07/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

4194
Kinh Mười Bốn Mối
KINH MƯỜI BỐN MỐI
Mời bấm vào đây để nghe


“Thương người như thể thương thân” là lời khuyên quí giá, mà người xưa muốn dạy cho các thế hệ sau biết sống tình nghĩa với nhau. Tư tưởng đạo lí ấy chúng ta còn gặp thấy một cách sống động và sâu sắc hơn qua các lời dạy của Chúa Giê-su: “Yêu thương tha nhân như chính mình”“yêu người như Chúa yêu.” Tuy nhiên, để “thương người” một cách đúng đắn, và cụ thể hoá bằng hành động trong cuộc sống, thiết tưởng không có sự chỉ dẫn nào khác tốt hơn ngoài “Kinh Mười bốn mối” mà kho tàng kinh đọc của Giáo hội Công giáo Việt Nam dạy cho chúng ta.

Nội dung lời kinh được trình bày dưới dạng những lời khuyên, có tác động tích cực, giúp người nghe dễ dàng đón nhận và khích lệ họ mau mắn thi hành. Lời kinh “thương người có mười bốn mối,”  không theo thứ tự từ một đến mười bốn, nhưng tách thành “hai lần bảy”:
Thương người có mười bốn mối
[1] 
 
- “Thương xác bảy mối:

Thứ nhất: cho người đói ăn.
Thứ hai: cho người khát uống.
Thứ ba: cho người rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn: thăm người đau liệt và người bị tù đày.
Thứ năm: đón tiếp người không nơi cư ngụ.
Thứ sáu
[2]: giải thoát và nâng đỡ người bị áp bức.
Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.

 
-thương linh hồn bảy mối: 
 
Thứ nhất: lấy lời tốt lành mà khuyên người.
Thứ hai: dạy đạo Chúa cho người chưa biết.
Thứ ba: an ủi người lo âu.
Thứ bốn: khuyên bảo người tội lỗi.
Thứ năm: tha cho người khinh dể ta.
Thứ sáu: nhường nhịn người làm mất lòng ta.
Thứ bảy: cầu cho người sống và kẻ chết.” 

 
Việc phân chia thành hai nửa đối xứng và cân bằng về cả nội dung lẫn hình thức làm cho lời kinh dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Nó còn giúp ta nhận thức rõ hai yếu tố quan trọng không thể thiếu nơi một con người là “xác” và “hồn” để không yêu người một cách thiên lệch nửa vời: quá chú trọng dung dưỡng xác thịt, lo cho lợi ích vật chất mà đánh mất linh hồn[3]; hay quá chú trọng phần hồn mà không biết rằng “thân xác cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.”[4] 

“Thương người” là biết quan tâm chăm sóc trọn vẹn cho toàn bộ con người cả hồn lẫn xác. Vì chưng, một tinh thần lành mạnh, sáng suốt phải được cư ngụ trong một thân xác tráng kiện. Hơn nữa, việc thương đến phần xác của anh chị em đó lại là điều mà Thiên Chúa đặc biệt chú ý và coi là tiêu chuẩn để ban thưởng cho chúng ta trong ngày phán xét: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm." [5] 

Đàng khác, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Thành công lớn nhất của đời người là nên thánh.” Do đó, “thương người đích thật” phải nhằm mục đích đưa tha nhân đạt tới sự “hoàn thiện” mà Thiên Chúa muốn như lời thánh Phao-lô khẳng định: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh.”[6] 

Thánh Gio-an Bos-co cũng đã cho chúng ta một kinh nghiệm giáo dục tuyệt vời: “Muốn làm thánh, phải làm người trước đã.” Đó cũng là kiểu logich mà chúng ta bắt gặp trong cách sắp xếp các ý tưởng của lời “Kinh Mười bốn mối”:bảy mối thương xác đặt trước bảy mối thương linh hồn.

 Về phần hồn của mình cũng như của tha nhân, thánh Gia-cô-bê dạy chúng ta rằng: “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.”
[7] 

Như vậy, việc sắp xếp các lời khuyên thành “hai lần bảy” gợi lên cho chúng ta về ý nghĩa mang tính biểu tượng: “số bảy” là con số hoàn hảo. Điều này như muốn nói rằng con người “hoàn thiện” là người biết quân bình đời sống tinh thần và thể xác một cách hoà hợp. Vì chưng toàn bộ con người là do Chúa tạo thành mà có. Hơn nữa, ân sủng siêu nhiên Thiên Chúa ban không phá huỷ tự nhiên mà là giúp kiện toàn tự nhiên để đạt tới sự trọn lành viên mãn.

Lạy Chúa, xin đổ đầy tình yêu Chúa trong đời sống chúng con. Xin dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu  thương chúng con. Xin dạy chúng con biết quan tâm như cách Chúa đã quan tâm chúng con. Amen

  • Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
Thứ hai: cho kẻ khát uống.
Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
Thứ năm: cho khách đỗ nhà.
Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.
Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.

 
  • Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.
Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.
Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
Thứ năm: tha kẻ dể ta.
Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

 
[2] Chuộc kẻ làm tôi”: ý câu kinh trước đây. Ý mới, “giải thoát người bị áp bức, nâng đỡ ai nghèo khổ…”
[3] Mt 16,26.
[4] 1Cr 6,19.
[5] Mt 25,35-37
[6] 1Tx 4,3.
[7] Gc 5,19-20.
 
114.864864865135.135135135250