02/04/2023 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

3144
Kinh Cầu Chịu Nạn (1)
Kinh Cầu chịu nạn (1)
Mời bấm vào đây để nghe

Hằng năm, phụng vụ Hội Thánh cho đọc “Bài Thương khó” theo các sách Tin Mừng vào Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi còn bé, vì “Bài Thương khó” dài nên cứ đến ngày lễ là tôi có cảm giác mệt mỏi, có lẽ cảm giác ấy khi lớn lên chúng ta cũng thường gặp phải. Tuy nhiên, “Kinh Cầu chịu nạn” mà các giáo sĩ thuở xưa đã soạn, (cái thời mà Việt Nam chưa có các bản dịch Kinh Thánh, các cuốn Kinh Thánh quý như vàng), thì “Kinh Cầu chịu nạn” là bản tóm lược “cuộc thương khó của Chúa Giêsu một cách đầy đủ nhất.”“Kinh Cầu chịu nạn” “Bài thương khó tóm tắt” đã được các tín hữu nhà quê đọc trong các Thứ Sáu đầu tháng và các ngày trong Tuần Thánh,... Hơn nữa, với cung giọng và vần điệu của Kinh Cầu, nhiều cụ già còn vừa đọc vừa ru cháu, vừa đọc vừa ngân nga như hát với nhau một khúc dân ca cung thương quen thuộc.
 
Chúa Giêsu thương hết người thế.
Chúa Giêsu xuống thế làm người.
Chúa Giêsu ba mươi năm ở cùng Đức Mẹ.
Chúa Giêsu ba năm giảng dạy nước Giu-dêu.
Chúa Giêsu chữa kẻ bệnh tật đau yếu.
… Chúa Giêsu cho Lagiarô chết bốn ngày sống lại.
Chúa Giêsu bị nộp cho quân lính.
Chúa Giêsu cho quân lính buộc trói mình.
Chúa Giêsu các môn đệ bỏ trốn đi hết.
Chúa Giêsu thánh Phêrô một đêm chối ba lần.

 
Với giáo dân Việt Nam, Mùa Chay và Tuần Thánh mà vắng tiếng “Kinh Cầu chịu nạn” được đọc chung, thì dường như còn thiếu thiếu điều gì đó thật là khó diễn tả...

Trong những ngày Mùa Chay, chuẩn bị bước vào Tuần Thánh chúng ta cùng nhau cầu nguyện và suy niệm với “Kinh Cầu chịu nạn” như là đọc thật kĩ lại “Bài Thương khó” để cùng tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, cảm nghiệm tình yêu của Chúa để cảm tạ Chúa và thánh hóa bản thân.

Cấu trúc “Kinh Cầu chịu nạn”, ngoài phần đầu
[1] kêu cầu xin Chúa thương xót khi tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, thì nội dung của kinh như là một bản giáo trình Kitô học kể lại cuộc đời Chúa Giêsu từ khi sinh ra cho đến khi Chúa chịu chết, sống lại và lên trời. Tuy nhiên, cuộc thương khó được kể chi tiết và thảm thương nhất. Tiếp theo là phần cảm nghiệm, sám hối, là những xác quyết và những lời cầu nguyện cậy dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu để Người ban ơn và cứu chữa chúng ta.

Những Kitô hữu bình dân khi thuộc lời kinh là thuộc cả một giáo trình Kitô học, thuộc và nhớ cả cuộc đời Chúa Cứu Thế và lấy cuộc đời ấy mà soi vào cuộc đời của mình. Đọc lời kinh, chúng ta cảm nghiệm được phương pháp dạy giáo lý đức tin thời các giáo sĩ truyền đạo thuở xưa. Các ngài đã dạy rất dễ hiểu, dễ nhớ và dễ cảm nghiệm. Tuy nhiên, trong giáo trình Kitô học này nội dung của nó chứa đựng cả phần mầu nhiệm Phục Sinh, lên trời và cuộc phán xét cuối cùng… Phần này chúng ta sẽ suy gẫm vào phút cầu nguyện trong mùa Phục Sinh.

Lời “Kinh Cầu chịu nạn” đem lại cho chúng ta ý nghĩa sâu sắc về cuộc thương khó của Chúa, từng lời kinh khi đọc với cung giọng thương nghe như thấm trọn tâm tư cảm mến vào tận đáy lòng:

Chúa Giêsu chịu đòn đến nát hết cả thân mình.
Chúa Giêsu chịu những gai nhọn thâu vào đầu.
Chúa Giêsu quân lính quì nhạo cho xấu hổ.
Chúa Giêsu Philatô đem ra cho dân thấy mà thương.
… Chúa Giêsu chịu vác Thánh Giá nặng lắm.
Chúa Giêsu chịu đóng đinh chân tay vào Thánh Giá.
Chúa Giêsu chịu nạn cùng hai kẻ gian dữ.
Chúa Giêsu xin Đức Chúa Cha tha tội cho kẻ làm khổ mình...

 
Sau phần tường thuật cuộc thương khó của Chúa Giê-su, lời kinh hướng lòng chúng ta đến tâm tình cầu nguyện dựa vào công nghiệp của Chúa Giê-su:

Chúa Giêsu hằng có lòng lành,
Chúa Giêsu chữa chúng con.
Kẻo bất nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu.
Kẻo phạm tội nghe ma quỷ cám dỗ.
Kẻo sa hoả ngục chẳng được công Đức Chúa Giêsu chuộc cho.
… Chúa Giêsu cho chúng con ăn năn tội chừa mọi sự dữ.
Chúa Giêsu cho chúng con kính mến Chúa trên hết mọi sự.
Chúa Giêsu cho chúng con cậy trông vì đã chuộc tội chúng con…

 
Ước chi tâm tình và lòng đạo đức bình dân cùng nét văn hóa dân tộc thấm đẫm vào cõi lòng chúng ta nhờ đó chúng ta yêu Chúa mỗi ngày một hơn, và chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta lớn lao biết chừng nào.
 
Tình yêu Thiên Chúa vô ngần
Đã ban Con Một xuống trần vì ta.
Nhờ Người ta được thứ tha,
Được ơn cứu độ, giao hòa phúc vinh.
Ngước trông Thánh Giá uy linh
Xin ơn biến đổi hành trình hồi tâm,
Xua đi bóng tối mê lầm,
Đi trong ánh sáng phúc âm muôn đời.

[1] Xin Chúa thương xót chúng con. *Thưa: (lặp lại)
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. *Thưa: (lặp lại)
Xin Chúa thương xót chúng con. *Thưa: (lặp lại)
Chúa Kitô nghe cho chúng con. *Thưa: Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
*Thưa: Thương Xót Chúng Con (câu nào cũng thưa như vậy)
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
 
114.864864865135.135135135250