Về phương diện tự nhiên, con người cần nương tựa, cậy nhờ và bổ túc cho nhau, để giúp nhau bù đắp những khiếm khuyết thể lý, quân bình đời sống tâm lí và trưởng thành nhân cách. Trong lãnh vực siêu nhiên, con người sẽ không thể nào trở nên hoàn thiện[1]nếu như không biết cậy trông và tựa nương vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Các tác giả Thánh vịnh thật khôn ngoan khi đưa ra lời khuyên: “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.”[2]Thiết tưởng, “Kinh Cậy” mà ta quen đọc, suy ngẫm và cầu nguyện mỗi ngày sẽ giúp ta có được tâm tình ấy.
Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giê-su thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen
Lời kinh giúp chúng ta xác định rõ đối tượng của niềm trông cậy là ở nơi Thiên Chúa, chứ không phải cậy dựa vào một sức mạnh phàm trần nào. Lời kinh còn cho chúng ta thấy rõ lý do trông cậy được đặt cơ sở trên niềm xác tín căn bản là cậy nhờ “công nghiệp Chúa Giê-su”chứ không phải do công lao của riêng ta. Trông cậy công nghiệp Chúa Giê-su sẽ giúp ta sống trọn ơn nghĩa với Chúa là “giữ đạo cho nên ở đời này” và “ngày sau được lên thiên đàng” cùng hưởng vinh phúc với Chúa. Lời kinh còn giúp ta thấm nhuần giáo lý mà mẹ Hội Thánh đã dạy: “Đức cậy là nhân đức giúp ta chắc chắn và bền lòng mong ước điều ta phải làm ở đời này là ca tụng Chúa, phụng sự Chúa, và tìm hạnh phúc thật trong Chúa. Bởi vì chỗ ở cuối cùng của ta là nơi Thiên Chúa.”[3]
Quả vậy, đối tượng riêng biệt và chính yếu của đức cậy là hạnh phúc vĩnh cửu.Đức cậy là nhân đức siêu nhiên được phú ban trong linh hồn chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa; là nhân đức kiếm tìm hạnh phúc vĩnh cửu trong sự kết hiệp với Thiên Chúa, một sự thiện trong tương lai, dù cam go nhưng có thể đạt được. Thánh Tô-ma A-qui-nô đã nói: “Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể hy vọng bất cứ điều gì như là điều khả dĩ đối với mình; chúng ta hy vọng đạt tới chính Thiên Chúa và nơi Người chúng ta đặt hy vọng. Do đó rõ ràng trông cậy là một nhân đức vì nó làm cho một hành vi nhân linh nên tốt lành và làm cho hành vi đó đạt được mục đích của nó.”[4] Bởi chưng, phần thưởng phúc thiên đàng mà ta hy vọng được hưởng đã được bảo đảm chắc chắn bởi lời hứa của Đấng phép tắc - quyền năng “không có gì là không thể làm được.” Ngài là Thiên Chúa “lòng lành vô cùng”, vì thế ta hãy tin chắc lời hứa ấy sẽ được thực hiện cách trọn vẹn “chẳng có lẽ nào sai được.”
Thiếu lòng trông cậy chúng ta có thể trở thành người mang tội tuyệt vọng. “Sự tuyệt vọng làm cho chúng ta từ bỏ hy vọng về thiên đàng, và tin rằng chẳng có cơ hội nào dành cho mình – vì thế dẫn đến chối từ quyền năng Thiên Chúa và cự tuyệt lòng xót thương của Ngài.”[5]
Khi bắt đầu giờ kinh hoặc giờ cầu nguyện, truyền thống của Hội Thánh thường đọc “Kinh Cậy”. Bởi vì cầu nguyện là một hành vi cậy trông. Khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa; chúng ta không thể tự xoay xở khi đối mặt với những thử thách của cuộc sống; chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa hơn mọi nguồn lực và tài năng của riêng mình. Trong cầu nguyện, lòng cậy trông được diễn tả, được đào sâu và củng cố. Hơn nữa, trong cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng mình là người nghèo của Thiên Chúa, chúng ta đến kêu cầu và cậy dựa vào Ngài.
Lạy Chúa, niềm hy vọng đời con đặt nơi Chúa. Nhờ thế, con dám tự tin để khẳng định như thánh Phao-lô: “Tôi làm được mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho tôi.”[6] Và cùng với các tác giả Thánh Vịnh ta hãy vững lòng trông cậy và suy gẫm sâu hơn khi đọc “Kinh Cậy”: “Tâm hồn chúng con đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng có Người chúng con mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở thánh danh. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.” (Tv 32)