Kinh Lạy Cha
lời kinh của ân sủng
Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ
lời kinh của ân sủng
Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ
Ngày đầu năm mới, lời cầu xin và lời cầu chúc tốt đẹp nhất là lời cầu xin và cầu chúc bình an. Lời cầu xin này không ở đâu xa xôi, nó hàm chứa trong lời cuối cùng của Kinh Lạy Cha: "Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ."
"Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ" có ý ám chỉ đến thần dữ được Kinh Thánh gọi là “tên cám dỗ”, cha kẻ dối trá, sa-tan, ma quỷ. Không ai lại không công nhận: rằng sự dữ trong thế gian là một lực lượng phá hoại; rằng quanh ta có đầy ảnh hưởng của ma quỉ tác động; rằng lịch sử là sân khấu diễn những trò ma quỉ. Lời xin này cho thấy, sự dữ không là một điều trừu tượng, nhưng là một nhân vật, là kẻ tìm cách ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ trong Chúa Ki-tô,[1] làm cho chúng ta mất bình an. "Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ" là dâng lên Chúa tất cả sự khốn khó của thế giới và nài xin Thiên Chúa toàn năng cứu ta thoát.
Thư của thánh Âu-gút-ti-nô, giám mục, gửi cho Prô-ba, về kinh Lạy Cha đã dạy rằng: “Khi chúng ta đọc, ‘xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ,’ chúng ta phải nghĩ rằng, chúng ta chưa ở trong tình trạng hoàn hảo khiến chúng ta không còn phải chịu sự dữ nào nữa. Lời cầu xin này đặt ở cuối ‘Kinh Lạy Cha’ hiển nhiên là để giúp người tín hữu khi gặp bất cứ cơn khốn khó nào, cũng biết dùng câu này mà than thở, mà khóc lóc; biết bắt đầu cầu nguyện bằng câu đó, dừng lại trong đó và kết thúc ở đó. Quả thật, những lời này phải giúp chúng ta ghi nhớ những thực tại được diễn tả.”
Khi xin Thiên Chúa giải thoát khỏi ác thần, chúng ta cũng xin cứu khỏi mọi sự dữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay kẻ chủ mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội thánh trình lên Cha mọi nỗi khốn cùng của thế giới. Hội thánh không những xin được gìn giữ khỏi mọi sự dữ đang hoành hành nơi nhân loại, mà còn van xin Cha ban ơn bình an và ơn bền vững đang khi trông đợi ngày Ðức Ki-tô quang lâm.[2]
Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần.[3] Vì thế, hằng ngày, trong Thánh Lễ chúng ta thường đọc lời cầu xen vào sau “Kinh Lạy Cha”: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi biến loạn, trong khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con.” Đó là chúng ta đang xin ơn bình an trong hy vọng cậy trông và tín thác.
Lời xin cuối cùng dâng lên Chúa Cha cũng được bao hàm trong kinh nguyện của Ðức Giê-su: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần" (Ga 17,15). Lời xin này liên hệ đến từng người chúng ta, nhưng bao giờ cũng là "chúng con" đang cầu nguyện, trong hiệp thông với toàn Hội Thánh và xin Thiên Chúa cứu toàn thể gia đình nhân loại.[4]
“Kinh Lạy Cha” không ngừng mở ra cho chúng ta thấy những chiều kích của nhiệm cục cứu độ. Chúng ta từng liên đới với nhau trong tội lỗi và sự chết, nay được liên đới trong Thân Thể Chúa Ki-tô. Thánh Gio-an tông đồ đã nói: "Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, thì không phạm tội nhưng có Ðấng Thiên Chúa đã sinh ra gìn giữ người ấy và ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần."[5] Quả vậy, ai trông cậy Chúa thì không sợ ma quỷ. Vì, "Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, còn ai chống lại chúng ta được?" (Rm 8,31).
Kết thúc ý nghĩa về Kinh Lạy Cha, chúng ta nghe được lời nhắn nhủ của thánh Âu-gut-ti-nô, giám mục rằng: Vì dù chúng ta có đọc bất kỳ lời nào khác - những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng, hoặc dựa theo để thêm lòng sốt sắng - chúng ta cũng chẳng nói điều gì khác ngoài điều đã có trong “Kinh Lạy Cha”, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp.
Ước gì chúng ta siêng năng cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy. Ước gì ơn bình an của Chúa là chủ tâm hồn chúng ta.