Kinh Lạy Cha
lời kinh của ân sủng[1]
lời kinh của ân sủng[1]
Từng ngày, từng giờ, chúng ta sống trong môi trường ngập đầy những cám dỗ, dễ có nguy cơ sa ngã phạm tội. Thánh Phê-rô tông đồ đã khuyên: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.”[2] Hơn nữa, chính Chúa Giêsu cũng đã từng bị cám dỗ. Người biết ta yếu đuối, tự sức mình ta không thể chống lại sự dữ. Vì thế, Người đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.”
Khi đọc lời kinh “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, chúng ta xin Chúa đừng để chúng ta thiếu đề phòng trước sức mạnh của cám dỗ, cũng đừng để chúng ta chiều theo cám dỗ. Xin Chúa Giê-su hiện diện bên chúng ta mọi nơi mọi lúc, như Chúa đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”[3]
Lời kinh “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” giúp chúng ta hiểu rằng nhiều khi chúng ta rơi vào tình trạng đang bị giằng co giữa xác thịt và Thần Khí. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết nhận định, đâu là thử thách cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng và đâu là cám dỗ dễ dẫn đến tội lỗi và sự chết để chúng ta xa tránh. Chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để chúng ta biết phân biệt giữa "bị cám dỗ" và "chiều theo chước cám dỗ." Đồng thời xin Người ban ơn sức mạnh để chúng ta đủ sức chống lại các cơn cám dỗ dẫn đến tội lỗi.
Vâng, cám dỗ thì rất nguy hiểm, nhưng cám dỗ cũng có điểm lợi... “Cám dỗ bộc lộ cho chúng ta biết nhận ra con người của chúng ta; nhờ đó, chúng ta khám phá ra tình trạng tệ hại của mình. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những ơn lành do cơn cám dỗ làm lộ ra."[4] Thánh Au-gut-ti-nô cho chúng ta một kinh nghiệm: “Ai không bị cám dỗ thì không được thử thách, ai không được thử thách thì không có tiến bộ.”
Tuy nhiên, nếu vì sự tiến bộ mà chúng ta chịu thua và ngã gục trong cám dỗ, thì nào chúng ta có được lợi ích gì. Nếu chúng ta thấy mình không đủ sức chống chọi “các chước cám dỗ”, thì tốt hơn nên tránh xa. Để thực hiện điều này từng người phải có quyết tâm, vì như Chúa đã dạy: "Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó..."[5] Muốn không vướng phải cám dỗ thì chỉ còn cách là tránh xa nó mà thôi. Đàng khác, nếu biết không đủ sức chống chọi cám dỗ, thì phải biết chiều theo và cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: "Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà hành động."[6] Ngài còn nói thêm: Thiên Chúa là Ðấng trung tín, “Người sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức; nhưng khi để anh em bị cám dỗ, Người sẽ cho anh em phương thế để thoát khỏi và sức mạnh để chịu đựng."[7]
Hơn nữa, chúng ta cần học theo cách thức Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ bằng con đường cầu nguyện, ăn chay và tỉnh thức. Khởi đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giê-su đã ăn chay và cầu nguyện 40 đêm ngày.[8] Và Người đã chiến thắng cám dỗ. Trong cuộc chiến cuối cùng, vào giờ hấp hối Ðức Ki-tô muốn chúng ta kết hiệp với Người. Người tha thiết:“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”[9]
Có một điều mà chúng ta phải ý thức đó là chúng ta - những kẻ rất yếu đuối đang bị vô số chước cám dỗ lôi kéo, thế mà chúng ta vẫn ung dung, không cho là nguy cơ. Đáng sợ nhất là, nhiều khi chúng ta đã sa vào chước cám dỗ rồi, mà vẫn tưởng chẳng có gì nguy hại. Thiết nghĩ đây mới là những chước cám dỗ nguy hiểm. Sự mù quáng, sự cứng lòng và sự tự đắc chủ quan đang là những mối đe dọa từng người trong chúng ta. Coi thường những mối đe dọa ấy, chính là một chước cám dỗ tai hại chúng ta cần phải đề phòng.
Lạy Chúa, chọn sống xa rời những cám dỗ ngọt ngào của cuộc đời và thắng vượt được chính mình quả là điều thách đố cho con. Con xin Chúa dắt dìu con, vì con yếu đuối. Có lẽ tình yêu của con dành cho Chúa chưa đủ lớn để con có thể lướt thắng những cạm bẫy nhỏ nhen. Nhưng lạy Chúa, cho dẫu con có nhiều khiếm khuyết, con vẫn biết rằng Chúa không bỏ rơi con. Chúa không để chúng con sa chước cám dỗ. Amen
[1] GL HTCG các số 2846-4850.
[3] Mt 28,20.
[4] Ô-ri-gê-nê 29 trích trong GL HTCG số 2847.
[5] Mt 6,21.24.
[6] Gl 5,25.
[7] 1Cr 10,13.
[8] Mt 4,1-11.
[9] Mt 4,1-11; Mc 14,38; Lc 22,40.