Capharnaum, ngày…tháng…năm…
Các bác thân mến,
Các bác đã theo Thầy từ bao lâu rồi? Nếu con không lầm thì từ khi ở trong hoang địa, nơi đã được Thầy làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, tới đó “được ăn, được nghe, được gói mang về” và phải chăng vì lý do đó mà hôm nay các bác lại cất công đi tìm Thầy, lại còn sắm hay thuê cả chiếc thuyền mà đi tìm cho bằng được chỗ Thầy ở? Thiên chí của các bác đáng khen nếu đó là sự thành tâm. Nhưng đâu là động lực thực sự để các bác tìm đến đây? Những người có văn hóa, rất lịch sự, vừa đến gặp Thầy liền chào hỏi xã giao: “Thầy đến đây bao giờ vậy?”.
Thầy thấy tận tâm can các bác nên nói thẳng, mọi người đến đây tìm Thầy không phải vì thấy dấu lạ mà là vì được “ăn uống thỏa thích miễn phí”. Điều đó không xấu, bởi con người có quyền được hưởng điều người khác ban tặng. Nhưng điều lớn nhất, quan trọng nhất khi làm phép lạ, là để các bác thấy và tin vào Ngài. Ngài không phải là con người bình thường như những người đồng hương nhận định “ông ấy là bác thợ, con bà Maria…”, nhưng Thầy là Chúa, là Đấng Messia mà mọi người mong đợi, Thầy đến không chỉ cho bánh mì ăn rồi lại đói, sống hôm nay mai cũng phải chết, nhưng là lương thực nuôi linh hồn để có sự sống vĩnh cửu thì các bác lại không tin, nên câu trả lời của Thầy như lời trách : “Các ông đến tìm Tôi không phải vì dấu lạ mà là đã được ăn bánh no nê”.
Thầy muốn các bác phải ra công làm việc, đừng lười biếng ngồi đó chờ của bố thí, không những làm để có lương thực hôm nay mà còn là lương thực trường tồn. Nhưng con người có thể sản xuất “lương thực trường tồn” chăng? Các bác không nhìn nơi dấu lạ “bánh” trước đó đã ăn và “rượu” trong tiệc cưới Cana, “nước” mà người phụ nữ Samarie xin Thầy, là dấu chỉ hé mở cho thấy mầu nhiệm về bản thân Ngài sao? Thầy nói phải “làm việc”, các bác nghĩ đến công việc tay chân, hay cùng lắm nghĩ đến việc giữ lề luật là được cứu độ. Không lẽ đạt được sự sống đời đời bằng sức riêng của các bác là chu toàn một số luật buộc? Thầy không dấu cũng chẳng nói xa xôi, việc phải làm xem ra khá đơn giản đó là “Tin vào Đấng Người đã sai đến”.
Đòi hỏi đơn giản nhưng cũng căn bản cho mọi quy định của lề luật, hãy nhìn vào các việc Thầy làm mà thấy công việc của Thiên Chúa, việc Ngài làm là ngọn, còn tin vào Ngài mới là gốc, Ngài chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, nghĩa là phát xuất từ Thiên Chúa. Thay vì tin, thì các bác lại ham các bằng cớ nắm bắt được để kiểm chứng nên đòi hỏi “ông làm được dấu lạ nào để chúng tôi tin ông?”. Câu hỏi làm phật lòng Thầy, các bác chỉ thấy bánh hóa nhiều là được, không đọc được dấu chỉ từ đó, hay nói đúng hơn cánh cửa lòng đã khóa và chìa đã cất đi thì dù có dùng kiềm búa cũng chẳng mở được cửa; chứng kiến đến bao nhiêu phép lạ cũng không thể đưa chúng vào lòng được, vì tất cả cánh cửa đức tin đã niêm phong, các bác đang đặt vấn đề về uy tín Thầy Giêsu, nghĩa là ít ra cũng phải ngang bằng Môsê là người đã nuôi dân trong sa mạc 40 năm, các bác cũng muốn khoảng thời gian đó rồi mới tin sao? Thầy không trách các bác đòi phép lạ, nhưng phép lạ đã quá nhiều mà không tin vậy còn đòi bao nhiêu nữa? Các phép lạ chỉ có thể đưa đến ngưỡng cửa của đức tin nhưng tự chúng không đủ, bởi nếu bị liên kết với các lý do duy lý, đức tin sẽ không đi xa hơn lý trí.
Thêm nữa, vì đức tin chịu ảnh hưởng các ấn tượng thì những dấu chỉ không cần thiết cho hành vi tin như câu chuyện của Tôma (Ga 20, 29). Bánh được ban trong dấu lạ trước đó là cách thế chỉ bản thân Thầy Giêsu và Ngài nói cách công khai. Hai đường thẳng song song không gặp nhau: các bác chẳng quan tâm mà cứ tiếp tục mơ một thứ bánh ăn hàng ngày mà không phải tốn tiền mua, tốn công sức sản xuất. Còn Thầy Giêsu lại công bố rằng Ngài là “Bánh trường sinh”, ban một lần cho mãi mãi, ăn thứ bánh đó sẽ sống đời đời. Các bác và đám đông đã được ăn no, nhưng tự nó không có giá trị và cũng chẳng đưa đến đức tin nếu con người không mở lòng, không đón nhận lời giáo huấn của Thầy. Ngài không muốn biến mình thành thợ bánh mì còn các bác bị thất nghiệp và chết đói. Các bác phải cộng tác với Thầy đó là tin và hành động chung với Ngài.
Đòi hỏi của các bác làm con suy nghĩ: hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta rõ ràng, nhưng con người thường tìm cách từ chối và đòi hỏi hơn. Thiên Chúa muốn yêu mến và con người đáp trả bằng tự do; Ngài âm thầm mời gọi, cho dấu chỉ để ta tin. Các bác và con cùng để Ngài đi vào cuộc đời, trong thinh lặng cầu nguyện để nhận ra và nhất là mềm dẻo để Ngài uốn nắn bởi Ngài thích nói với những con tim bằng những dấu chỉ kín đáo, để trong sự tự do ta vẫn còn có thể khước từ tiếng gọi của Ngài. Bởi Ngài yêu ta bằng tình yêu tự hiến nên cũng muốn ta đáp lại bằng tất cả sự tự do và yêu mến vô điều kiện như Ngài.
Kính chào,
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.