Các con thân mến,
Nay, trong trạng thái hoàn toàn minh mẫn, tự do, không bị bất kỳ áp lực nào, Thầy viết di chúc này để lại cho các con :
Nhà đất: «Nước Thiên Đàng »
Bảo hiểm xã hội: “ Ở lại trong tình thương của Thầy ! »
Sổ tiết kiệm: «Yêu thương nhau như Thầy yêu thương!»
Các tài sản khác: “Tin, Hy sinh, Giữ Giới Răn…”
Người thừa kế: Tất cả các con.
Bảo hiểm xã hội: “ Ở lại trong tình thương của Thầy ! »
Sổ tiết kiệm: «Yêu thương nhau như Thầy yêu thương!»
Các tài sản khác: “Tin, Hy sinh, Giữ Giới Răn…”
Người thừa kế: Tất cả các con.
Người ta thường làm di chúc khi sắp lìa đời, hoặc khi về già thấy «gần đất xa trời,» lời đó thường hàm chứa những chỉ thị cuối cùng, quan trọng và cần thi hành. Hôm nay Thầy sắp đi đâu mà để lại di chúc cho các đồ đệ? Nếu các bác ấy biết trước sẽ rất hổi hộp, không biết mình được căn nhà bên bờ biển hay chiếc xe Rolls-Royce. Hoặc chia chức vụ thì lớn làm chủ tịch nước, nhỏ cũng làm bộ trưởng này nọ…Thế nhưng Thầy lại không bắt đầu bằng việc liệt kê tài sản hay chức vụ mà lại nói toàn về tình yêu. Điều trừu tượng quá, có ai thấy tình yêu như thế nào đâu ! Thầy cũng chẳng cho định nghĩa về tình yêu mà chỉ cho thực tế là Chúa Cha yêu Thầy như thế nào thì Thầy cũng yêu các đồ đệ như vậy. Lời Thầy nói cô đọng, tràn ngập trong trí, dường như bị nghẹt thở bởi lời lẽ chân tình, thực tiễn và hành động như sờ được tình yêu đó! Thầy ký thác bí mật cuối cùng và quan trọng nhất đó là trái tim yêu thương của Thầy.
Yêu là gì, hình dáng ra sao chẳng ai biết, chỉ biết Thầy yêu thế gian đế độ chết cho họ và chỉ thế thôi, chẳng có lời giải thích nào hơn ! Tình yêu của Thầy cũng chính là của Chúa Cha, vậy di chúc hôm nay là của hai người và là di chúc quý giá nhất. Chắc chắc nếu được chọn một bên là lâu đài lộng lẫy có vườn cây ăn trái xum xuê, một bên là «Tình cho không biếu không,» con sẽ chọn lâu đài. Di chúc của Thầy lạ quá ! Đã vậy còn nói «hãy ở lại trong tình yêu của Thầy». Ở lại nghĩa là gì? Tình yêu có nơi chốn hay sao mà ở lại? Ở thì ở đâu? Không lẽ chui và tim Thầy và ở lại đó sao ? Câu hỏi này rơi vào tư tưởng của Nicôđêmô «già như tôi lại chui vào bụng mẹ mà sinh ra một lần nữa sao?». Ôi ! Thầy phải giải thích chứ không hiểu lầm là chắc !
Có hai so sánh về tình yêu nơi đây:
Chúa Cha yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Đây không phải là tình ủy mị mà là tình yêu trao hiến: Chúa Cha yêu Thầy nhưng vẫn hy sinh điều cao quý nhất để hiến tặng Thầy cho thế gian, chẳng còn tình nào cao hơn được, Con không hiểu chiều sâu vô hạn của mối tình này, chỉ biết rằng Chúa Cha yêu mến Thầy và yêu tất cả những ai còn thuộc về thế gian. Tình yêu của Cha trong quá khứ với Thầy, giờ chạm đến chúng con «Thầy cũng yêu mến anh em». Thầy thuộc về Chúa Cha trong mọi sự, giờ Thầy cho thấy Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu, Thầy đã từ Chúa Cha mà đến thế gian, Thầy vẫn ở an toàn trong tình yêu đó và ban tặng cách trọn vẹn cho thế gian. Tinh yêu vâng phục và trao hiến của Thầy với Chúa Cha chính là nền tảng và điển hình cho cuộc sống người môn đệ. Chúng con phải để cho Thầy và Chúa Cha yêu thương, không gây một cản trở nào cho tình thương ấy, nghĩa là ở lại trong các Ngài, là giữ các giới răn của Thầy, mà tóm lại cũng chỉ hai chữ «yêu thương».
«Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em» Thầy ơi, Giáo Hội là một cộng đồng yêu thương, bởi tất cả ở trong Thầy và để cho Chúa Cha và Thầy yêu thương, từ đó tình thương lan tỏa cho người khác, như một luồng điện phát xuất từ nguồn và chuyển tải đi khắp nơi cho đến lúc phát sáng nơi bóng đèn. Tình yêu của hai Đấng là nguồn cội, để từ đó kín múc và chuyển trao cho anh chị em. Di chúc của Thầy là các môn đệ cũng phải yêu thương nhau; «phải» vì đó là giới răn, nhưng cũng là nhu cầu, tình yêu đón nhận không thể chỉ để cho bản thân mà cần trao ban. Nếu các đồ đệ yêu thương như Thầy đã yêu thì sẵn sàng thực hiện hành vi hy sinh tối hậu. Từ di chúc này, đồ đệ không còn là tôi tớ mà trở thành bạn hữu, như Môsê là «bạn hữu» của Chúa (x. Xh 33, 11) và bạn hữu của hoàng đế chính là cố vấn của ông, vậy Thầy cũng muốn tỏ cho mỗi người biết tất cả và muốn họ làm việc với Thầy để thực hiện chương trình của Thầy. Thầy không như các rabbi, chờ các môn đệ đến tìm thầy học đạo, còn Thầy lại chọn môn sinh, huấn luyện và sai đi và sinh hoa trái, nhưng hoa trái đó chỉ có thể được khi thi hành lời di chúc của Thầy « Hãy yêu thương nhau ! ». Tình yêu đó không được đóng kín trong một gia đình, một cộng đoàn, một Giáo Hội, nhưng cần làm lan tỏa, cần ra đi và trao ban, vươn ra với thế giới bên ngoài để từ đó, sẽ trở thành một thế giới hoàn hảo của thời cánh chung «hòa bình sẽ trải rộng đến muôn dân».
Thầy nhắc lại «điều răn» bốn lần trong bài giảng ngắn, vì «yêu thương» là một tuyệt đối mà không ai đặt thành vẫn đề bởi mọi người từ đó phát xuất ra và đây là mối bận tâm duy nhất của người môn đệ thuộc về Thầy và là những người thừa kế gia sản trong di chúc của Thầy.
Người môn đệ là một mắt xích trong sợi dây tình yêu, bắt nguồn từ Chúa Cha, sang Thầy và sang mỗi người. Vậy sẽ không còn cuộc sống cô lập mà là sự hiệp thông thánh thiêng và có lẽ cũng không cần tìm để sở hữu chút tiện nghi, chức vụ, vinh quang. Sống trong dây tình yêu này thì chỉ còn là những người bạn an nhiên sống và hành xử trong tình yêu Chúa Cha.
Cảm ơn di chúc của Thầy, xin giúp chúng con đón nhận và thi hành di chúc đó!
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.