09/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

855
Kinh Lạy Cha Lời Kinh Của Người Nghèo
Kinh Lạy Cha
lời kinh của người nghèo


Lời kinh Lạy Cha - lời kinh mà chính Chúa Giêsu truyền dạy “là một bản tổng lược tóm tắt mọi lệnh truyền của Người, để những ai muốn học hỏi giáo huấn Người đem xuống từ trời, khỏi phải mệt trí nhớ, nhưng mau thuộc những điều cần thiết cho một đức tin đơn thành.”[1] 

Thật vậy, ở lời Kinh Lạy Cha, sau ba lời nguyện hướng lòng trí chúng ta về vinh quang Thiên Chúa, thì đến bốn lời nguyện khấn xin cho nhu cầu sống của chính chúng ta. Khi dâng lời khấn nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,” ta như nghe được thật rõ ràng tiếng kêu xin của người nghèo, cùng lời mời gọi sống tín thác, sẻ chia cho tha nhân để ta trở nên “những người nghèo của Thiên Chúa.”

Không thể phủ nhận sự cần thiết của cơm bánh vật chất trong đời sống thường hằng; thế nên, ta vẫn đơn sơ và chân thành xin Chúa ban cho những sự ấy. Và rồi, khi đọc: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày,” thì ta biết rằng ta là người nghèo của Chúa và ta có bổn phận mở lòng cho những anh chị em nghèo hơn chúng ta. Lời cầu xin này nhắc nhở: “Chúng ta đang chờ đợi mọi sự từ lòng nhân lành của Cha trên trời, ngay cả những của vật chất và tinh thần cần thiết cho cuộc sống. Không Kitô hữu nào kêu cầu những lời này mà không nghĩ tới trách nhiệm thực sự đối với những người đang thiếu thốn những nhu cầu căn bản cho cuộc sống.”
[2] 

Tuy nhiên, khi lưu tâm đến những cơn đói về của ăn vật chất, ước mong sao ta cũng biết lưu tâm đến những cơn đói khác, những cơn đói mà mẹ Têrêsa Calcutta gọi là “những cơn đói tình yêu, sự tử tế, sự kính trọng nhau, và đó là sự nghèo đói to lớn làm cho con người ngày nay đau khổ rất nhiều.”[3] Vì vậy, ngay cả những ai giàu sang và dư đầy của cải thì việc “xin Cha cho lương thực hằng ngày” theo nghĩa này cũng không phải là điều vô nghĩa, nhưng mang lấy một giá trị, một ý nghĩa mới để nhận ra sự nghèo đói của chính mình.

Nuôi dưỡng thân xác và nuôi dưỡng tâm hồn, ta cần đến không chỉ lương thực vật chất mà lại còn cần đến nguồn lương thực thần thiêng. Thánh Síp-ri-a-nô trong khảo luận Bàn về Kinh Lạy Cha đã chia sẻ: Lời kinh xin cho chúng con lương thực hằng ngày, có thể hiểu vừa theo nghĩa thiêng liêng, vừa theo nghĩa thường. Vì do ý định của Thiên Chúa, thì cả hai nghĩa đều hữu ích cho ơn cứu độ của chúng ta. Bởi chưng, bánh thiêng liêng, bánh ban sự sống chính là Đức Ki-tô. Hằng ngày chúng ta xin Chúa Cha ban “lương thực” nghĩa là bánh này cho chúng ta. Chúng ta ở trong Đức Ki-tô bằng cách nhận Thánh Thể Người làm của ăn đem lại ơn cứu độ. Chúng ta không bị tách rời ra khỏi thân thể của Đức Ki-tô và hiệp thông với anh chị em. Liên quan đến điều này, thánh Au-gut-ti-nô đã nhấn mạnh: “Lương thực” mà chúng ta xin có ý chỉ đến tất cả nhu cầu; nhưng “lương thực” ấy cũng là bí tích dưỡng nuôi các tín hữu...
[4]  Giáo lý dạy rằng: “Con người có những cơn đói thiêng liêng mà của ăn vật chất không làm no thỏa được. Ta có thể chết vì không có bánh, cũng có thể chết vì có bánh mà không có gì khác ngoài bánh. Hiểu theo nghĩa thâm sâu, chúng ta chỉ được no nê thỏa mãn bởi Đấng có ‘lời ban sự sống đời đời’, Ngài là lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.”[5] 

Lạy Cha nhân lành, nhờ bao sản phẩm làm từ bàn tay lao động của muôn người, chúng con được nuôi dưỡng và được thêm mạnh sức. Vì thế, chúng con vẫn “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Với niềm tin kiên vững vào sự chở che của Cha, chúng con luôn xác tín, tin tưởng và cậy trông Cha luôn thương nhìn đến những kẻ khó nghèo. Cha biết rõ chúng con cần gì, xin đừng để chúng con lâm vào cảnh túng thiếu, nhất là túng thiếu những nhu cầu cho đời sống nhân bản và tâm linh. Và khi chúng con đón nhận dư đầy muôn phúc lộc Cha ban, xin cho chúng con luôn biết dâng lên Cha muôn lời cảm tạ. Xin Cha thương giúp chúng con có lòng quảng đại để chúng con sẵn sàng san sẻ cho tha nhân, đồng thời luôn biết khát khao nguồn lương thực mang lại sự sống đời đời là chính Chúa Giê-su con yêu dấu của Cha. Amen

[1] Trích khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, Giám mục, về kinh Lạy Cha.
[2]  Youcat Việt Nam, số 522.
[3] Youcat Việt Nam trg 379.
[4] Trích thư của thánh Au-gut-ti-nô, Giám mục, gửi cho Prôba, về kinh Lạy Cha.
[5] Youcat Việt Nam, số 523.
 
114.864864865135.135135135250