09/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

1005
Kinh Lạy Cha  Giúp Ta Biết Làm Đẹp Lòng Chúa Cha
KINH LẠY CHA
Giúp ta biết làm đẹp lòng Chúa Cha 
[1]
Mời bấm vào đây để nghe


Chúng ta có thể phân vân tại sao Đấng đã biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta xin, lại còn dạy chúng ta cầu nguyện. Thánh Au-gut-ti-nô nhắn nhủ: Chúng ta phải hiểu rằng, Chúa là Thiên Chúa, Người không cần chúng ta tỏ ý muốn của chúng ta cho Người biết, vì Người không thể không biết; nhưng Người muốn dùng việc cầu nguyện để kích thích lòng khao khát của chúng ta.[3] 
 
Vậy, khi chúng ta cầu nguyện: Xin làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển (Danh Cha cả sáng), là chúng ta nhắc bảo mình ao ước cho danh Cha vốn là thánh được mọi người nhìn nhận. Như thế, với tâm tình thờ lạy, lời nguyện này đôi khi được hiểu như một lời ca ngợi và tạ ơn. Cầu nguyện như thế không phải là chúng ta ước mong cho Thiên Chúa được hiển thánh nhờ những lời cầu nguyện của chúng ta; nhưng là chúng ta xin Thiên Chúa cho danh Người được hiển thánh nơi chúng ta, qua cách sống đạo và đời cầu nguyện của chúng ta. Nếu ta sống tốt lành, mọi người sẽ chúc tụng danh Thiên Chúa, nếu ta sống tệ hại, họ sẽ xúc phạm đến danh Người. Vì chính Người đã phán: Các ngươi phải sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh.

Khi đọc: Xin cho danh thánh Cha vinh hiển, chúng ta nguyện xin cho chúng ta được tham dự vào kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Và,  vì nhờ danh thánh Cha mà toàn thể thụ tạo sa ngã được cứu độ và thánh hóa; danh Cha được tôn vinh nơi chúng ta là những người đang sống trong Cha, và cả nơi những người mà Cha đang chờ đợi để ban ơn cho họ.

Khi chúng ta thưa lên: Xin cho triều đại Cha mau đến (nước Cha trị đến) là chúng ta thôi thúc lòng mình ao ước cho triều đại mà Thiên Chúa đã hứa ban, nhờ Đức Ki-tô cam chịu khổ hình để dành lại cho chúng ta mau trở thành hiện thực, và chúng ta cùng được trị vì trong đó. Triều đại ấylà công chính, ngay thẳng, bình an và niềm vui trong Chúa Thánh Thần.
[4]  Triều đại ấy là triều đại dành cho những ai đã từ khước vượt xa mọi danh giá và quyền cai trị ở đời này.

Khi đọc: Xin chotriều đại Cha mau đến là ta xin cho Chúa Kitô lại đến như Người đã hứa, và cho Nước Chúa, đã bắt đầu nơi trần gian được hoàn thành một cách xứng đáng. Ước mong này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng nơi trần thế, trái lại càng thúc giục chúng ta dấn thân hơn nữa. Tuy nhiên, thánh Xy-ri-1ô thành Giê-ru-sa-1em đã nhắc nhờ chúng ta rằng: “Chỉ người có tâm hồn trong sạch biết giữ tư tưởng, lời nói và hành vi của mình, người đó mới có thể nói với Thiên Chúa: Xin cho triều đại Cha mau đến.

Khi chúng ta cầu nguyện: Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời là chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta chính sự tuân phục, để nhờ đó, ý của Người thể hiện nơi chúng ta như vẫn được các thiên thần của Người thi hành trên thiên quốc. Chúng ta không xin Thiên Chúa thực hiện điều Người muốn, nhưng xin cho chúng ta có sức thi hành điều Thiên Chúa muốn. Đức Ki-tô đã làm và đã dạy chúng ta: ăn ở khiêm tốn, giữ vững đức tin, nói năng thận trọng, hành động công chính, bác ái từ thiện, sống có kỷ cương; không làm hại ai; sống hoà thuận; yêu mến Chúa hết lòng... Làm như thế là nên đồng thừa tự với Đức Ki-tô. Làm như thế là chu toàn thánh ý Chúa Cha.

Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã cho chúng con được làm con của Cha. Con xin hứa sẽ cố gắng sống xứng đáng. Con nguyện cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, bây giờ và luôn mãi Amen.

Nếu muốn xin một điều gì với một nhân vật quan trọng và có thế giá, thử hỏi có người nào ngớ ngẩn và vô tâm đến nỗi trước đó không đắn đo suy nghĩ xem phải nói thế nào cho đẹp lòng người ấy, để người ấy không cảm thấy chán hay bực mình? Người xin phải xét xem cần xin điều gì và lý do nào thúc đẩy họ xin điều đó. Chúa Giê-su tốt lành dạy chúng ta cầu xin Chúa Cha: Nguyện danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.[2]  Chúng ta hãy xem Thầy Giê-su của chúng ta khôn ngoan tuyệt vời biết bao khi dạy chúng ta lời cầu xin này.

[1] Bài viết tham khảo: Thư của thánh Au-gut-ti-nô, giám mục, gửi cho Prô-ba; Khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, về kinh Lạy Cha;GL HTCG các số 2807-2828; Youcat Việt Nam các số 519-521.
[2] Lược trích trong sách “Đường trọn lành” của thánh Tê-rê-xa, trinh nữ.
[3] Trích thư của thánh Au-gut-ti-nô, giám mục, gửi cho Prô-ba.
[4] Rm 14,17.
 
114.864864865135.135135135250