Ngày đầu xuân ai ai cũng ước muốn nhận được những lời chúc cho mình và cầu mong cho mọi người được nhiều ơn phúc Đất - Trời đến trong năm mới. Bảy Bí tích là nguồn ân phúc vô biên mà Thiên Chúa tặng ban cho những ai trở nên con của Ngài. Giáo lý Hội thánh Công giáo đã dạy: “Bí tích là dấu hiệu hữu hình của một thực tại vô hình, trong đó các Kitô hữu có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa có mặt ở đó, để chữa chạy, để tha thứ, để nuôi dưỡng, để làm cho mạnh sức, và để giúp họ sẵn sàng yêu thương. Tất cả các công việc trên đều do ân sủng Thiên Chúa tác động.”[1]Trong thời khắc linh thiêng ngày đầu năm mới này, thiết nghĩ việc suy niệm Kinh Bảy Bí tích sẽ giúp cho các Ki-tô hữu cảm nghiệm được tình yêu và ân lộc mà Thiên Chúa đã thương ban một cách vô lượng, dồi dào và phong phú.
Đạo Đức Chúa Trời có bảy Bí tích: thứ nhất là Bí tích Rửa tội, thứ hai là Bí tích Thêm sức, thứ ba là Bí tích Thánh Thể, thứ bốn là Bí tích Giải tội, thứ năm là Bí tích Xức dầu bệnh nhân, thứ sáu là Bí tích Truyền chức thánh, thứ bảy là Bí tích Hôn phối.
Lời kinh gợi mở cho ta một sự hiểu biết rõ ràng về đời sống và thêm xác tín về các ơn phúc mà Thiên Chúa ban cách chính thức, long trọng qua các Bí tích.
Nhờ Bí tích Rửa tội, con người dễ bị thương tích do ma quỷ trở thành người con được Thiên Chúa bảo vệ, được gia nhập vào hàng ngũ dân thánh.
Nhờ Bí tích Thêm sức, con người đang dò dẫm bước đi, được bước đi vững chắc, được bảo vệ chở che bởi quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để rồi “lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và ơn nghĩa Thiên Chúa.”[2]
Nhờ Bí tích Thánh Thể - là chính Mình và Máu Thánh Chúa, con người được dưỡng nuôi trong ân sủng và được thánh hoá, được kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su là đầu.
Nhờ Bí tích Hòa giải, thân phận phàm hèn yếu đuối, bất toàn và hay sa ngã của con người được Thiên Chúa yêu thương tha thứ, vì “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ.”[3] Dù cho, “tội lỗi của ta có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng sẽ trắng như bông.”[4]
Nhờ Bí tích Xức dầu bệnh nhân, những người đang thất vọng vì bệnh tật thể xác cũng như tinh thần lấy lại được tin tưởng. Bởi vì, “Bí tích Xức dầu bệnh nhân” không chỉ là phương thế thiêng liêng để Thiên Chúa chữa lành tâm hồn, mà còn là thần dược để chữa trị và tăng thêm sức mạnh phần xác nữa.
Nhờ Bí tích Hôn phối, những người nam nữ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và làm phát triển sự sống. “Do đó, không những họ "nhận được" tình yêu của Đức Ki-tô để trở nên một cộng đồng "được cứu rỗi", mà còn được mời gọi "truyền đạt" cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Ki-tô, để như thế họ trở nên một cộng đồng "cứu rỗi" người khác. Đến nỗi, tuy vẫn là hoa quả và dấu chỉ của sự phong nhiêu siêu nhiên của Hội Thánh, gia đình Ki-tô hữu còn là biểu tượng, chứng tích và san sẻ thiên chức làm mẹ của Hội Thánh nữa.”[5]
Nhờ Bí tích Truyền chức thánh, những người độc thân trở thành người phục vụ cho tình yêu. Bởi vì, Thiên Chúa không muốn những phúc lành của Ngài hằng ban cho nhân loại, sẽ bị ngưng lại sau khi Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng ở trần gian. Nên Ngài đã có sáng kiến thiết lập nên các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Truyền chức thánh. Ngài uỷ thác cho Giáo hội tiếp tục thi hành việc ban phát các ân sủng cho con cái mình.
Trong tất cả các bí tích, chính Chúa Ki-tô đích thân là Bí tích. Các bí tích là quà tặng của Chúa Ki-tô ban cho Hội thánh. Vì thế, Hội thánh có nhiệm vụ phân phát và cũng có nhiệm vụ trông coi giữ gìn; còn các phần tử của Hội thánh hãy từ bỏ chính mình để bước theo Chúa, lớn lên trong Chúa để sống đời sống đích thật không bao giờ chấm dứt.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng nguồn mạch ân sủng thông qua các Bí tích. Và ước chi lời cầu chúc tốt đẹp của chúng con dành cho nhau trong ngày đầu năm mới này là lời cầu chúc có Chúa, có dồi dào nguồn ơn thánh của Chúa. Ước gì chúng con biết tìm kiếm nguồn hạnh phúc đích thực qua các Bí tích Chúa đã ban. Amen.
[1] Youcat Việt Nam số 172.
[2] Lc 2,40.
[3] ĐTC Phanxio, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3.
[4] Is 1,18.
[5] Tông Huấn Familiaris Consortiocủa ĐTC Gioan Phaolô II, số 49 (Bản dịch tiếng Việt do cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, Italia).