21/07/2024 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

489
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật tuần XVI TN - B (Lm Jn Trần Đình Khả)

Tiếng điện thoại reng, qúi vị nhấc ống nghe và người gọi đến là cha xứ. Sau vài lời trao đổi cha xứ nói, “Lý do tôi gọi là giáo xứ muốn nhờ anh/chị giúp dạy giáo lý cho các em lớp xưng tội rước lễ lần đầu, hoặc giúp trong ban tài chánh, giúp dạy lớp giáo lý tân tòng, thành lập nhóm cầu nguyện, gia nhập đoàn LMTT, Các Bà Mẹ . . . ” hay bất cứ hội đoàn nào. Quí vị có thể sẽ nghĩ, “Chúa ơi, chắc là cha xứ không còn ai nữa nên mới gọi cho mình!” hoặc, “Mình có quá nhiều cái phải lo, phải làm, và rất nhiều lý do hữu lý khác để từ chối.

Hoặc một người quen gọi muốn hẹn đi ăn trưa với bạn và nói, “Thú thật với bạn, tôi cảm thấy chưa bao giờ buồn và cô độc như lúc này. Tôi cần có một người bạn để tâm sự. Vậy mình đi ăn trưa với nhau được không?” Và bạn nghĩ, “Chúa ôi! Con không thể làm việc này được đâu.”

Một người bạn có dấu cho thấy bị nghiện ngập; một em nhỏ trong họ hàng bị ngược đãi, và bạn nghĩ tốt nhất là đừng pha mình vào chuyện của người khác. Lo việc của mình còn chưa xong mà sao có thể hóng chuyện của người khác!”

Quí vị có thể cảm thấy tội nghiệp cho cha xứ ; thương hại cho người cần có bạn để tâm sự, thương cho người nghiện ngập, cho đứa bé bị ngược đãi, nhưng suy đi nghĩ lại và cái duy nhất bạn có thể làm là “Bạn không đủ khả năng; không còn sức; không có dư thời giờ; không đủ trình độ . . . Do đó bạn chẳng làm gì cả.

Chúa Giê-su tiếp tục hỏi, “Làm thế nào để kiếm đủ bánh cho dân chúng ăn? Tại sao Chúa không để cho chúng ta yên? Ý của Chúa Giê-su và khà năng của chúng ta!

Ý Của Chúa Giê-su

Bài học thứ nhất được bày tỏ nơi việc Chúa Giê-su ước ao dẫn chúng ta tiến sâu hơn trong đức tin. Thánh Gioan nói với chúng ta động lực đám đông đi theo Chúa vì họ thấy Ngài làm nhiều dấu lạ. Như thế nghĩa là họ theo Chúa như những khán giả tò mò đến xem chứ chưa phải là những người tin. Có thể họ đã thấy những việc lạ lùng Chúa làm, nhưng không hiểu ý nghĩa của những việc lạ lùng ấy. Từ ngữ được dùng để diễn tả cái nhìn của đám đông là Eoron, nghĩa là cảm nghiệm qua việc trông thấy bề ngoài. Chúa Giê-su thì ngược lại “thấy” đám đông và có thể nhìn thấu tâm can của họ và biết họ cần lớn lên trong đức tin. Chúa Giê-su muốn dạy cho dân chúng biết là họ có thể chuyển đổi cái nhìn nông cạn bề ngoài, là chỉ thấy việc lạ Chúa làm mà không hiểu Chúa là ai và Ngài muốn gì. Họ không nhận ra để hiểu ý nghĩa và mục đích ở đàng sau các phép lạ của Chúa. Nếu đám đông không tiến tới cái nhìn sâu xa này thì họ sẽ không hiểu Chúa Giê-su thực sự là ai, và Ngài muốn gì nơi họ. Không hiểu Ngài thì họ sẽ cố lái Chúa theo cái nhìn và ước muốn của riêng họ. Điều này đã xảy ra khi dân chúng muốn tôn vinh Chúa Giê-su là tiên tri và là vua.

