02/06/2024 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

810
Suy niệm Tin Mừng Lễ Mình Máu Chúa - B (Lm Jn Trần Đình Khả)

THÁNH THỂ CHỮA KỲ THỊ
 

Chủ thuyết Phê Bình Chủng Tộc (Critical Race Theory) được một số người ủng hộ muốn đưa vào chương trình giáo dục ở Hoa Kỳ và đang gây nhiều tranh luận sôi nổi.

Chủ thuyết phê bình chủng tộc là một quan điểm thuộc lãnh vực học thuyết đã xuất hiện khoảng 40 năm nay. Ý tưởng chính của học thuyết này cho rằng vấn đề phân biệt chủng tộc là do cấu trúc hệ thống xã hội; nó không chỉ là một sản phẩm của thiên vị hay kỳ thị cá nhân, nhưng nó cũng được nằm trong các tổ chức và chính sách thuộc công luật ở Hoa Kỳ.

Câu hỏi nhiều người đang đặt ra là: Có phải chủ trương kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ đã làm ra những chính sách hay sự chia rẽ bất đồng khiến cho những người da mầu chống lại người da trắng? Làm thế nào để xóa đi sự kỳ thị phân biệt chủng tộc?

Chính phủ và các vị lãnh đạo các tôn giáo đều nỗ lực trong việc tránh kỳ thị chủng tộc. Thiện ý trong các chính sách công của chính phủ trong mấy thập niên qua đã giúp nhiều người nhận thức về vấn đề này thí dụ như chủ trương không cho phép phân cách lãnh thổ cư trú, khu nhà đắt giá cũng phải có những căn nhà nhỏ cho những người lợi tức thấp hơn, hay tranh đấu để học sinh các trường học không bị thiệt thòi vì thiếu các phương tiện giáo dục đồng đều với những khu vực giầu có sung túc, rồi các xung khắc đè nặng khác của chính sách hình luật, phong trào đòi đền bù cho những người Mỹ da đen thừa hưởng sự thiệt thòi của di sản nô lệ . . .

Nhưng câu hỏi đặt ra là chính phủ có khả năng đến đâu để sửa lại những cái sai liên quan đến kỳ thị chủng tộc ở quá khứ?

Liệu các chính sách công của nhà nước có làm tan hết sự kỳ thị chủng tộc và mầu da?

Trưởng Chánh án Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, ông John Roberts nhận định: “Cách để chấm dứt sự kỳ thị chủng tộc là ngừng các phân biệt dựa trên chủng tộc.” Cố Chánh án Ruth Bader lại nói, “Thật rất khó để tôi thấy làm thế nào bạn có thể có một vấn nạn về chủng tộc mà lại không có một phương tiện thuộc về chủng tộc để đạt tới.”


Đố Kỵ

Có câu truyện kể:

Sáu người bị kẹt trong một hang động tối và lạnh. Mỗi người có một cây gậy. Đống lửa sưởi ấm trong hang đang tắt dần vì hết củi đốt.

Người thứ nhất là một phụ nữ quyết định giữ kỹ cây gậy của bà, vì bà thấy một trong những khuôn mặt của 5 người chung quanh bà là một người da đen.
Thứ đến là một người đàn ông. Ông thấy một người trong nhóm không cùng tôn giáo với ông, và do đó ông không thể hiến cây gậy của ông để làm củi đốt sưởi được. Ông quyết định giữ lại.

Người thứ ba nghèo và áo quần rách tả tơi. Ông kéo chặt cái áo khoác cũ vào người và thầm nghĩ, “Tại sao ông lại phải hiến cái gậy của ông để làm củi đốt sưởi ấm cho cái anh chàng nhà giầu ăn sung mặc sướng kia chứ?”

Người thứ tư chính là người giầu có đó. Ông ngồi tựa lưng vào vách tường, tưởng nghĩ đến những của cải và gia sản ông đang có, và tìm cách bảo vệ tài sản ông đã thu góp được để không bị những người túng nghèo vì lười biếng nên mãi mãi vẫn nghèo, loại người chỉ ăn bám xã hội.

Người da đen, khi ánh lửa heo hắt chiếu qua gương mặt, mang tâm sự thù oán, bực tức, hậm hực và ông nghĩ đây là cơ hội để ông trút sự khinh dể của ông đối với người da trắng. Do đó ông không nhất định hiến cây gậy để đốt lò.

