01/06/2021 -

Lời Chúa - hàng ngày

347
Thứ Tư tuần IX thường niên - chữ

Thứ Tư tuần IX thường niên
(Tb 2,9-14 / Mc 12,13-17)
(Mt 22,23-33 ; Lc 20,27-40)
Chữ "CÙNG"

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn


Con người được định nghĩa là con vật xã hội. Nghĩa là loài người được Thiên Chúa sáng tạo để sống thành cộng đồng. Chính vì thế, chúng ta luôn được mời gọi để sống tư cách “cộng đoàn” khi “cùng” nhau sống và sinh hoạt. Chữ “cùng” là một trong những từ ngữ diễn tả nét căn bản đó của con người. Nếu có chữ cùng với nét “mở”, thì cũng có chữ cùng với nét “đóng”, và còn hơn nữa, có chữ cùng với nét “linh”.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi cho tôi nhận ra một vài ý nghĩa của chữ “cùng” và nội dung của những hành động của một vài nhân vật.

1. CHỮ CÙNG VỚI NÉT “MỞ”

Chúng ta tiếp tục đọc và suy niệm về sách Tô-bi-a. Trích đoạn hôm nay là đoạn tiếp của câu chuyện hôm qua. Trích đoạn hôm nay ở chương 3 từ câu 1 đến 11a và từ câu 16-17a.

Câu chuyện hôm qua là câu chuyện buồn về thứ ngôn từ đã được sử dụng giữa ông Tô-bít và người vợ của ông là bà An-na. Khi nghe vợ nói những câu làm tổn thương mình, ông Tô-bít đã tràn ngập ưu phiền và bắt đầu thở than cầu nguyện. Nội dung cầu nguyện của ông thấm màu bi quan và khổ đau, đến nỗi ông thốt ra những lời như thất vọng như sau: Xin Ngài đối xử với con theo sở thích của Ngài, xin truyền rút sinh khí ra khỏi con, để con biến khỏi mặt đất và trở thành bụi đất. Quả thật, đối với con, chết còn hơn sống vì con đã nghe những lời nhục mạ dối gian khiến con phải buồn phiền quá đỗi. Lạy Chúa, xin truyền lệnh cho con được giải thoát khỏi số kiếp gian khổ này. Xin để con ra đi vào cõi đời đời. Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt không nhìn con. Quả thật đối với con, thà chết còn hơn suốt đời phải nhìn thấy bao điều gian khổ và phải nghe những lời nhục mạ.”

Những lời nhục mạ mà ông Tô-bít phải nghe, không chỉ là những lời phát xuất từ vợ của ông, mà còn là những lời của bao người đang nhục mạ dân tộc ông khi dân tộc này bị lưu đày và sống giữa những người vô đạo.

Những lời than thở của ông Tô-bít không phải là những lời lên án, nhưng đó là những lời cầu nguyện. Ông cầu nguyện với sự thật của mình, của lòng mình. Những lời ông nói lên – chúng ta nhận thấy không có gì tốt đẹp làm phấn khởi – nhưng đó lại là những lời cầu nguyện chân thật nhất. Cầu nguyện không phải là nơi sử dụng những từ hoa mỹ chuốt bóng, mà phải là sự thật. Cầu nguyện phải là nơi của sự thật: “Cầu nguyện trong chân lý. Ông đang “mở” lòng ra với Thiên Chúa của ông.
Trích đoạn sách Tô-bi-a hôm nay cho chúng ta một chỉ dẫn: “Cùng trong ngày hôm ấy, ở Éc-ba-tan xứ Mê-đi, cô Xa-ra, con gái ông Ra-gu-ên, đã nghe một trong những người tớ gái của cha cô nói lời nhục mạ. Số là cô được gả cho bảy người chồng, nhưng trước khi ăn ở với cô, người nào cũng bị ác quỉ Át-mô-đai-ô giết chết. Người tớ gái nói: “Chính cô là kẻ sát phu! Coi đó cô đã có bảy đời chồng mà chẳng được mang tên ông nào… Thôi, đi với mấy ông ấy cho rồi, và đừng bao giờ chúng tôi thấy cô có con cái gì hết!”

Chúng ta nghe tiếp những tình tiết sau đó: “Ngày hôm ấy, lòng cô Xa-ra ưu phiền và cô kêu khóc. Cô về nhà cha cô, lên lầu trên, định thắt cổ tự tử. Nhưng cô nghĩ lại và tự nhủ: “… Nên tốt hơn là tôi đừng thắt cổ tự tử, mà phải cầu xin Chúa cho tôi chết đi, để đời tôi không còn phải nghe những lời nhục mạ nữa.” Và đây “ngay lúc ấy, cô dang hai tay về phía cửa sổ mà cầu nguyện. Cô đã “mở” đôi tay để qua cử chỉ đó, cô diễn tả tâm hồn cô “mở” ra với Thiên Chúa bằng cầu nguyện.

Nơi đây chúng ta thấy ý nghĩa chữ “cùng.” Cả hai cùng nghe những lời thoá mạ. Cả hai cùng cảm thấy đau khổ và muốn chết vì như vượt quá sức chịu đựng. Nhưng, nhất là cả hai đã biết cầu nguyện, nghĩa là hướng lên Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của chữ cùng với nét mở”: cùng mở lòng ra với Thiên Chúa bằng cầu nguyện.