Những người đón nhận giáo huấn của Chúa Giê-su và có cái nhìn đúng về những việc làm và con người của Chúa, thì họ có thể tuyên xưng đức tin và đi theo làm môn đệ của Chúa. Họ theo làm môn đệ vì họ nhận biết Chúa Giê-su là ai qua các phép lạ Ngài làm. Chúa Giê-su muốn chúng ta chuyển đổi từ những khán giả tò mò đi theo để xem và trở nên những người dấn thân đi theo làm môn đệ. Để có thể lớn lên trong đức tin như thế, chúng ta cần hiểu được ý nghĩa sâu xa nơi các việc làm của Chúa Giê-su. Nếu đức tin của chúng ta vẫn chỉ thuần là những công thức cầu nguyện, những nghi lễ tôn giáo và những bản kinh tin kính thuộc lòng, thì thông điệp Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta để cho Chúa Giê-su trở nên thày dạy, hầu Ngài có thể giúp chúng ta hiểu mối giây liên hệ và hướng dẫn chúng ta trong việc cầu nguyện; giúp chúng ta nhận ra ơn thánh ban cho chúng ta trong các nghi thức tôn giáo, và tình thân mật được chính Chúa chia sẻ trong kinh tin kính. Những ai tin nhận mạc khải và sự hiểu biết về Chúa Giê-su như thế được trở nên thân thiết hơn với Ngài. Những ai không tin nhận đức tin sâu xa đó sẽ bỏ cuộc và không đi theo Chúa. Giá trị tinh thần môn đệ nơi chúng ta tùy thuộc sự hiểu biết của chúng ta đối với Chúa Giê-su như Thầy dạy của mình, nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy nhiều hơn là những dấu lạ bề ngoài, để chúng ta nhìn thấy sự hiện diện thực sự của Chúa ở giữa chúng ta.

Bất Lực Của Chúng Ta

Bài học thứ hai trong tinh thần môn đệ xẩy ra khi chúng ta nghe Chúa Giê-su hỏi dò thử tông đồ Philiphe. Chúa hỏi Philiphe, “Chúng ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Chúa Giê-su biết Ngài sẽ làm gì, nhưng Ngài muốn nghe xem Philiphe giải quyết cách nào. Philiphe nói đám đông như thế thì không cách chi họ có thể kiếm đủ bánh cho họ được. Nói “không cách chi” có nghĩa là Philiphe chỉ tin vào khả năng riêng của mình và khả năng có trong tầm tay là không thể giải quyết được vấn đề. Hỏi và nghe trả lời như thế nghĩa là Chúa Giê-su muốn các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ; họ không thể làm được; lực bất tòng tâm; và nhờ đó họ có thể nhận ra quyền lực của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể làm được cái họ không thể làm.

Sau lời thú nhận bất lực của Philiphe, tông đồ Andre cho ý kiến nhưng chẳng khác gì như muối bỏ bể. Ông giới thiệu “Một cậu bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng ngần ấy thì thấm vào đâu.” Philiphe hoàn toàn bất lực và đầu hàng. Andre có chút xíu hy vọng, nhưng cái hy vọng của ông cũng như vô vọng. Chúa Giê-su đón nhận việc dâng hiến nhỏ bé như vô vọng ấy và biến nó thành một thực tế phong phú dư đầy. Đây là bài học cho tinh thần môn đệ: Thiên Chúa có thể làm nhiều vô hạn cho đời sống của chúng ta hơn là chúng ta có thể làm trong khả năng giới hạn và nhỏ bé của con người.

Giống như Philiphe, chúng ta có thể cảm thấy nhu cầu của thế giới vượt quá sức và qúa giới hạn của chúng ta. Đôi khi chúng ta nghi nan tự hỏi không hiểu các nỗ lực của chúng ta có làm nên được trò trống gì không. Những lúc như thế, chúng ta cần ghi nhớ là cái cám dỗ lớn nhất là bỏ không làm gì chỉ vì chúng ta nghĩ là nỗ lực của chúng ta chỉ như muối bỏ biển. Mẹ thánh Tereresa nói, “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những việc vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những công việc nho nhỏ với tình yêu vĩ đại.” Đối với Thiên Chúa thì không việc gì làm với lòng yêu mến mà bị coi là nhỏ bé, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Và việc gì chúng ta làm bằng tình yêu là làm với Thiên Chúa và như thế việc đó không bao giờ là nhỏ bé.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta được nhắc nhở tinh thần môn đệ là cùng làm việc với sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta và Thiên Chúa sẽ hoàn tất. Thiên Chúa có thể làm công việc vĩ đại với những gì chúng ta dâng cho Ngài tuy rất nhỏ bé; vấn đề là chúng ta có dám dâng cho Chúa đủ để Chúa làm. Thách đố cho chúng ta là trao cho Chúa Giê-su những món quà trong đời sống của chúng ta với lòng yêu mến và tin tưởng để Thiên Chúa có thể làm những việc lớn lao từ những món quà của chúng ta. Giả như cậu bé đó không đóng góp 5 chiếc bánh và hai con cá thì Chúa cũng đã không thể làm phép lạ. Cậu bé đã đi theo, nghe và thấy Chúa Giê-su làm nhiều điều lạ; do đó rất có thể đức tin đơn sơ của cậu bé đã khiến cậu dám trao 5 chiếc bánh và 2 con cá của mình cho Andre để trao cho Chúa Giêsu. “Cháu có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Xin ông hãy đưa cho Chúa.” Bởi vì cậu bé đã dám dâng tặng bánh và cá để Andre trao cho Chúa Giê-su, nên Chúa có thể làm phép lạ nuôi ăn cho hàng ngàn người. Đôi khi Chúa Giê-su cũng thử thách chúng ta xem chúng ta tin mình hay tin vào Chúa. Philiphe tin vào mình. Andre cũng tin vào sức người. Chỉ có chú bé có thể đã tin vào quyền lực của Chúa. Cách chúng ta đối phó với các tình huống hàng ngày trong cuộc sống và liệu chúng ta có dâng cho Chúa những món quà chúng ta có là câu trả lời cho thử thách này.

