02/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

1255
Kinh Lạy Nữ Vương
KINH LẠY NỮ VƯƠNG
Mời bấm vào đây để nghe

 
Vào khoảng thế kỷ XI, ở nước Đức, có một gia đình sang trọng, thực hành đời sống đạo tốt lành. Gia đình ấy sinh được một con trai, đặt tên là Herman. Herman lọt lòng với một hình thù xấu xí - tàn tật. Đứa bé lùn tịt, lại thọt một chân, miệng méo, lưng còng, ăn nói thì ngập ngọng,… tâm trí thì u mê tăm tối, dáng bộ ngờ nghệch...

Lên 16 tuổi, Herman mới đủ trí khôn để nhận thấy mình tàn tật và kém thua chúng bạn. Kể từ đó, Herman ngày ngày cầu xin Đức Mẹ cứu chữa cho mình mà không chút ngã lòng.

Một hôm, Herman lại đến trước bàn thờ Đức Mẹ và kêu van như mọi khi… Lần ấy, Đức Mẹ đã nhận lời và chữa lành cho cậu, lại còn phù hộ cho cậu được trí thông minh cách lạ lùng.

Sau này, khi đã trở thành thầy dòng Biển Đức (+1054), ở tu viện Reichenau (Rái-x-nô), vùng Bodensee (Bô-đen-ci), miền Nam nước Đức,
[1] để nhớ ơn Đức Mẹ, Herman đã viết lại những tâm tình trong lần cầu nguyện đặc biệt đó bằng tiếng Latinh – một lời cầu nguyện tha thiết, tạ ơn và tràn lòng yêu mến. Nhờ vậy mà ngày nay Giáo Hội có được bản kinh vô cùng ý nghĩa - “kinh Salve Regina - kinh Lạy Nữ Vương.[2]

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đày kêu đến cùng Mẹ, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Mẹ thương. Hỡi ôi! Mẹ là chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau cõi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

Lời kinh là tâm sự riêng tư của một người con tàn tật khổ đau nói với Mẹ; nhưng lại diễn tả được tâm tư, tình cảm của nhiều trái tim có chung nỗi thao thức và băn khoăn về cuộc đời trong mọi thời. Vì mọi lời trong câu kinh đều toát lên “niềm xác tín” chung của cả Giáo Hội.

Khi vừa cất lời xưng tụng “Lạy Nữ Vương”, tâm trí chúng ta liên tưởng đến các tước hiệu mà Giáo Hội đã tôn xưng Mẹ:

 
Nữ Vương các thánh Thiên thần,

Nữ Vương các thánh Tổ tông,

Nữ Vương các thánh Tiên tri,

Nữ Vương các thánh Tông đồ,

Nữ Vương các thánh Tử vì đạo,

Nữ Vương các thánh Hiển tu,

Nữ Vương các thánh Đồng trinh,

Nữ Vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ,

Nữ Vương chẳng hề mắc Tội Tổ tông,

Nữ Vương linh hồn và xác lên trời,

Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân côi,

Nữ Vương gia đình,

Nữ Vương ban sự bình an”
[3];

Đồng thời, chúng ta cũng tuyên xưng một tước hiệu cao trọng hơn thế nữa: Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, “Mẹ của Vua muôn đời.”[4]

Lời kinh là tấm lòng đơn thành của một người mang dáng vẻ tầm thường, nhưng khơi lại những cảm thức đức tin sống động. Sở dĩ chúng ta gọi “Mẹ nhân lành” là bởi ta đã từng cảm nhận được những ơn lành ngang qua Mẹ. Mẹ “làm cho chúng con được sống”, nghĩa là đang khi nhân loại còn ở trong tình trạng phải chết vì án tội nguyên tổ, thì Mẹ đã làm cho cả thế giới được hồi sinh nhờ hai tiếng xin vâng. Mẹ “làm cho chúng con được vui”[5] khi trao ban chính Chúa Giêsu cho chúng con, như xưa Mẹ đã mang Chúa đến với gia đình Elisabeth.[6] Mẹ “làm cho chúng con được cậy” vì Mẹ vừa là niềm cậy trông của chúng con, vừa là Đấng trung gian làm cho chúng con biết cậy trông và phó thác vào Chúa.

Thế nên, ta vừa ý thức phận mình hèn mọn lại vừa tin tưởng cung kính thân thưa với Mẹ: “Thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Mẹ, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Mẹ thương. Hỡi ôi! Mẹ là chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con…” Khi nhận mình là “con cháu Eva” chúng con muốn ghi nhớ công trạng của Mẹ. Vì xưa, nguyên tổ Evà bất tuân mà chúng con phải chết, thì nay nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu và sự đồng công cứu chuộc của Mẹ, mà cả nhân loại chúng con được sống.
[7]

Chúng con tung hô Mẹ làm trạng sư, làm đấng phù hộ, đấng hằng cứu giúp, đấng trung gian[8] để không chỉ xin Mẹ thương giúp những sự khốn khó ở đời này, mà còn tin tưởng cầu xin Mẹ thương “lúc sau cõi đày, chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh.” Amen.

[1] http://www.tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150821/31789
[2]Salve Regina
[3] Trích “Kinh cầu Đức Bà”.
[4] Trích bài giảng của thánh An-rê, giám mục Cơ-rê-ta,  bài đọc II kinh sách, “lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria”.
[5] Pl 4,4
[6] Lc 1,39-56
[7] CĐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 56.
[8] CĐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 62.
114.864864865135.135135135250