21/11/2020 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

846
Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua - năm A (Sr Thùy Dung)
 
 
Ai là chiên và ai là dê? Tại sao có sự phân tách này? Chiên hay dê, số phận đã được mặc định, sinh ra là chiên hay dê, không thể tự mình thay đổi, vậy tại sao chiên thì được ca tụng còn dê thì bị sa thải và chịu số phận bi thảm? Ai cũng muốn làm “giống nòi được tuyển chọn”, sinh ra trong gia đình danh giá, luôn là “ngôi sao sáng” nhưng đó lại là điều không được lựa chọn; phải chăng số phận đóng đinh mỗi người vào định mệnh của mình?

Hôm nay mọi người được triệu tập trước mặt Con Người. Cựu Ước cũng nói đến cuộc tập họp long trọng, đông đảo các dân trên thế giới tại cánh đồng Giôsaphát để chịu xét xử (x. Ge 4, 2), ở đây ta cũng gặp viễn tượng ấy, hình ảnh người mục tử nhân hiền, không phải với những cử chỉ nhân từ, thương xót (x. Xp 3, 19) mà là cảnh tượng hãi hùng, uy lực của Thiên Chúa đang triệu tập hết thảy trước mặt Con Người “đến trong vinh quang”. Ngài vẫn là mục tử “tách chiên với dê”, nhưng cũng là Đức Chúa oai hùng chủ tọa cuộc phán xét. Hôm nay Ngài ở trên ngai, tượng trưng cho vương quyền, các thiên thần đứng bên chứng kiến sự hiện diện uy nghi. Hôm nay, trong uy quyền của Thiên Chúa, Đức Giêsu thực hiện cuộc xét xử và lời tuyên án có tính vĩnh viễn, không thể hồi tố. Ngài tuyên án như Đức Vua đang thi hành quyền chúa tể vô song (x. Mt 25, 34.40). Một mặt Ngài oai hùng, uy nghiêm đáng sợ, đến để xét xử muôn dân; mặt khác Ngài hiện thân nơi người nghèo đói, khiêm tốn, bị áp bức, tù tội. Ngài đứng về phía những người đó và được coi là anh em của Ngài.

Trong ngày xét xử, mọi dân tộc đều phải đối diện trước mặt Chúa với những gì họ làm, từng cá nhân chịu xét xử. Tình hình xem ra căng thẳng và sợ hãi, nhưng thực ra lại rất gần gũi, thân thương và nhất là trong tòa án đó, bị cáo đối diện với thẩm phán là một Thiên Chúa tình thương.

Những ai phải lo sợ? Chẳng qua là những người đã chẳng nghe, chẳng sống, cũng chẳng kính trọng Thiên Chúa thì giờ phải đối diện với sự thật mà họ đã làm. Cuối cùng, Thiên Chúa không phán xét cũng không kết án, nhưng là lương tâm mỗi người, hành động mỗi người tự xét xử họ. Phần thưởng hay sự luận phạt không do Chúa định sẵn mà là do thái độ của mỗi người; và công việc đó xem ra đơn giản, vì chỉ dựa trên những gì đã làm hay không làm cho những người cuối cùng trong bậc thang xã hội. Ở đây, Đức Giêsu gọi những người nghèo hèn là “anh em bé nhỏ nhất”, nghĩa là những người cùng chia sẻ thân phận nghèo khó và khiêm tốn như Ngài, Ngài tự đồng hóa với người bé nhỏ, khiêm tốn và người yếu đuối là đối tượng được ưu ái chăm sóc (x. Mt 11, 28-30).  

Mỗi người xây dựng cuộc đời trong hạnh phúc hay bất hạnh ngày qua ngày. Không phải mọi người đã biết Đức Giêsu nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp gỡ Ngài, đó là nẻo đường “các việc từ bi thương xót”.

Việc làm giúp người khác cũng rất sơ đẳng, như cho ăn, uống, nơi ở, quần áo, thăm viếng trong tình trạng bệnh tật hay tù tội. Chúa không yêu cầu điều cao siêu bất khả thi, nhưng những việc vừa sức và phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh.

Chúa làm vua và xét xử trên những gì ta làm hay không cho người xấu số, bần cùng, nhỏ bé nhất. Ai muốn làm “chiên” thì dấn thân phục vụ anh chị em và được gọi là “ người được Cha Ta chúc phúc ”, phần thưởng là “vương quốc vĩnh cửu”.

 
Nt. Catarina Thùy Dung, OP.










 
114.864864865135.135135135250