Thánh Thể

Bài học thứ ba cho tinh thần môn đệ là chúng ta được nói cho biết biến cố phép lạ làm cho bánh và cá hóa nhiều xẩy ra vào dịp Lễ Vượt Qua. Đây là yếu tố quan trọng và có nối kết với những biến cố khác trong Tin mừng Gioan về Lễ Vượt Qua. Ơn rượu mới ở tiệc cưới Cana (Ga 2:13) và việc cử hành Bữa Tiệc Ly (Ga 13:1) là hai biến cố có liên quan. Không phải tình cờ mà ba biến cố này có liên quan đến Lễ Vượt Qua (Rượu, Bánh và Bữa Tiệc Ly). Tất cả đều là những giờ phút của Thánh Thể. Tin mừng Gioan giới thiệu Thánh Thể như món quà trao đến trong đời sống và công vụ hàng ngày của Chúa Giê-su chứ không phải chỉ đơn giản là việc xẩy ra một lần trong Bữa Tiệc Ly. Sự giới thiệu này là để khuyến khích các môn đệ hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa nổi bật của việc đón nhận Thánh Thể trong đời sống mỗi ngày. Ý nghĩa nổi bật về Thánh Thể này được bày tỏ trong hai cách. Chúa Giê-su cầm lấy, Tạ ơn, rồi Bẻ ra và Chia 5 chiếc bánh và 2 con cá cho đám đông dân chúng và còn dư thừa.

Chúng ta cần nhớ là bốn động từ này rất ý nghĩa và chỉ được dùng trong bối cảnh Thánh Thể (Mc 14:22, Lc 22:19, 24:30, 1Cor 11:23-24). Bất cứ khi nào Chúa Giê-su dùng bốn động từ này ngưòi nghe đương nhiên biết là Chúa đang cử hành Thánh Thể. Điều này chỉ cho chúng ta cách đọc đoạn văn này. Thánh Gioan muốn chúng ta học biết điều chủ yếu về Thánh Thể cho nên ngài đã thêm vào chi tiết quan trọng: Biểu tượng 5 chiếc bánh và năm lần nhắc đến tên của Chúa Giê-su ở đây (câu 3, 5, 10, 11, 15). Sự nối kết tên của Chúa Giê-su và số bánh chỉ về sự nhận diện Chúa Giê-su là Bánh. Và khi Chúa Giê-su trao bánh cho dân chúng là Ngài trao ban chính Thân Mình Ngài cho họ.

Thỏa Lòng

Bài học thứ bốn dành cho các môn đệ là việc dân chúng được no nê. Đây là lần duy nhất trong Tin mừng Gioan nói cho chúng ta biết là dân chúng được hả lòng hả dạ. Ở đây thánh Gioan có ý nói nhiều hơn là sự no nê phần xác; nhưng ngài muốn nói đến sự ham muốn trong lòng mà chỉ có Thiên Chúa mới làm chúng ta mãn nguyện. Chỉ Chúa Giê-su mới có thể làm cho chúng ta no thỏa qua việc làm cho bánh và cá hóa nhiều trong Bí Tích Thánh Thể. Khả năng độc nhất này của Thiên Chúa làm cho chúng ta thỏa lòng được thánh Augustino diễn tả cách tuyệt vời, “Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa, Ôi lạy Chúa. Lòng chúng con sẽ không nghỉ yên cho đến khi tìm được sự yên nghỉ trong Chúa.” Lòng chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa và chúng ta trở nên buồn chán và không hài lòng khi chúng ta cố gắng lấp đầy lòng mình với những thứ khác không phải là Chúa.

