02/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

3718
Kinh Ăn Năn Tội
KINH ĂN NĂN TỘI

Việc ý thức phận người yếu đuối tội lỗi là đòi hỏi cần thiết cho cuộc hành trình tìm đến Thiên Chúa là nguồn Chân – Thiện – Mỹ, là nguồn mạch mọi ân sủng và tình yêu vô biên. Việc ý thức thân phận tội lỗi và giục lòng ăn năn sám hối, chừa cải lỗi lầm là đáp lại lời mời của Chúa Giê-su: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là đấng hoàn thiện.”[1] Tuy nhiên, “bao lâu còn mang thân xác, con người không thể không có ít là các tội nhẹ. Nhưng các tội mà chúng ta gọi là nhẹ, thì chớ nên coi thường: nếu ta coi là nhẹ khi ta cân chúng thì ta hãy run sợ khi ta đếm chúng.”[2] Thế nên, qua lời “Kinh Ăn năn tội” ngắn gọn và đầy ý nghĩa, ta nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa và giục lòng thống hối mà trở về với Ngài.
 
Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen

Mỗi lần nghĩ đến tội của mình là mỗi lần ta cảm nghiệm về Thiên Chúa trọn lành: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng.” Lời mở đầu câu kinh mang đến một luồng ánh sáng chất chứa niềm tin yêu phó thác, bởi môi miệng ta xưng tụng “Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng.” Với niềm xác tín này, ta luôn vững tin vào Chúa. Cũng với niềm xác tín này, ta hy vọng không vướng phải những nỗi hoài nghi như: “Nhiều người nói: ‘Tôi đã làm nhiều điều xấu xa độc ác, Chúa chẳng tha cho tôi.’ Đó là sự phạm thượng rõ ràng, nó đặt giới hạn cho Lòng Thương Xót của Chúa, vì Chúa thương xót vô cùng. Không có gì xúc phạm đến Chúa bằng việc nghi ngờ lòng thương xót của Người.”
[3] 

Lời kinh ăn năn tội nhắc nhớ ta về Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa: “Chúa đã dựng nên con và cho con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa.”

Nhận ra những yếu hèn của chính ta, nhận ra ta đã phản nghịch cùng Chúa, đã không đi theo con đường trọn lành của Chúa, lúc ấy ta mới có thể làm nên những thay đổi cho ta trên đường nhân đức. Lúc này, ăn năn tội không những không làm suy giảm bản chất của ta, mà còn làm cho tâm hồn ta thêm lớn lên trong ân nghĩa của Chúa. Vì, “khi con người nhìn nhận tội lỗi của mình, thì nảy sinh ra một ước muốn trở nên tốt hơn, điều đó gọi là ăn năn thống hối. Ta thực sự ăn năn hối tội, khi nhận thấy giữa tình yêu của Chúa và tội lỗi của ta có mâu thuẫn trái nghịch. Ta quyết tâm thay đổi đời sống và trông cậy vào Chúa giúp đỡ... Nhưng quan trọng là phải có ý thức thực sự về tội lỗi của mình. Ta càng gần gũi Chúa là ánh sáng, thì vùng tối của ta sẽ hiện rõ ràng… Vì thế, ăn năn hối hận đưa ta bước vào ánh sáng giúp ta tái lập hoàn toàn.”
[4] 

Lời kinh giục lòng ta hứa với Chúa: “Con chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng.” Lời kinh giúp ta nhớ về điểm Giáo lý dạy rằng: “Ăn năn tội xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự sẽ xóa bỏ các tội nhẹ và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng khi ta tìm đến Bí tích Giao hòa.[5] Hãy nhớ rằng: việc ăn năn tội của mỗi người không bao giờ chỉ dừng lại ở sự hối hận trong lòng nhưng còn phải tiến xa hơn nữa đó là tránh dịp tội và dốc lòng chừa thật.

Ước mong sao lời kinh ăn năn tội luôn mãi là một cách thế giúp ta không đánh mất dần những cảm thức về tội. Ước gì nhờ việc ăn năn tội sẽ dẫn ta vào biển tình thương xót của Chúa, gột rửa và giữ cho tâm hồn ta luôn trong sáng, tránh khỏi các vết nhơ tội lỗi.

“Hạnh phúc thay người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.”
[6] Lời chúc phúc đó ắt hẳn Chúa dành cho những kẻ thật lòng sám hối ăn năn, thật lòng hoán cải để làm đẹp lòng Thiên Chúa.

[1] Mt 5,48.
[2] Thánh Au-gut-ti-nô trích trong GL HTCG số 1863.
[3] Thánh Gio-an Vi-a-ney, Youcat Việt Nam tr.242.
[4]Youcat Việt Nam tr.186-187.
[5] GL HTCG số 1452.
[6] Tv 32,2.
 
114.864864865135.135135135250