10/10/2020 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

3456
Kinh Hãy Nhớ
Thật đẹp biết mấy những hình ảnh và sự hy sinh thầm lặng của bao người mẹ tảo tần sớm hôm chỉ vì lo cho tương lai của con cái. Ghi khắc vào tim tình yêu thương của mẹ - người đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta, từng ngày trôi qua, chúng ta cũng được mời gọi ghi khắc vào tâm hồn hình ảnh của Mẹ Maria - người Mẹ của hết mọi người mẹ, người mẹ của đời sống thiêng liêng, người mẹ vẫn hằng chở che, yêu thương và gìn giữ hết những ai tìm đến với Mẹ. Mang tâm tình của người con thảo và bước đi dưới ánh sáng đức tin, chúng ta cùng hướng lòng lên Mẹ Maria và dâng lời kinh nguyện:

Lạy Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe, có người nào chạy đến cùng Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Vì thế, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Mẹ, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Mẹ đoái đến con, là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen

Lời kinh nhắc nhở chúng ta luôn ghi nhớ và vững lòng tin tưởng: “Chúng ta có một người Mẹ ở trên trời. Mẹ được sống trong Chúa và với Chúa, Mẹ gần gũi mỗi chúng ta, hiểu biết nỗi lòng của chúng ta. Mẹ nghe lời cầu nguyện đồng thời Mẹ ra tay giúp đỡ chúng ta như một người Mẹ nhân lành. Và, như lời Chúa Giêsu nói, Mẹ được trao ban là Mẹ thật của chúng ta, chúng ta có thể nói với Mẹ mọi lúc.”
[1]

Quả vậy,với niềm tin đơn sơ chân thành, chúng ta đồng thanh xưng tụng: “Mẹ rất nhân từ,” vì “xưa nay chưa từng nghe, có người nào chạy đến cùng Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.”Lời kinh gợi lên tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, cho ta nhận thức được cách sâu sắc tình yêu thương của Mẹ. Chúng ta khấn xin Mẹ “hãy nhớ” đến tất cả những ân lộc Chúa ban cho nhân trần qua tay Mẹ, thì chúng ta cũng “hãy nhớ”về những ơn lộc ấy để vững lòng trông cậy và tiếp tục kêu xin.

Tuy nhiên, điều chúng ta cầu xin phải được đặt trong sự ý thức về những yếu đuối của thân phận con người. Lời khấn xin Mẹ thương cứu giúp không bao giờ chỉ dừng lại ở những gì liên quan đến vật chất, bệnh tật, may rủi… Nhưng lời khấn xin ấy là lòng khát khao những giá trị dưỡng nuôi tâm hồn để chiếm giữ nguồn hạnh phúc đích thực là chính Chúa Giêsu Con của Mẹ. Xin Mẹ đoái thương nhìn tới chúng con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế. Xác tín về điều này, một triết gia vô thần người Đức
[2] đã nói: “Ở đâu đức tin về Mẹ Thiên Chúa bị lu mờ thì đức tin về Con Thiên Chúa và về Thiên Chúa cũng bị lu mờ.” Nghĩa là ở đâu niềm tin vào Mẹ được nung nấu bền vững thì ở đó niềm tin vào Thiên Chúa cũng được bảo tồn và gìn giữ.

Là con cái của Mẹ, nơi chúng ta “Có điều gì đó như một tình hiếu thảo tự nhiên của lòng tin, thúc đẩy chúng ta nhất thiết phải đến kêu cầu danh Mẹ trong mọi nhu cầu và mọi cơn gian nan khốn khó, như trẻ thơ chạy đến nép mình vào lòng mẹ.”
[3]Hơn thế nữa, với niềm xác tín như Giáo lý Hội Thánh đã dạy, chúng ta trông cậy chạy đến với Mẹ, vì “Mẹ là Mẹ của chúng ta trong lãnh vực ân sủng. Tình mẫu tử này của Mẹ Maria trong Nhiệm cục ân sủng kéo dài không ngừng... Quả vậy, sau khi Mẹ được lên trời, nhiệm vụ cứu độ của Mẹ không chấm dứt, nhưng qua việc liên lỉ chuyển cầu của mình, Mẹ tiếp tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu...”[4]

Vì thế, chúng ta thưa với Mẹ: Xin Mẹ cứ tiếp tục tuôn đổ ơn lành của Thiên Chúa xuống trên chúng con; xin Mẹ mãi mãi dủ thương; xin Mẹ luôn dang rộng vòng tay cứu giúp;  “Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con.”Xin cho chúng con luôn nhớ đến Mẹ, bởi chúng con cần có Mẹ thương dẫn đường chỉ lối để tìm về bên Chúa. Nguyện cho những chuỗi ngày sống của chúng con là những nỗ lực và cố gắng bước theo Mẹ, để chúng con nên giống Mẹ mà trở thành “những Maria khác” ở giữa đời. Amen

[1] Trích bài giảng của ĐTC Biển Đức XVI, ngày 15/8/2015, trong Youcat Việt Nam, tr 131.
[2] Ludwig Feuerbach (1804-172), Youcat Việt Nam, tr.85.
[3] Chân phước Ghê-ri-cô – Trích Bài đọc Kinh Sách, Phần chung Đức Maria, tr.1206-1207.
[4] GL HTCG số 968-969.
114.864864865135.135135135250