ngày…tháng…năm…
Các Môn Đệ kính mến,
Sau khi hai người từ Emmau trở về và kể lại chuyện Chúa hiện ra với các vị và hai người đó đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh. Hai vị này chưa kịp làm chứng thì nhóm Mười Một đã tuyên xưng Chúa sống lại, giờ hai vị đó bắt đầu thuật lại mọi sự thì Chúa hiện ra, không còn phải là nhân chứng kể lại mà trực tiếp các vị được nhìn thấy Chúa. Nhưng thấy người lại tưởng là ma, sao các vị cũng nhát đảm vậy ! Tuy nhiên câu này là của con, còn Chúa Giêsu, không trách các vị mà trấn an bằng câu hỏi: "Sao lại hoảng hốt? Sao lại ngờ vực, chính Thầy đây, cứ rờ xem ma đâu có xương thịt như thầy." Chúa biết con người còn yếu đuối, còn ngờ vực nên hiện ra và trấn an cách cụ thể.
Vì hoàn cảnh chia ly nên tạo hoang mang và đau buồn, các vị không nhận ra Chúa "vì buồn," lúc khác các vị không tin vì "mừng quá nên vẫn chưa tin" (c. 41); không biết Luca có bênh vực các vị mà cho những lý do này, hay đó là sự thật? Một điều cần biết là khi không còn tin, tất cả là thất vọng và nỗi buồn phủ kín, ngay cả hai vị trên đường về Emmau, các vị đi cùng Chúa nhưng không nhận ra vì nỗi buồn lớn che mất niềm tin. Các vị kinh hồn bạt vía nên Ngài trách "sao còn ngờ vực, chính Thầy đây." Trong đời hoạt đông, Chúa cũng đã có lần trách các vị thiếu lòng tin như lần bão táp trên biển hồ (x. Mt 8, 23tt). Chính vì sự kém tin mà các vị không nhìn ra Ngài, cái chết của Ngài coi như một thất bại đối với các vị và khi đã an táng Chúa thì cũng chôn vùi luôn niềm hy vọng cuối cùng của các vị, ngay cả lời chứng của các phụ nữ khi họ ra mộ không thấy xác Chúa, có thiên thần hiện ra, các vị cũng cho là điều hoang tưởng, tuy Phêrô và người môn đệ Chúa thương có chạy ra mồ nhưng không phải vì vậy mà được thuyết phục, ngôi mộ trống cũng chỉ là một dấu chỉ.
Chúa không trách mà là củng cố. Ngài chào chúc bình an, nhưng cần phân biệt hai loại bình an; khi người ta gặp nhau, theo phép lịch sự nên nói "shalom," "chào bình an," điều đó chỉ nói lên tương quan nhân bản. Còn lại một bình an khác mà không ai ban được đó là bình an của Đấng Messia mà Chúa dùng để chào các vị hôm nay, lời bình an đã được các ngôn sứ loan báo, đây là sự bình an đạt được với cái chết của Đức Giêsu, khi Ngài giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, bình an này là niềm vui ơn cứu độ (x. Rm 5, 1.10 ; 2 Cr 5, 18-19).
Sự bình an là ân huệ của Chúa phục sinh, Ngài không ban cho các vị sự bảo đảm nào để có thể sống yên ổn suốt đời, các vị không có cuộc sống huy hoàng, an nhàn thư thái, nhưng tất cả những gian nan còn đó, những đau khổ không được cất đi. Đức Giêsu cũng không tránh khỏi những điều đó, Ngài cũng bị đánh đòn, bị vu oan, và cuối cùng bị chết cách nhục nhã, nhưng hôm nay Ngài đứng trước mặt các vị là một Thiên Chúa đang sống, đã vượt thắng cái chết và không thể chết nữa. Vậy các vị có sự bình an của Chúa, đó là một bảo đảm các vị sẽ không bị hủy diệt hoàn toàn, vì có bị giết về thân xác, niềm bình an là ơn cứu độ của các vị đã được bảo đảm và điều đó không ai lấy mất được, cái chết cũng không thể làm hại các vị cách vĩnh viễn thì huống chi những khó khăn cuộc sống, chúng chỉ xảy ra trong thời hiện tại. Nền tảng và bảo đảm cho lời chào và ân huệ ấy chính là Đấng Phục Sinh trong sự sống mới của Ngài, một sự sống đã thắng được cái chết.
Chúa giải thích Kinh Thánh cho các vị, đó là lời bảo đảm để tin, nếu tin những gì đã được ghi chép về Ngài, điều đó vừa là bảo chứng đức tin, vừa là hành trang để sau này các vị đi rao giảng có cơ sở để nói. Hôm nay Chúa hiện ra bằng xương bằng thịt nhưng đó là giai đoạn cuối cùng, Ngài muốn củng cố đức tin cho các vị để rồi các vị cũng làm chứng lại cho người khác, sự kinh hồn bạt vía của các vị lại hữu ích cho hậu thế, chính thái độ khó tin, nghi ngờ của các vị là lời bảo đảm cho tính vững chắc của đức tin thời sau, nghĩa là đức tin không dựa trên sự mê tín, tình cảm, cảm giác nhưng đã được kiểm chứng nhờ óc phê bình, sự kiểm chứng. Nhờ đó hậu thế có Thánh Kinh và Thánh truyền để tin, tin những gì các vị nói đó là Giáo Hội truyền lại, chấp nhận chứng từ của các vị là đón nhận những lời giáo huấn của chính Chúa.
Niềm tin vào Đấng Phục sinh làm con người có bình an nội tâm, không những để vượt qua những gian khổ, hiểm nguy cuộc đời, nhưng còn là ân huệ, để nhờ đó được ở trong Thiên Chúa, được mời gọi tin vào thực tại của đời sống mới trong Chúa Giêsu, để sau này cũng được sống đời sống đó trong thân xác phục sinh.
Xin các vị cũng cầu nguyện cho chúng con để không coi Chúa Phục Sinh là "bóng ma" hay một huyền thoại kể cho trẻ con, nhưng là một Con Người đang sống cách thực thụ, là niềm hy vọng vì Ngài sống mãi bên Chúa Cha và bên con người bằng nhiều cách, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Từ khi cảm nghiệm, xác tín, chúng con có thể là những chứng nhân cho sự thật về một Đức Kitô đang sống như các vị đã làm.
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.