Người sau cùng trong nhóm là một người chỉ chuyên tìm ăn của người khác, chủ trương có đi có lại chứ không bao giờ tự ý cho đi cái gì. Do đó không ai hiến gậy thì ông cũng chẳng dại gì mà hiến cây gậy của ông để đốt cho lò cháy sáng.


Cuối cùng thì tất cả các cây gậy của năm người vẫn được giữ chặt trong cánh tay chết khô của họ. Đây là bằng chứng tội lỗi của loài người. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài, nhưng họ chết vì sự giá lạnh tự trong lòng. 

Ngày xưa thì người da trắng kỳ thị người da mầu. Ngày nay thì chủ thuyết Phê Bình Chủng Tộc lại chủ trương cổ động người da mầu đứng lên chống lại người da trắng. Da trắng, da đen, da vàng, da nâu, da đỏ da gì thì da đều là con người. Chỉ vì người ta còn chưa nhận ra nhau là anh chị em; người ta chưa muốn ngồi cùng bàn ăn như một gia đình, cho nên vẫn còn phân biệt kỳ thị chủng tộc, mầu da hay phe phái.


Chúa Chia Sẻ

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo long trọng mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Lễ Mình Máu Thánh Chúa thực hành lời truyền dạy của Chúa Giê-su: “Chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.”  Việc này là việc Hiến Tế của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hiến mình để trở nên Bánh làm lương thực ban sự sống, và máu trở nên Rượu làm của uống để giải khát cõi lòng của con người. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng Thánh Thể cần thiết và quan trọng cho đời sống của chúng ta.

Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Bữa tiệc ly không những tưởng niệm các biến cố giải cứu dân Chúa thoát vòng nô lệ của Ai-cập, nhưng còn cho phép dân Chúa chia sẻ bữa ăn vượt qua bằng thịt chiên trực tiếp tham dự vào các biến cố giải cứu này. Chúa Giê-su tái định nghĩa bữa tiệc Vượt Qua của truyền thống Do thái và cho nó một ý nghĩa mới, và Ngài nói bánh và rượu là Thân Thể của Ngài bị đánh dập và Máu của Ngài được đổ ra; chính Ngài là Con Chiên bị sát tế. Điều này ám chỉ về Thập giá. Chia sẻ trong bữa tiệc này là nghi lễ chia sẻ trong sự hy sinh trên Thập giá và cái Chết của chính Chúa Giê-su. Thánh Phaolo nói về ý nghĩa của Thánh Thể “Khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho đến khi Ngài trở lại” (1Cor 11:26). Cái chết của Chúa có mục đích cứu chuộc và hoàn hảo hóa vai trò của con chiên trong truyền thống bữa tiệc Lễ Vượt Qua. Cái chết hiến tế của con chiên trong đêm vượt qua là để giải thoát dân Chúa khỏi vòng no lệ của người Ai Cập. Cái chết của Chúa Giê-su Con Chiên Thiên Chúa mang lại ơn cứu chuộc đời đời và sự giải thoát khỏi các quyền lực sự dữ và sự chết cho nhân loại. Chia sẻ bữa tiệc này, các môn đệ tiếp tục tham dự trực tiếp vào hiệu quả cứu chuộc ở đồi Can-ve-rio. Vì lý do này, Thánh Thể được coi là “Hiến Tế Không Đổ Máu của Can-vê-rio”. Mỗi lần chúng ta rước Lễ là chúng ta nhận cho mình ơn cứu chuộc từ cái chết chiến thắng nhờ việc sống lại của Chúa Giê-su. Để giúp linh mục thêm lòng tôn kính trong Kinh Nguyện Thánh Thể, một Cây Thánh Giá thường được đặt trên bàn thờ để khi linh mục đọc lời truyền phép làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Chúa, vị linh mục được nhắc nhớ đến hiến tế ở đồi Can-vê-rio và Bữa Tiệc Vượt Qua mới đang được ngài cử hành. Điều đáng chú ý là việc dâng Thánh Lễ không phải là làm tái diễn cái Chết của Chúa Giê-su, nhưng là để cho dân Chúa ở mọi thời đại được tham dự vào lễ hiến tế đời đời của Chúa Giê-su.


