Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã dạy: Những người chết trong tình nghĩa với Chúa và đã sạch mọi vết nhơ tội lỗi thì được hưởng phúc thiên đàng ngay… Những người chết trong tình nghĩa với Chúa nhưng vẫn còn vương vết nhơ tội lỗi thì phải tẩy luyện một thời gian rồi mới được lên thiên đàng... Những người đến khi chết vẫn từ chối tình yêu của Chúa, còn mang tội trọng trong mình mà không chịu sám hối thì phải xuống hỏa ngục.[1]
Mẹ Giáo Hội luôn yêu thương và muốn cho con cái của mình được chết trong ân nghĩa với Chúa. Vì thế, Giáo Hội đã mở ra lời kinh Cầu cho những người hấp hối, để giúp họ nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và nhắc họ về một việc quan trọng duy nhất phải làm trong lúc này là tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, xin lòng thương xót của Chúa che chở và cứu giúp họ mà thôi. Lời kinh như sau:
Lạy Chúa Giêsu rất khoan nhân. Chúa yêu thương các linh hồn. Con nài xin Chúa vì cơn phiền muộn hấp hối mà Trái Tim Cực Thánh Chúa đã chịu, và vì những đau đớn của Mẹ Chúa, Đấng không hề mắc vết nhơ tội tổ tông; xin Chúa rửa trong Máu Chúa những ai còn đang mắc tội trong khắp thiên hạ mà bây giờ đang hấp hối và sẽ chết trong ngày hôm nay. Lạy Trái Tim Chúa Giêsu đã chịu phiền muộn hấp hối, xin thương xót các người đang hấp hối. Amen.
Lời kinh cho chúng ta thấy điều cốt tủy của niềm tin và điểm nhấn giúp ta suy gẫm trong mùa Chay đó là “xin Chúa rửa trong Máu Chúa những ai còn đang mắc tội trong khắp thiên hạ.” Quả thật, khi chiêm ngắm Thánh giá, chúng ta xin Chúa cho chúng ta và cho những ai đang hấp hối cảm nghiệm được rằng: Chúa Giêsu đã bằng lòng chịu phép rửa trong máu để tha thứ tội lỗi chúng ta.[2] Ơn tha thứ là ơn đến từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, tin vào lòng thương xót của Chúa là tin sẽ được cứu độ.
Đối với những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà đang lâm cơn hấp hối, Mẹ Giáo hội còn căn dặn chúng ta: Phải lưu tâm săn sóc những người ấy để giúp họ sống những giây phút cuối đời một cách tốt đẹp và bình an. Thân nhân phải nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và lo cho họ lãnh nhận các bí tích đúng lúc, để chuẩn bị họ gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.[3]
Hơn nữa, đối với những người hấp hối mà chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng dạy: “Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết với đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Ðức Kitô và với Ðức Kitô. Dù không là bí tích, rửa tội bằng máu, cũng như ước muốn được rửa tội, vẫn mang lại hiệu quả của Bí tích Thánh Tẩy.”[4]
Đức tin cần thiết để được cứu độ. Chính Chúa khẳng định: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ…”[5] Chúng ta tin và chúng ta đọclời kinh Cầu cho những người hấp hối để xin cho các anh chị em ấy tin rằng, nước Thánh Tẩy tượng trưng cho mầu nhiệm Thánh Giá, được rửa tội là cùng chết với Ðức Kitô.Xin Chúa rửa chúng con trong Máu Chúa là xin được cùng chết với Chúa và được Chúa Cứu chuộc.[6]
Về phần các bệnh nhân, nếu các bệnh nhân biết rằng cái chết đang gần kề, thì hãy kết hợp cái chết của mình với cái chết của Chúa Giêsu. Hãy vững tin,mình sẽ vào nơi bình an và ở bên Chúa trên núi thánh Xion, cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, với thánh Giuse, với toàn thể thiên thần và các thánh của Chúa... Hãy xin Ðức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và toàn thể các thánh ra đón tiếp... Xin cho chúng ta được nhìn thấy tận mắt Ðấng Cứu Chuộc... Hơn nữa, nếu các bệnh nhân bận tâm rằng, ta phải hoàn tất công việc của ta còn đang dang dở trên thế gian này. Thì hãy nhớ, chỉ có một điều mà ta phải luôn hoàn tất - đó là tình yêu của ta đối với người khác - ở đây trong khoảnh khắc hiện tại này. Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta về những điều chúng ta đã làm cho anh em của mình.
Lạy Chúa Giêsu rất khoan nhân. Chúa yêu thương các linh hồn... Xin Chúa rửa trong Máu Chúa những ai còn đang mắc tội trong khắp thiên hạ mà bây giờ đang hấp hối và sẽ chết trong ngày hôm nay. Lạy Trái Tim Chúa Giêsu đã chịu phiền muộn hấp hối, xin thương xót các người đang hấp hối. Amen.
[1] GLCG các số 954, 1023, 1052, 1033-1037, 1056-1058.
[2]x. Mt 26,39.
[3] GLCG các số 2299 (1525).
[4] GLCG các số 1258 (2473).
[5] Mc 16,16.
[6] GLCG các số 1220.