28/04/2024 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

483
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật tuần V Phục Sinh - B (Sr Thùy Dung)
Chúa nhật 5 Phục Sinh
Ga 15,1-8

Cành Nho và Cây Nho

Cành nho hạnh phúc khi Cây nho cưu mang trên thân Cây, chúng tươi cười trước gió, đón ánh nắng mỗi buổi sáng và ngắm trăng vào những đêm thanh, cuộc đời màu hồng xem ra thật an nhàn thư thái! Thân Cây phải chịu sức nặng của các Cành, nếu có bão tố Cây cũng phải hứng chịu gấp bao nhiêu lần sức nặng của Cành và của mưa bão, tuy nhiên những lá Cây cũng chịu dập nát khi mưa to gió lớn hay… nhưng bao nhiêu mệt nhọc, thân Cây đã chịu phần lớn nhất. Thân phải luôn tìm thức ăn để nuôi cành lá, với mục đích sẽ mang lại hoa trái. Nếu các Cành chỉ sống, ăn không ngồi rồi thì sẽ trở thành vô ích và có ngày sẽ “bị chặt đi và quăng vào lửa,” vậy khi được thân Cây cưu mang, phần các Cành cũng phải đóng góp vào đó cho Cây, vậy mới trở nên trọn vẹn và điều trọn vẹn nhất là đâm bông, kết trái. Để được như vậy, Cành phải gắn liền với Cây, đừng nghĩ rằng rời Cây sẽ được tự do, được hạnh phúc bay bổng đây đó! Không! Một khi rời Cây thì Cành sẽ chết bởi không còn nhựa sống, có thể còn tươi tỉnh một chút, vui tươi một chút khi mới lìa thân, nhưng có nắng lên, Cành sẽ chết khô bởi không còn ăn lương thực từ thân Cây. Vậy đó, công việc của Cành là trung thành, ở lại, gắn liền với Cây và sinh hoa trái. Hoa trái vừa tô điểm cho đời thêm đẹp, vừa nuôi sống chính bản thân nhờ công sức mình làm ra, vừa để chia sẻ hoa thơm trái tốt cho người khác.

Các Cành có đó không phải để trang điểm cho Cây nho, nhưng chính các Cành mang hoa trái là chứng tỏ sức mạnh của Cây. Tuy nhiên, một cây um tùm, cành lá xum xuê có thể không sinh trái vì lá đã ăn hết nhựa, nên phải cắt tỉa bớt lá, phải bỏ đi những nhánh phụ, chúng không làm được gì chỉ ăn hại thân cây, chưa kể là chỗ dựa cho sâu bọ đến trú ẩn làm hại chính cây và cành. Nhưng việc cắt tỉa sẽ đau đớn, một cây kim đâm vào tay đã làm đay đớn, huống chi cắt đi một phần của thân thể, nhưng nếu cắt bỏ phần đã hư hoại là cần thiết để mang lại điều tốt hơn thì dù đau đớn cũng phải làm!

Các Cành được liên kết với Cây nho đó là khi lắng nghe và đón nhận lời dạy bảo của Cây, chính lòng tin gắn bó với lời giáo huấn của Cây đã kiên kết Cành với Cây. Cành phải ở lại với Cây, nghĩa làm bám chắc nhưng năng động vào những gì đã được ban trong quá khứ, nắm lấy nó trong hiện tại và nhìn tới tương lai theo chiều hướng của nó. Cành phải ở lại trong tình yêu, trong ánh sáng mặt trời, trong nhựa sống của Cây. Do trung thành, Cành gán bó cuộc đời với thân Cây và sẽ có sự sống mãi mãi, sự trung thành này hàm ý một sự tương giao năng động và sự hiểu biết tiệm tiến.

Cành không bao giờ cô đơn nếu luôn gắn liền với Cây, nếu Cây chết đi, Cành cũng chết theo, nhưng Cây chết đi để làm phát sinh nhiều cây mới thì Cành cũng được hồi sinh như vậy và sống tròn đầy viên mãn hơn! Bởi nếu như hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình, một khi chết đi sẽ làm sinh nhiều bông hạt khác, Cành mà gắn với Cây, Cây sẽ chết đi để làm phát sinh nhiều cây khác, Cành cũng sẽ được triển nở hơn và sinh nhiều trái hơn, đời tươi hơn, cuộc sống viên mãn và trọn vẹn hơn.

Ai ở lại trong Cây nho thì sinh nhiều hoa trái và sự gắn kết với Cây càng thêm khăng khít hơn. Trong một đoạn văn, tác giả nhắc đến ba lần “mang lại hoa trái,” vậy không thể sống bám vào thân Cây, nhưng công việc làm là “sinh hoa trái” và sinh nhiều, để được vậy không gì khác hơn là ở lại và ở trong thân Cây. Sinh hoa trái là phải kết hợp với Cây, Cành nào không sinh hoa trái phải chặt đi, để nhường chỗ cho các Cành khác hữu dụng hơn. Các Cành mang hoa trái cũng phải chịu cắt tỉa để đẹp hơn, tốt hơn. Cành khỏe mạnh là do thường xuyên hút nhựa sống từ Cây, sẽ sinh hoa trái dồi vào và đó là cách tôn vinh chính thân Cây mà Cành gắn bó.

Tóm lại, giữa Cây và các Cành có sự gắn kết thâm sâu, hiệp thông thường trực, đồng thời cũng nêu bật dây liên kết trong việc sinh hoa trái. Không có Cây, các Cành không thể tồn tại, không thể làm gì được, ý thức điều này, việc gắn bó và ở lại trở thành điều quan trọng nhất. Khi sinh hoa trái, Cành đã đạt được mục tiêu đời mình, khi ở lại cùng thân Cây, Cành sẽ được nuôi dưỡng bằng giáo huấn, gương sáng, lời ân sủng và cây ban chính nhựa sống mình để nuôi Cành. Tuy nhiên có khi thấy việc gắn bó là ép buộc, mất tự do nên muốn bỏ thân Cây để đi một nơi khác, Cành sẽ được đem về và ghép lại, cắt tỉa, sẽ làm đau đớn. Nhưng cuộc đời mà không hy sinh, không thử thách, không gian nan thì xem ra lại trở nên vô vị, chẳng có công gì đáng được hưởng. Vậy cứ gắn bó chặt chẽ với thân Cây, nuôi dưỡng mình thêm bằng nhựa và vững vàng can đảm vì nhìn tới các hoa trái đầy hứa hẹn sẽ là động lực giúp vượt qua chướng ngại và chấp nhận từ bỏ dù phải đau, nhưng nỗi đau này có ý nghĩa và mang giá trị cứu độ.
Cùng hiệp thông trong Cây và các Cành khác!

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.
114.864864865135.135135135250