Thánh Thể và Trách Nhiệm

Sau cùng, tham dự Bữa Tiệc Ly và Ăn Bánh và Uống cùng chén với Chúa có trách nhiệm đi kèm theo các môn đệ. Những trách nhiệm này không luôn luôn được nhận ra như trường hợp trong Tin mừng Maco 14:23-24, khi các môn đệ chia sẻ cùng chén trước khi Chúa Giê-su giải thích cho họ về ý nghĩa của việc uống cùng một chén. Đây là giáo huấn quan trọng cho chúng ta, bởi vì chúng ta không luôn luôn biết những gì đang chờ đợi người môn đệ khi dấn thân theo Chúa. Thí dụ, cộng đoàn Kito hữu của thánh Maco ở thể kỷ thứ nhất đã không biết trước là họ sẽ bị nhà cầm quyền Roma bắt bớ vì danh Chúa Giê-su. Đây là sự không lường trước được trong việc đi theo làm môn đệ của Chúa. Tuy thế, họ vẫn chấp nhận.

Chia sẻ uống chén của Chúa Giê-su nghĩa là chúng ta được mời gọi chia sẻ chén đau khổ, thử thách và khó khăn với Ngài. Chúng ta thường muốn biết trước những gì sẽ xẩy đến trước khi chúng ta dấn thân hay đồng ý ký hợp đồng; nhưng đời sống người môn đệ mời gọi chúng ta làm một việc hoàn toàn tín thác không rút lại mà không cần biết trước Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đâu. Một số những cái không lường trước được từ việc đi theo làm môn đệ của Chúa được suy diễn trong các thư của thánh Phaolo khi ngài nhắn nhủ cộng đoàn Kito hữu cần sống “xứng đáng” bởi vì họ chia sẻ Mình và Máu của Chúa. Nói như thế, thánh Phaolo minh nhiên kết nối việc Rước Lễ với đòi hỏi phải hoán cải luân lý nơi những người hiệp lễ.  (1Cor 10:14-22). Tóm lại, chúng ta phải đồng hóa mình với sự hiện diện của Chúa Kito mà chúng ta tiếp rước. Trách nhiệm lớn nhất của việc đón rước Thánh Thể là để chúng ta trở nên những nhà tạm mang Chúa Giê-su đến với thế giới. Thánh Phaolo hiểu thách đố của việc sống đời sống Thánh Thể và tóm tắt rất hay sự đòi buộc một Kito hữu sống như nhà tạm sống động khi ngài viết, “Nhưng kho tàng ấy chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2Cor 4:7).

Thánh Phaolo cũng hướng dẫn cộng đoàn Kito hữu rằng Thánh Thể là nguồn hiệp thông trong Giáo Hội khi ngài nói, “Vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10:17). Nói tóm lại, Thánh Thể chính là cái uốn và nặn mọi khía cạnh của đời sống người môn đệ Chúa Kito. Thánh Phaolo đã nhìn thấy sự liên kết này giữa Hội Thánh và Thánh Thể bởi vì cả hai đều giãi bày Thân Thể của Chúa Kito (1Cor 12:27).

Tham dự nơi bàn tiệc Thánh Thể là không kỳ thị hay phân biệt giai cấp giầu nghèo hay sắc tộc mầu da. Tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su Kito và chịu phép Rửa đều được quyền chia sẻ ngồi cùng bàn Tiệc Thánh Thể. Thánh Thể là dấu chúng ta hiệp nhất nên một trong Chúa. Chỉ có niềm tin vào Chúa Giê-su Kito và nơi bàn tiệc Thánh Thể mới có thể chữa lành vết thương kỳ thị phân biệt chủng tộc và bất công xã hội trong cộng đồng nhân loại.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Bạn ghen tị với người phụ nữ được đặc ân chạm tới gấu áo của Chúa Giê-su, với người phụ nữ đã rửa chân Chúa bằng nước mắt của chị, với những người phụ nữ Galilea được hạnh phúc theo Chúa trên đường truyền giáo, với những tông đồ và môn đệ đã chuyện trò thân mật với Chúa, với dân chúng thời xưa đã được nghe những lời ân phúc và cứu độ xuất phát từ môi miệng Chúa. Bạn cho là hạnh phúc những người đã nhìn thấy Chúa. Nhưng bạn hãy đến bàn thờ, bạn sẽ nhìn thấy Chúa, cảm thấy Chúa khi Hiệp Lễ, bạn sẽ dâng Chúa những nụ hôn thánh, bạn sẽ rửa chân Chúa bằng nước mắt của bạn, bạn sẽ mang Chúa trong mình bạn như Đức Mẹ Maria rất thánh.” Gặp Chúa Giê-su, tin theo Chúa Giê-su và Rước Chúa Giê-su vào nhà bạn, đố kỳ và kỳ thị sẽ không còn chỗ đứng.

L. M. Trần Đình Khả



 
114.864864865135.135135135250