Đoạn văn Tin mừng này cho chúng ta biết là Chúa Giê-su muốn làm cho chúng ta được no thỏa giống như Ngài đã làm cho đám đông dân chúng no thỏa khi xưa. Chúa muốn đưa chúng ta đi sâu hơn vào sự hiểu biết của đức tin, nhờ đó chúng ta có thể nhận biết sự hiện diện và việc làm của Ngài ở thế gian. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống với Ngài khi chúng ta dâng hiến chính mình hầu Ngài có thể chia sẻ chính sự sống của Ngài với chúng ta trong Thánh Thể. Khi chúng ta tìm làm giải khát và no thỏa ở công thành danh toại, ở sự tiêu khiển, nơi các mối tình nhân loại, địa vị, của cải, thú vui thì chúng ta vẫn không no thỏa và còn trống rỗng. Thông điệp Tin mừng hôm nay là Tin mừng chân thật cho người môn đệ có sự đói khát nhiều hơn – cái đói khát đó là lời mời gọi đi sâu hơn vào mối liên hệ yêu thương với chính Thiên Chúa.

Bài học thứ năm được trình bày qua lệnh truyền của Chúa Giê-su cho các môn đệ khi Chúa nói, “Hãy thu lại các mảnh vụn còn dư, để khỏi phí phạm.” Đáp lại lời của Chúa, các môn đệ đã thu lại được 12 thúng đầy. Hai điểm quan trọng trong việc thu góp này. Thứ nhất, từ ngữ được dùng là “các mảnh vụn.” Đây cũng là từ ngữ được các Kito hữu ban đầu dùng để nói về những mảnh vụn của Thánh Thể. Ngày nay chúng ta cũng thu những mảnh vụn hoặc những Bánh Thánh còn dư lại và cất giữ trong nhà tạm. Giống như Giáo Hội ban đầu, chúng ta cũng tôn kính Thánh Thể như món quà muôn đời của Chúa Giê-su. Chúng ta cất giữ trong nhà tạm để chầu, cầu nguyện, và để phân phát cho những người đau yếu không đến nhà thờ được. Làm như thế là chúng ta thi hành lệnh truyền của Chúa và tỏ lòng tôn kính Thánh Thể. Thêm vào việc cất giữ Bánh Thánh còn dư lại trong nhà tạm, chúng ta cũng tỏ lòng tôn kính các Bánh Thánh dư lại bằng việc đặt những khăn thánh trên bàn thờ tránh không để cho các mảnh vụn hay máu thánh rơi rớt.   

Thứ hai, 12 thúng được hiểu ngay là việc khôi phục 12 chi họ Israen. Việc thu góp những mẩu bánh dư không phải chỉ là để tỏ lòng tôn kính Thánh Thể, Dân Mới của Thiên Chúa được thiết lập và Giáo Hội được thành hình. Từ ngữ mà Chúa Giê-su dùng khi Ngài truyền cho các môn đệ thu góp lại cũng là từ ngữ được các tín hữu ở thế kỷ thứ nhất và thứ hai nói về việc cộng đoàn Giáo Hội tụ họp lại với nhau. Từ ngữ này chỉ được dùng trong Tin mừng Gioan về việc làm cho bánh và cá ra nhiều cho biết tác giả có ý nối kết việc thu góp với việc hình thành của Giáo Hội. Những nhân vật trong câu truyện bắt đầu đến với Chúa Giê-su bởi vì họ thấy những việc lạ lùng Chúa Giê-su làm.

Chúa Giê-su muốn chúng ta cùng tụ họp lại quanh Ngài với lý do sâu xa hơn về đức tin. Chúa sẽ thu gom tất cả mọi người đến với Ngài khi Ngài bị treo trên Thập giá, và việc tụ họp đó tiếp tục qua việc chúng ta tham dự vào cái chết và sống lại của Ngài khi cử hành Thánh Thể. Để được thu gom tụ họp lại với Chúa Giê-su, các môn đệ phải tiến tới sự hiểu biết sâu xa trong đức tin để giúp họ nhìn nhận bách và rượu thực là Mình và Máu của Chúa Giê-su (Ga 6:33-57). Khi chúng ta cùng chia sẻ Thánh Thể với ý thức và lòng tin yêu kính mến, là chúng ta được qui tụ lại với Chúa Giê-su giống như những mẩu bánh được thu gom lại trong rổ - lúc đó Giáo Hội được thành hình. Quyền lực của Thánh Thể trong việc thiết lập Giáo Hội như Mầu Nhiệm Thân Thể của Chúa Kito cũng được thánh Augustino dạy khi ngài nói, “Hãy là cái bạn có thể thấy và hãy đón nhận cái bạn là.”

Linh Mục Trần Đình Khả

 
114.864864865135.135135135250