Sông Giođan, ngày…tháng…năm…
Thầy kính mến,
Sao Thầy lại chịu phép rửa của Gioan? Theo ông thì đó là phép rửa kêu gọi sám hối, mà ai phải sám hối? Đó là những người có tội, những người chưa đi trên đường ngay nẻo chính. Còn Thầy là Thầy, là Chúa, là Đấng vô tội, sao lại chịu phép rửa? Hèn chi Gioan nhất quyết từ chối không thực hiện, nhưng cách nào đó Thầy lại ép: "Bây giờ thì cứ vậy đã," Gioan bắt buộc phải rửa cho Thầy.
Điều mọi người thắc mắc cũng có lý do, vì Thầy không có tội, không cần rửa nhưng đã làm giống con người. Có câu hỏi đặt ra: phải chăng giả đò làm phép rửa? Không, Thầy chịu phép rửa thật, cả bốn sách Tin Mừng đều nói về chuyện đó, vậy ý nghĩa là gì?
- Các giáo phụ nói đó là để thánh hóa dòng sông Giordan, nhờ dòng nước Thầy thánh hóa mà con người được thanh tẩy.
- Hoặc là Thầy làm gương cho mọi người cùng theo, nhưng phải giải thích là con người chịu phép rửa vì có tội, còn Thầy làm để chứng tỏ Thầy đã chấp nhận làm người thì cùng nhận số phận với họ, dù không có tội. Thầy đã hạ mình sám hối, đền tội thay cho cả nhân loại.
- Cách giải thích khác là phép rửa Gioan, tiên trưng cho phép rửa của Thầy, phép rửa của Gioan không có giá trị cứu độ, Thầy xuống đó để mặc cho phép rửa của Thầy có ý nghĩa mới, có tính cách cứu độ.
Thầy nói với Gioan: "Bây giờ thì thế đã, vì chúng ta nên làm trọn đức công chính." Thầy muốn giữ trọn "đức công chính," nghĩa là sao? Người công chính là người muốn đẹp lòng Chúa, trung thành tuân giữ luật, thực thi điều Chúa muốn. Thầy muốn giữ trọn đức công chính vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, luôn đặt thánh ý Ngài lên trên và thực thi trong mọi hoàn cảnh, vậy chịu phép rửa là giữ luật. Công chính là hoàn toàn chấp nhận ý Thiên chúa, mang lấy ách của Ngài. Dù không có sự chuẩn bị cho phép rửa của Gioan trong luật Torah, nhưng câu trả lời của Thầy là con đường thừa nhận phép rửa như tiếng xin vâng vô hạn đối với Thiên Chúa, chấp nhận vâng phục luật của Ngài. Thầy đã gánh lấy tội của nhân loại, chấp nhận cái chết vì tội của họ. Thầy đi vào trong dòng nước là đi vào trong vực sâu sự chết, để khi đi lên Thầy được Thánh Thần như chim bồ câu hiện diện, có tiếng nói trừ trời và được Chúa Cha chính thức giới thiệu: "Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người." Thầy đến trần gian trở nên con người trong mọi chiều kích trừ tội lỗi. Một khi đã trở nên con người phải chấp nhận tất cả quy luật Dothái để làm gương cho họ, nhưng Thầy khác mọi người vì là Con của Chúa Cha, Ngài hài lòng về Thầy. Phải chăng Thầy là người "Tôi trung" mà Isaia loan báo? Người đó được Chúa chọn, hết lòng quý mến và đổ tràn thần khí; Người có sứ mạng làm sáng tỏ công lý trước mặt dân, thiết lập công lý trên khắp hoàn cầu, làm ánh sáng cho muôn dân, mở mắt cho người mù…Người mạnh mẽ trong mọi khó khăn nên không khuất phục cho đến khi thiết lập nền công lý.
Thầy đồng hóa với tội nhân, liên đới với họ. Khi nhận phép rửa xong thì màn trời xé ra, điều đó nhắc đến Is 63, 15-19, vị ngôn sứ xin Thiên Chúa "xé trời ngự xuống," nghĩa là chấm dứt tình trạng thinh lặng của Ngài và đừng cách xa dân. Xin Thiên Chúa mở lòng và lại tỏ ra là bạn hữu của nhân loại. Cuộc sống công khai của Thầy đánh dấu khởi đầu cuộc hòa giải giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, Thầy xé màn ngăn cách để con người được đến với Thiên Chúa.
Thầy chịu phép rửa bên bờ sông Giodan; dân Israel được Giôsua hướng dẫn qua sông này. Sau khi qua sông, ông được đầy thần khí của Thiên Chúa để có thể dẫn dân vào đất hứa. Với Thầy, vừa ra khỏi nước cũng nhận được thần khí cùng với quyền lực Thiên chúa để dẫn dân đến tự do.
Thầy xuống dòng sông như để hòa mình với dòng chảy của phận người, dù biết rằng dòng đời đó không êm ái như dòng sông không sóng gió, nhưng sự đi xuống này mang chiều kích căn bản đó là chỉ như thế mới kéo con người từ đáy vực thẳm tội lỗi lên. Mặt khác, thực tế, Thầy đã cúi xuống và đụng chạm đến từng mảnh đời cụ thể, cho dù đã rách nát, tê bại vì tội, để an ủi, chữa lành. Những lời rao giảng của Thầy không chỉ để khai mở cho lý trí về Nước trời mà còn là những thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố đời thường.
Cảm ơn Thầy đã đi xuống, ở lại và đem chúng con lên với Thầy, đó là hạnh phúc của người được thánh tẩy, được ở trong lòng Hội Thánh, nơi đó mọi người được trở thành con một Cha trên trời và là anh chị em với nhau!
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.