01/10/2023 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

919
Kinh Mân Côi – Lời Kinh Của Gia Đình
Kinh Mân côi – lời kinh của gia đình[1] 
Mời bấm vào đây để nghe

Có thể nói, Kinh Mân côi vừa là kinh nguyện trong gia đình, vừa là chìa khoá thánh hoá gia đình, bởi nó có những giá trị đặc biệt vô cùng ý nghĩa đối với các gia đình Kitô hữu. Trong Tông thư Kinh Mân côi, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Kinh Mân côi là kinh của gia đình. Thiết tưởng cùng nhìn về gia đình trong tháng Mân côi và nghe những lời nhắc nhở của Đức Thánh Giáo hoàng thì thật là hữu ích.

Trước tiên, ngài nhắc nhở mọi người hãy luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện bằng Kinh Mân côi. Cụ thể, trong bối cảnh mà các gia đình hiện nay phải đương đầu với những thách đố nghiêm trọng, xin hãy tha thiết giao các gia đình cho quyền năng của Kinh Mân côi.

Bởi vì, tự bản chất, Kinh Mân côi là lời kinh liên quan đến câu chuyện của một gia đình, ở đó Đức Kitô được đặt làm trung tâm và Mẹ Maria có một vai trò quan trọng. Ta thấy, bức tranh khởi đầu của Kinh Mân côi là bức tranh lấy bối cảnh của cuộc sống gia đình. Thiên thần đến nhà trinh nữ Maria, và ở đó đã bắt đầu có sự xáo trộn gia đình… Tuy nhiên đằng sau sự xáo trộn ấy, Thiên thần truyền trao sứ điệp cho gia đình “Thiên Chúa ở cùng Bà”… Các mầu nhiệm trong 20 mầu nhiệm Kinh Mân côi, không mầu nhiệm nào tách khỏi bối cảnh gia đình. Ở khía cạnh nào đó, mỗi gia đình đều thấy gia đình mình ở trong bối cảnh của một mầu nhiệm.

Thứ đến, Kinh Mân côi và các mầu nhiệm Kinh Mân côi không hề tránh né những vấn đề của gia đình, trái lại nó bắt buộc chúng ta phải nhìn thẳng những vấn đề của gia đình dưới con mắt đức tin. Đồng thời qua Kinh Mân côi chúng ta được ban thêm nghị lực để đối diện với các vấn đề ấy, xác tín về sự trợ giúp của Thiên Chúa qua tay Mẹ Maria.

Hơn nữa, Kinh Mân côi luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình, bởi vì nó hết sức thân thiết với các gia đình Kitô giáo, nó đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Gia đình mà đọc Kinh Mân côi chung và cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Kinh Mân côi, với truyền thống lâu đời, đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thánh Khí của Thiên Chúa.

Cuối cùng, nhiều vấn đề mà các gia đình đang đối diện, đặc biệt trong bối cảnh xã hội kinh tế phát triển, rất khó để gìn giữ và gia tăng các mối tương giao. Các gia đình ít có điều kiện để gặp gỡ nhau. Dường như, họ gặp gỡ là để xem truyền hình. Việc đọc Kinh Mân côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh. Gia đình mà đọc chung Kinh Mân côi tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Nadarét: các thành viên của gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người; họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người; họ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước.

Các bậc làm cha mẹ hãy dùng Kinh Mân côi để phó dâng con cái cho Mẹ maria. Kinh mân côi đã chẳng dõi theo cuộc đời của Đức Kitô, từ lúc thụ thai đến lúc chết, và rồi từ phục sinh đến vinh quang đó sao?... 

Cầu nguyện bằng Kinh mân côi cho con cái, và hơn thế nữa, với các con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá.

Chúng ta cùng dâng lời kinh để cầu nguyện cho gia đình chúng ta: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ… Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau được cùng Mẹ muôn đời trên Thiên Đàng. Amen”

Có thể nói, Kinh Mân côi vừa là kinh nguyện trong gia đình, vừa là chìa khoá thánh hoá gia đình, bởi nó có những giá trị đặc biệt vô cùng ý nghĩa đối với các gia đình Kitô hữu. Trong Tông thư Kinh Mân côi, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Kinh Mân côi là kinh của gia đình. Thiết tưởng cùng nhìn về gia đình trong tháng Mân côi và nghe những lời nhắc nhở của Đức Thánh Giáo hoàng thì thật là hữu ích.
[2]  

[1] Trích lược Tông thư Kinh Mân côi (Rosarium Virginis Mariae) của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 16/10/2002, các số 39-42.
[2]  Thông điệp “Thân Mẫu cao cả của Thiên Chúa” (Magnae Dei Matris) năm 1892 của Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII.
114.864864865135.135135135250