09/04/2023 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

1661
Kinh Cầu Chịu Nạn (2)
Kinh Cầu Chịu Nạn (2)
Mời bấm vào đây để nghe

Giáo Hội là Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành các công trình cứu chuộc của Ðấng Phu Quân chí thánh bằng việc tưởng niệm vào những ngày ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày gọi là ngày Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh; mỗi năm một lần Giáo Hội còn cử hành mầu nhiệm ấy hết sức trọng thể vào dịp lễ Chúa Phục Sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.[1] 

Mùa Chay, chúng ta đã cùng suy gẫm chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa được tổng hợp rất cô đọng ở trong Kinh Cầu chịu nạn. Tuy nhiên, trong cấu trúc Kinh Cầuchịu nạn lại chứa đựng một phần dành cho mầu nhiệm Phục Sinh.
 
Chúa Giêsu ngày thứ ba sống lại đem các Thánh lên.
Chúa Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ.
Chúa Giêsu cho thánh Tôma xem năm dấu thánh.
Chúa Giêsu truyền cho thánh Phêrô cai trị Hội Thánh.
Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ đi khắp thế gian rao giảng nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trước mặt thiên hạ lên trời.
Chúa Giêsu ngày tận thế lại xuống phán xét.

 
Niềm vui vỡ òa của mầu nhiệm Phục Sinh tràn ngập đất trời, nhưng dường như còn nghe đâu đó văng vẳng cung thương của mùa thương khó. Phải chăng, con người đang sống trong lo âu thấp thỏm, cảm nhận nỗi sợ hãi hơn là niềm vui. Ngày Thứ Sáu khổ nạn dường như đã lấn át ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Nhiều người khủng hoảng niềm tin đã đặt vấn đề: Tại sao Thiên Chúa lại cho những đau khổ xảy ra trên thế giới? Tại sao Chúa lại chịu chết nhục nhã đớn đau? Tại sao Kinh Cầu chịu nạn tường thuật những đau khổ của Chúa thật dài mà chỉ có một phần ngắn cho mầu nhiệm Phục Sinh ?

Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa đã chịu chết để gánh tội trần gian. Ngài đã đi đến tận cùng nỗi thống khổ của con người nên đau khổ không còn xa lạ với Chúa. Ngài thấu hiểu những đau khổ, bất công ta phải chịu; bởi chính Ngài đã hạ mình xuống, chịu đánh đòn, đau khổ và chết như ta... Nhưng vào buổi sáng Phục Sinh, tình yêu đã chiến thắng sự chết. Niềm vui và hy vọng đã tràn vào lật tung nấm mồ sợ hãi và tuyệt vọng. Sự ác đã bị đánh bại. Tử thần đã bị tiêu diệt. Chiêm ngắm những đau khổ của Chúa được mô tả trong lời kinh, để chúng ta tìm ra giá trị cho những đau khổ trong cuộc đời.

Một đoạn trong Kinh Cầuchịu nạn dành cho mầu nhiệm Phục Sinh, giúp cho chúng ta nhận ra được rằng, khổ nạn và phục sinh hai giai đoạn của một mầu nhiệm duy nhất, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Ki-tô, cứu ta khỏi tội lỗi và cho ta được ân phúc giao hòa với Thiên Chúa.

Biến cố Phục Sinh không chỉ thuộc về lịch sử, cũng không phải là một kỷ niệm chỉ còn vang vọng trong ký ức, nhưng là một thực tại luôn hiện diện hôm nay. Chúng ta đọc được trong từng biến cố khổ đau của cuộc đời luôn có niềm hy vọng Phục Sinh. Niềm hy vọng này hoàn toàn có cơ sở vững chắc, bởi chúng ta đã được thông phần vào sự Phục Sinh của Chúa.

Lời kinh cho ta những dẫn chứng tóm lược của Tin Mừng, các tông đồ đang run sợ, thất vọng, đã trở nên mạnh mẽ, Chúa đã sống lại, lên trời, rồi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét trong ngày sau hết...

Lời kinh cho ta chứng tích đức tin của các tông đồ, các Ngài đã được Chúa Phục Sinh biến đổi, đã mạnh mẽ làm chứng cho Chúa và đã dám hy sinh tính mạng của mình. Các tông đồ đã có cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Ki-tô Phục Sinh, nên các Ngài mới có đủ sức mạnh làm chứng.

Ước gì mỗi lần đọc Kinh Cầu chịu nạn, chúng ta cảm nghiệm sâu hơn hồng ân cứu độ. Ước chi sức mạnh Phục Sinh của Chúa luôn là động lực giúp chúng ta sống tốt hơn.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin Chúa tuôn đổ trên chúng con sức sống của Chúa. Xin cho con được tràn ngập niềm vui như xưa Chúa đã ban cho các tông đồ của Chúa. Ước gì niềm vui của Chúa Phục sinh lớn mãi trong tâm hồn con, biến đổi con thành những chứng nhân cho niềm hy vọng, để con mang niềm vui đến cho những ai đang tuyệt vọng, đem nụ cười đến cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người. Xin Chúa Phục Sinh chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen

[1] Cđ Vat II, Hiến chế Phụng vụ số 102.
 
114.864864865135.135135135250