Các Tông Đồ kính mến,
Hôm nay các vị chính thức được gọi là “Tông Đồ” và với Marcô, thì chỉ được gọi ở đây mà thôi, danh hiệu này là một ân ban, chính trong tư cách “tông đồ” nghĩa là những người được Chúa trao sứ mạng tiếp nối công trình của Ngài mà các vị tái xuất hiện.
Các vị hôm nay trở về bên Thầy Giêsu của các vị và kể cho Ngài nghe những gì đã làm được, như một kiểu “báo cáo thành tích” theo đúng hai phương diện được trao đó là rao giảng và chữa lành (x. Mc 6, 12-13). Các vị trở về bên Thầy như các thành viên trong cộng đoàn tụ họp với nhau vừa chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và hiệu quả công việc, đó là hình ảnh cộng đoàn vẫn liên lạc thường xuyên với thầy của mình và với nhau.
Thường các vị chỉ được kể lại như người đã công bố Tin Mừng, nhưng hôm nay và chỗ này duy nhất Mc đã nói các vị “giảng dạy”, các vị đang làm công việc của Thầy, Thầy trao cho các vị công việc của chính Ngài, các vị được làm việc của Thầy, được chia sẻ trách nhiệm và chắc chắn có quyền lợi đó là “sự bắt bớ và Nước Trời mai sau”. Hoạt động của Thầy được nối tiếp nơi hoạt động giảng dạy của các môn sinh.
Sau khi đi công tác trở về, giờ chia sẻ lại cho Thầy và đồng nghiệp. Không thấy Thầy khen hay chê việc các vị làm nhưng lại nói : “lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”, các vị có buồn không? Thành tích ngất ngưởng mà không thấy Thầy khen. Thì ra, Thầy chẳng quan tâm đến lời khen tiếng chê mà quan tâm đến chuyện ăn uống nghỉ ngơi. Ngài làm một việc vừa tâm lý, vừa nhân bản, vừa thể lý lại vừa tâm linh. Ngài quan tâm đến mọi chiều kích cuộc sống của một con người. Tâm huyết của người môn đệ hăng say đi rao giảng, rất tốt, nhưng điều quan trọng cũng phải nghỉ ngơi bởi “lao lực quá sẽ có ngày lao tâm!”, cần đến một nơi yên tĩnh, vừa tĩnh cho khung cảnh tốt để nghỉ, vừa để tâm được bình lặng khỏi những ồn ào xáo trộn cuộc sống thường nhật. Các vị phải “lánh ra riêng” vì Thầy muốn tạo cơ hội cho các vị được “ở với Ngài”, xa đám đông và được sai đi. Đồng thời Thầy cũng muốn các vị có cùng nhịp sinh hoạt như Ngài, cần tìm đến nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện, chỉ khi tâm hồn lắng đọng mới nghe, hiểu được lời Thầy muốn dạy. Chỉ trong đời sống cô tịch, không còn sự ồn ào thế gian, của chính mình, không còn ồn ào nội tại và ngoại tại mới biết được điều Thầy muốn, mới hiểu được Lời Chúa và sống với chính mình. Thầy quan tâm, huấn luyện các vị riêng, nhưng cũng không bỏ rơi dân chúng là những người thành tâm thiện chí theo Ngài và các đồ đệ. Thầy rất cảm động, không chỉ chạnh lòng như một cảm xúc chợt đến mà là nhìn thấy dân và thương, xót xa chạm đến lòng dạ, sau đó biểu lộ bằng hành vi đặc biệt đó là chiếu cố.
Thầy Giêsu chạnh lòng thương đoàn người đông đảo đang đi theo, họ bơ vơ vất vưởng như chiên không người chăn. Hoàn cảnh của dân chúng như trường hợp dân thiếu thủ lãnh và bị phó mặc cho ngoại bang lấn chiếm và cho dã thú tung hoành (x. Ed 34, 5), lạc lõng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt (x. Dcr 10, 2-3). Ngài là mục tử chăm lo cho từng con chiên (x. Mc 6; 34-44). Ngài như một Môsê mới dẫn dắt dân, lo lắng và biện hộ, cầu cứu cho họ (x. Tv 77, 21). Ngài là Thiên Chúa của Cựu Ước chăm sóc đàn chiên, cho ăn trong đồng cỏ xanh non, cho nghỉ ngơi bồi dưỡng và đúng là mục tử chăn dắt chúng như trong Tv 23 nói đến. Ngài còn thi hành chức năng ngôn sứ đem lại lương thực thiêng liêng nuôi linh hồn là lời Chúa cho dân.
Thầy ân cần chăm sóc các vị và dân chúng như để giới thiệu một vị mục tử Thiên Sai. Các vị được chứng kiến, nghe, nhìn, học với Thầy để các vị cũng trở thành người mục tử với tất cả các chức năng, tố chất của người mục tử nhân hiền như Thầy Giêsu. Công việc của mục tử không phải là dạy dỗ mà là nuôi dưỡng đoàn chiên, hôm nay các vị vừa “giảng dạy”, nghĩa là làm vai trò ngôn sứ, vừa được kêu gọi chăm sóc đàn chiên như Thầy, nghĩa là nhiệm vụ mục tử, là phục vụ.
Các vị cũng như con là những “tông đồ” được sai đi thi hành sứ vụ, cũng cần học với Thầy Giêsu về lòng thương xót, sự quan tâm đến mọi chiều kích của những người mình có trách nhiệm. Không người môn đệ nào được sai đi mà được miễn chuẩn cho việc “ở với Người”. Chỉ khi ở với Thầy, các vị và con mới học được thế nào là “lòng thương xót”, để rồi ra đi “giảng dạy”.
Kính
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.