18/10/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

488
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX TN - A (Sr Thùy Dung)

Giêrusalem, ngày…tháng…năm…

Các vị Pharisêu đáng kính,

Các vị là những bậc thầy, thầy về kiến thức (dạy, giải thích Lời Chúa và những tập tục tiền nhân), thầy về gương sáng (nếu làm đúng chức vụ, các vị là những “gương lành lôi kéo” bởi các vị sống điều các vị dạy). Tuy nhiên, trước mặt Thầy Giêsu, hình như các vị không làm đúng trọng trách của mình. Điều đáng tiếc là các vị không đứng về phía Thầy, phải chăng Thầy thẳng thắn nhiều lần nói các vị là “ba voi không được bát nước xáo”
[1] nên các vị không ưa?

Sao hôm nay các vị lại tìm mọi cách gài bẫy Thầy? Người đó có làm gì sai đâu? Hay tại hai đường lối khác nhau, hai cách suy nghĩ khác nhau, hai tính cách khác nhau để đi đến hai con đường hoàn toàn cách biệt mà không có điểm giao thoa? Thầy luôn đi bước trước đến với các vị, sao các vị không bước lại một bước cho gần Thầy để hiểu và tin?

Các vị đại diện cho thái độ không khoan nhượng về tôn giáo, nhất định không bỏ mất tự do của dân Chúa trước quyền Roma, các vị coi việc từ chối nộp thuế như một bổn phận tôn giáo. Sự thông minh tài trí của các vị rất đáng nể: câu hỏi hóc búa đặt ra cho Thầy: “Có được phép nộp thuế cho Xêda không? ” Tầm mức câu hỏi có tính quy thần, nghĩa là dưới mắt Thiên Chúa, dưới ánh sáng lề luật, có được phép nộp thuế không ? Nếu nói “có” dân chúng sẽ nổi giận vì Thầy theo ngoại bang mà hại đồng bào. Nếu nói là “không” thì sẽ là người chống chính quyền Rôma, không là công dân tốt. Sao các vị lại đặt Thầy vào tư thế lưỡng nan? Sao không đem luật mà các vị vẫn áp dụng ra để dạy và làm, cần gì phải hỏi Thầy? Câu hỏi không được đặt trên bình diện dân luật hay thời cơ chính trị, các vị không hỏi để biết mà là nhân cơ hội đó để hại Thầy.

Có lẽ Thầy rất buồn vì sự hiềm khích này, Thầy trả lời bằng những câu hỏi để chính các vị định lượng và tìm câu trả lời. Thầy hỏi: “Sao các người lại thử tôi? ” Thầy không phải là người nhu nhược hay mù quáng để các vị lường gạt, vì Thầy thấu hiểu tâm trí mỗi người và thẳng thắn nói điều thâm cung. Thầy lại hỏi đồng tiền có hình và danh hiệu là của ai? Các vị biết quá rõ đó là hình Xêda, vậy của ai trả người đó! Sự việc đơn giản nhưng sao các vị lại làm lớn chuyện vậy? Tuy nhiên, cần công bằng, nếu của Xêda trả cho ông ấy thì điều gì của Thiên Chúa, hãy trả cho Ngài!

Thầy không đặt hai thế lực bên cạnh nhau hay đối chọi nhau, mà chỉ muốn đặt các vấn đề vào đúng chỗ của chúng. Trả về cho con người điều gì của họ: tiền của, quyền lực…việc nộp thuế chẳng có gì là vô luân hay phạm thánh ; một khi nhận quyền hoàng đế trên dân tộc mình thì việc nộp thuế là đương nhiên, điều mà một công dân như các vị lẫn làm, sao nay đặt thành vấn đề ? Tại sao chỉ đặt vấn đề về thuế mà không hỏi về những đòi hỏi của Thiên Chúa và điều thuộc về Ngài? Trả về cho Chúa điều thuộc về Ngài nghĩa là sao? Trả lại những gì là của Ngài nghĩa là nhìn nhận Ngài là Chúa tể vạn vật, trả cho Ngài quyền được tôn kính, được tùng phục.

Vậy các vị vừa tôn trọng hoàng đế và chu toàn bổn phận của một công dân, vừa tôn trọng quyền lợi Thiên Chúa và tôn kính Ngài, chỉ có Ngài mới phải tôn thờ hết lòng, hết sức, hết trí khôn, và đó là điều phải trả cho Ngài. Làm được như vậy thì chẳng có câu hỏi như các vị đã đặt ra.

Con không trách cũng chẳng lên án các vị, chỉ tiếc là tri thức không đi cùng đức hạnh, tinh thần không vâng phục và lòng không trong sáng thì không thể tiến xa trên đường thánh thiện và không thể sống trong vương quốc tình yêu của Thiên Chúa được!

Suy nghĩ, hành động của các vị cũng nằm trong chính con người của con, con giống các vị nhiều thứ. Nhưng có lẽ các vị biết và con cũng xác tín rằng: Thầy luôn yêu thương, tha thứ và mời gọi mỗi chúng ta đến, học, sống và chia sẻ sứ vụ với Ngài.

 
Nt. Catarina Thùy Dung, OP.
 
[1] Thành ngữ việt nam.
114.864864865135.135135135250