Trong Hội Thánh, có rất nhiều Kinh cầu khác nhau. Tuy vậy, chỉ có 5 Kinh Cầu được sử dụng phổ biến hơn cả. Trong số này, Kinh cầu các thánh được xem là lời kinh cổ xưa nhất, long trọng nhất và là kiểu mẫu cho các kinh cầu khác.
Gọi là Kinh cầu các thánh bởi vì khi đọc lên lời kinh này, chúng ta cậy nhờ công phúc của các thánh, chỉ dám xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa. Điều này diễn tả lòng tin cậy của chúng ta vào sự chuyển cầu của các Thánh. Đây là sự hiệp thông vốn kết hợp Giáo Hội của Giêrusalem trên trời với Giáo Hội lữ hành dưới thế. Đây là niềm vui và là niềm hy vọng vô biên của chúng ta. Chúng ta vui vì biết rằng, giữa cõi đời bể dâu này, các anh chị em ấy đã đi trước chúng ta trên con đường chúng ta đang đi. Có thể cùng một cách thức như chúng ta, có thể gian lao khốn khó hơn chúng ta… nhưng các vị đã chiến thắng mà nên gương cho chúng ta. Chúng ta hy vọng vì chúng ta hiểu rằng: "Được gắn bó mật thiết hơn với Ðức Ki-tô, các thánh trên trời góp phần làm cho Hội Thánh thêm thánh thiện... Các ngài không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách dâng các công trạng đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giê-su Ki-tô... Do đó, trong tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn".[2]
Trước Công đồng Vatican II, Kinh cầu các thánh được sử dụng khi đi rước và trong một số nghi lễ. Hiện nay, Bộ Phụng tự cho phép sử dụng Kinh cầu các thánh trong những trường hợp khác nhau: một là, sử dụng trong trường hợp cầu khẩn trọng thể và hát khi đi rước; hai là, sử dụng trong các trường hợp làm phép trọng thể và thánh hiến diễn ra trong Thánh lễ: Nghi thức làm phép nước Thánh tẩy trong đêm Vọng Phục sinh; Nghi thức Phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế; Nghi thức Khấn dòng, Thánh hiến Trinh nữ;.v.v. Kinh cầu các thánh còn được hát đang khi đoàn rước các Đức Hồng y tiến vào nhà nguyện Sistine tham dự mật nghị Hồng y bầu Đức Giáo hoàng… Tất cả chỉ là nguyện xin các thánh cầu bầu cho trước mặt Chúa, để mỗi người trong mỗi sứ vụ quan trọng mà họ lãnh nhận được ơn trung tín.
Cấu trúc của Kinh cầu các thánh 5 phần: một là, khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi như trong một số các kinh cầu khác; hai là, khẩn cầu các Thánh; ba là,kêu cầu Đức Kitô; bốn là, những lời chuyển cầu cho những nhu cầu khác nhau; năm là, lời nguyện kết thúc.
Với cấu trúc Kinh cầu này, chúng ta hiểu được lời thánh Bê-na-đô, Viện phụ dạy rằng: Các thánh không cần chúng ta tôn vinh, và lòng tôn kính của chúng ta cũng chẳng thêm gì cho các ngài. Thực ra, chúng ta tôn kính các ngài thì ích lợi cho chúng ta chứ không phải cho các ngài. Phần tôi, tôi phải thú thật là khi tưởng nhớ các ngài, tôi cảm thấy bừng lên trong lòng khát vọng mãnh liệt: Một là mong hợp đoàn với các ngài, được xứng đáng làm người đồng hương và làm bạn hữu với các thánh. Hai là mong mỏi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta, xuất hiện cho các thánh thế nào thì Người cũng xuất hiện cho chúng ta như thế, và chúng ta sẽ được cùng Người hưởng phúc vinh quang.
Vậy chúng ta hãy hết lòng bền chí khát khao vinh quang ấy. Và để chúng ta có quyền hy vọng đạt tới vinh quang ấy, có quyền hướng tới hạnh phúc lớn lao chừng ấy, chúng ta cũng phải hết sức ước ao các thánh cầu nguyện cho, ngõ hầu những gì tự sức chúng ta không xin được, thì nhờ lời chuyển cầu của các ngài, Chúa sẽ ban cho chúng ta.[3] Điều này giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao lại hát hoặc đọc Kinh cầu các Thánh vào những dịp long trọng ấy.
Chúng ta cùng hiệp dâng tâm tình trong lời nguyện kết thúc của Kinh cầu các thánh:Chúng con lạy các Thánh Nam Nữ ở trên trời. Chúng con là những người yếu đuối còn ở trong thế gian, luôn sợ chước ma quỷ. Các Thánh đã vượt biển trần thế hiểm nguy này, và đã thoát mọi sự dữ. Xin các Thánh cầu cho chúng con được theo ý Chúa mà giữ mười điều răn cho trọn. Đến ngày sau hết, xin cho chúng con được vào cửa thiên đàng hợp lại cùng các thánh, diện kiến Đức Chúa Trời Ba Ngôi và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời đời. Amen
[1] Tham khảo bài của Lm Giuse Phạm Đình Ái, SSS. “Vài nét về Kinh Cầu Các Thánh”.
[2] LG 49.
[3]Thánh Bê-na-đô, Viện phụ.