19/05/2021 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

4481
Kinh Đức Chúa Thánh Thần
KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN


Về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Hội Thánh, Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy: Đời sống luân lý Kitô hữu là đời sống “trong Đức Kitô”[1] “trong Chúa Thánh Thần”[2]. Nói một cách cụ thể hơn, Chúa Thánh Thần là vị Thầy nội tâm của đời sống theo Chúa Kitô, là vị linh hướng, là Đấng chỉ bảo và củng cố đời sống Kitô hữu.[3] Ngài còn là vị thầy dạy cầu nguyện, vì thế truyền thống Giáo Hội luôn cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi khi bắt đầu công việc và mỗi khi cầu nguyện.[4]

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần, đó là tâm tình và lời tạ ơn trước khi cầu xin.

Sau lời tạ ơn, lời kinh cho chúng ta một niềm vui, vì chúng ta có Chúa Thánh Thần như một người bạn tâm giao, một vị tôn sư, một nghệ nhân truyền lửa. Lời kinh với ba lời cầu xin dựa trên nền tảng Giáo lý về Chúa Thánh Thần:

“Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con”.
[5]

Hành động “đốt lửa” gợi lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh của một người thợ bạc luyện kim trong lò. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa tình yêu rực cháy. Ngài dùng lửa thiêng mà thiêu đốt tâm hồn chúng ta để thanh luyện trái tim chúng ta, giúp chúng ta “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực.”[6]

Như một nghệ nhân, Chúa Thánh Thần đã biết cách truyền lửa nhiệt tâm và đổ Thần Khí yêu thương[7] vào lòng chúng ta, để chúng ta biết sống bác ái với tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa. Nhờ đó ta có được kinh nghiệm như thánh Phao-lô:trong Thiên Chúa ta sống, ta hoạt động và ta được hiện hữu.[8]

 “Chúng con xin Chúa Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.”

Ý thức về phận người bất toàn, nhiều sai lỗi cần được dạy dỗ để nên hoàn thiện. Chúng ta lại vừa cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc vì được thụ giáo với một vị tôn sư tuyệt vời là Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ bắt đầu việc sửa dạy một cách có nền tảng, Ngài đổi mới mọi sự”
[9] để chúng ta biết bước đi theo nẻo chính đường ngay và biết thi hành thánh ý Thiên Chúa. Khi tim ta trở nên khiêm nhường dễ bảo, Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục dạy dỗ chúng ta mọi điều. Đúng như lời Chúa Giê-su đã nói: “Khi Đấng Bảo Trợ đến Ngài sẽ làm cho anh em hiểu hết tất cả những gì Thầy đã nói và Ngài sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”[10]

Ngài sửa lại mọi sự trong ngoài bằng những hoạt động xây dựng và nối kết lại các tương quan tình yêu: trong tương quan với Thiên Chúa, Ngài dạy ta sống đời cầu nguyện[11] cách thâm sâu và dạy ta sống mối tình con thảo với Thiên Chúa; trong tương quan với tha nhân Ngài dạy ta sống tình bác ái chân thành vì đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.

“Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi
[12]  dạy dỗ[13] chúng con làm những việc lành.”

Như bạn đồng hành, Chúa Thánh Thần luôn ở bên chúng ta mọi nơi, mọi lúc để nâng đỡ, an ủi ta khi gặp cơn gian nan thử thách… Vậy nên, cùng với thánh Phao-lô ta luôn ý thức rằng: “Nếu ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.”
[14] Như bạn thân thiết, Ngài biết cách lôi cuốn và rủ rê chúng ta làm việc lành, nhắc nhở chỉ bảo mỗi khi cần.

Như vậy, lời kinh cho chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần: trong hiện tại – Ngài đốt lửa yêu mến Chúa, với quá khứ - Ngài sửa lại mọi sự trong ngoài, ở tương lai – Ngài an ủi dạy dỗ chúng ta làm việc lành.

Lạy Thánh Thần tình yêu, xin đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, xin cho lửa yêu mến Chúa xóa tan mọi băng giá vô cảm, vì thiếu tình thương nơi mỗi người chúng con.

Lạy Thánh Thần là Thánh Sư dạy đường chân lý, xin hướng dẫn những ai đang lầm đường, u mê, lạc lối được trở về nẻo chính đường ngay. Xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, sửa dạy sự ngoan cố để chúng con lớn lên trong tình yêu.

Lạy Đấng An Ủi dịu hiền, Chúa luôn ở với chúng con và đồng hành với Giáo Hội như một người bạn thân thiết, xin đến an ủi chúng con và dạy chúng con làm những việc lành, xin cho chúng con luôn biết mến yêu Chúa cách chân thành, biết cởi mở tâm hồn, sẵn lòng lắng nghe và mau mắn vâng theo sự chỉ bảo của Ngài. Amen

[1] Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1694.
[2] Giáo lý Hội Thánh Công giáo các số 1695, 1699.
[3] Giáo lý Hội Thánh Công giáo các số 1695, 1697.
[4] Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 741.
[5] Giáo lý Hội Thánh Công giáo các số 733, 736.
[6] Mc 12,33.
[7] Rm 5,5.
[8] Cv 17,28.
[9] Kh 21,5.
[10] Ga 16,13.
[11] Rm 8,26.
[12] Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 692.
[13] Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 729.
[14] Gl 5,25.
114.864864865135.135135135250