Các Anh thân mến,
Mátthêu gọi các anh là “đầy tớ” đối lại với “ông chủ”, nhưng theo trình tự câu chuyện, các anh là trợ tá, cộng tác viên thì đúng hơn!
Ông chủ tin các anh cách tuyệt đối nên trao cho các anh tài sản của ông. Việc trao phó không đồng đều: người năm nén bạc, người hai nén và người một nén. Thấy con số 1 rất nhỏ, tưởng chừng không đáng kể, nhưng thực ra một nén bạc theo cách tính của người Hylạp khoảng 26 kg (x. 2 Mcb 3, 11) và một nén bạc bằng 6 đến 10 000 quan tiền mà một ngày công chỉ được có một quan tiền (x. Mt 20,2). Theo Antoine Nouis thì một nén bạc bằng khoảng 6 000 ngày làm công[1]; vậy người nhận ít nhất cũng nhận một tài sản khổng lồ.
Vấn đề thứ hai: phải chăng ông chủ thiên vị, giao cho người này nhiều, người kia ít? Vấn đề không nằm ở đây, việc ông làm là tôn trọng, quan tâm và biết khả năng từng người, vả lại việc ông phán xét cũng không đòi mọi người sinh lời giống nhau, nhưng chỉ cần sinh lời và sinh lợi như ta có thể.
Vấn đề thứ ba: hình như các anh hoàn toàn lệ thuộc ông chủ, phải chăng ông là người hà khắc, keo kiệt “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” như lời anh thứ ba nói? Anh này ngay từ đầu đã có tương quan sai lạc với chủ. Anh thấy ông là người cứng nhắc, anh trách ông gặt chỗ không gieo và sợ ông (25, 24). Anh nhìn nhận mình lệ thuộc ông, nhưng không quy phục với lòng tin tưởng và cần mẫn. Anh cảm thấy sự lệ thuộc của mình gay go và áp bức, tức giận với ông như với một kẻ bóc lột bắt kẻ khác làm việc cho mình.
Ông chủ tuy giàu có, nhưng dù vậy, không muốn để cho vốn của ông nằm đó, càng không muốn để cho đầy tớ chỉ biết nằm ngủ. Dường như điểm này là mối quan tâm chính của ông. Với tám nén bạc, ông có thể tự mình đưa đến ngân hàng hoặc đầu tư cách khác, ở đây ông lại muốn trao cho các trung gian là các anh. Ông đã bỏ lối xử sự bảo đảm hơn mà chọn cách phiêu lưu, mục đích để các anh chứng tỏ sự cần mẫn, chịu khó và biểu lộ sự gắn bó với ông.
Nét bất thường này cho thấy mục tiêu đầu tiên của ông không phải là lợi nhuận nhưng là xem xét các khả năng, sự sẵn sàng, óc sáng kiến nơi các thuộc cấp và cách làm đó cũng chứng tỏ thiện chí, năng lực của các anh. Chủ không muốn các anh chỉ là những kẻ lệ thuộc, nhưng là những cộng sự viên có lương tâm. Để thẩm đoán óc sáng tạo và chuyên chăm, ông không xác định cách thức các anh phải theo; mọi sự được phó thác cho sự chọn lựa của các anh.
Nếu ông phân phát các nén bạc tùy khả năng của từng người, là để cho mọi người có cơ hội làm ra một năng suất tối đa, chứ không phải thiên vị người này hay người kia!
Hai anh tốt lành bắt tay vào việc ngay, đã sử dụng của cải cách tương ứng với ý muốn của chủ. Các anh tuân theo các mục tiêu của ông và bảo vệ của cải lợi lộc cho ông. Cách làm này đã đưa lại hoa trái dồi dào. Còn anh thứ ba, anh nghĩ sao thì chủ xử với anh như vậy, anh không bao giờ nhận ra ông ấy quảng đại và tin anh. Anh không cộng tác, không chia sẻ, không ở với ông chủ, thì chính anh tự tách mình ra. Nếu ông chủ nói “quăng nó ra ngoài, ở nơi khóc lóc nghiến răng” thì không phải là hình phạt của ông mà là cách sống chính anh chọn lựa, anh đã không hiệp thông ngay từ đầu thì mãi mãi không bao giờ được ở trong và ở với !
Các anh là kiểu mẫu cho sự lựa chọn và trách nhiệm của mỗi người. Đời người chỉ một lần sống nhưng có nhiều cách sống, mong sao chọn lựa cho đúng và nhất là dồn hết tâm lực để sống cho trọn vẹn!
Nt. Catarina Thùy Dung, OP.
[1] Nouis, A. Le Nouveau Testament. Commentaire intégral verset par verset. Vol 1. Ed : Olivétan/Salvator, p. 191.