2. CHỮ CÙNG VỚI NÉT “ĐÓNG”

Còn bài Tin Mừng, trích Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 12 từ câu 18 đến 27, là trình thuật về việc những người Xa-đốc đến chất vấn Chúa về sự sống lại. Họ là những người thuộc trường phái không tin có sự sống lại. Đối với họ, chết là hết hay là đi vào cõi diệt vong. Sau cái chết, không còn gì. Chính chủ trương của họ đã là một chữ cùng với nét “đóng”. Họ cùng nhau đóng lại viễn cảnh hay chân trời của sự sống lại.

Rồi họ đến hỏi Chúa về vấn đề sống lại bằng cách đặt ra một câu chuyện xoay quanh một người phụ nữ đã lấy bảy anh em ruột kia làm chồng nhưng lại không có một mụn con nào. Câu chuyện này đã mang nét “đóng” của chữ cùng: cả bảy người cùng lấy một người phụ nữ, nhưng đã đóng lại bằng cái chết mà “không mở” ra cho một hoa trái là một người con nào đó.

Và câu hỏi những người đặt ra cho Chúa Giêsu cũng là một câu hỏi mang nét “đóng”: “Trong ngày sống lại, bà sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ?” Họ mang nét “đóng” của cuộc sống trần gian, để áp dụng cho cuộc sống phục sinh. Ngay cả trong nhãn quan phục sinh – họ đâu có, và nếu giả thiết có đi nữa – thì cũng là thứ “bế tắc” như đã bế tắc ở trần gian. “Bế tắc” là “đóng”.

Nơi những người Xa-đốc và câu chuyện cũng như vấn nạn họ đặt ra cho Chúa Giêsu về sự phục sinh, chúng ta nhận ra chữ “cùng” với nét “đóng”. Cuộc sống ở trần gian đã không mở ra được, thì họ cho là phục sinh cũng chẳng thể mở ra. Và đó là cái lầm của họ. Chính Chúa đã nói với họ: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?”

3. CHỮ CÙNG VỚI NÉT “LINH”

Chúng ta nói đến chữ “cùng” với hai nét đối nghịch “mở” và “đóng”. Đó là phía con người. Con người, khi sống với nhau, biết chọn lựa để cùng sống với nhau hướng về một chân trời mở ra hay một viễn cảnh đóng kín, bế tắc. Khi chọn lựa cũng là biết cùng nhau hành động. Hai người trong trích đoạn sách Tô-bi-a hôm nay, không biết nhau, không cùng một không gian, nhưng lại chung một thời gian để từ xa (trong không gian), họ hướng lên Thiên Chúa bằng cầu nguyện. Có một nơi – không phải là không gian địa lý – nối kết họ, như chính thời gian đã liên kết họ. Nơi đó – xin tạm gọi là thế - đó là Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng đã cùng với họ.

- Trích đoạn sách Tô-bi-a hôm nay kết thúc như sau: “Cùng lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai.” Chúng ta nhận thấy điều gì? Riêng tôi, tôi nhận ra chữ cùng với nét “linh”. Lời cầu xin của hai người đã vang đến tận Thiên Chúa: Thiên Chúa cùng nghe lời cầu xin của hai người. Thiên Chúa linh lắm! Thiên Chúa cùng nghe cả hai. Hơn thế nữa, Thiên Chúa “cùng” hoạt động với thiên sứ Ra-pha-en trong việc chữa lành cả hai. Thiên Chúa thật là linh. Đôi tai của Người linh. Tình thương của Người linh.

- Rồi trong câu trả lời của Chúa Giêsu với những người Xa-đốc, chúng ta cũng nhận ra nét “linh” đó. “Khi người ta sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống các thiên thần trên trời. Nơi đây, không phải con người “cùng” với nét “đóng” nghĩa là chỉ “đóng kín” với nhau – như chuyện lấy vợ lấy chồng – mà họ sẽ “linh” cùng với cái “linh” của Thiên Chúa. Thiên Chúa cùng với các thiên thần cùng chung hưởng hạnh phúc viên mãn. Đối với các thiên thần, Thiên Chúa là tất cả, là đủ, là dư tràn, là lý hữu của họ. Khi sống lại, con người cũng sẽ là thế: Thiên Chúa là tất cả cho họ. Họ sẽ cùng nhau sống cuộc phục sinh “linh thánh”. Rồi, Chúa Giêsu cũng nói là “Thiên Chúa là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác, của Gia-cóp”; nghĩa là những tổ phụ kia cùng sống với một Thiên Chúa duy nhất. Và Vị Thiên Chúa này cùng đồng hành với họ trong cuộc sống “linh thánh” của sự sống. Họ sống vì có Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống. Sự sống đó là “linh thánh”. Và cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”, nghĩa là sự sống muôn đời, sự sống “linh” nhất.

Hai bài đọc hôm nay trao cho chúng ta những nhắn gởi nào? Như ông Tô-bít và cô Xa-ra, chúng ta được mời gọi, trong mọi hoàn cảnh dù bi thảm đến mấy, hãy “cùng” nhau “mở” lòng ra với Thiên Chúa bằng cầu nguyện. Đây là nơi làm cho chúng ta gần nhau nhất. Chắc chắn Thiên Chúa nghe lời chúng ta cầu xin mà ban cho chúng ta điều gì tốt nhất cho chúng ta. Hãy cùng nhau cầu nguyện. Qua cầu nguyện, chúng ta biết trân trọng sự sống: sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta. Đó là sự sống đời đời, bắt đầu từ trần gian đến tận thiên đàng. Hãy “cùng” nhau đi trên con đường của sự sống, sự sống thần linh.

114.864864865135.135135135250